Thứ 4, 27/11/2024, 08:34[GMT+7]

“Chìa khóa vàng” cho nông nghiệp Thái Bình

Thứ 4, 12/06/2019 | 09:14:45
2,307 lượt xem
Mục tiêu của dự án AVERP nhằm xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải KNK trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phần lớn lượng phát thải khí nhà kính ở giai đoạn làm đất, gieo cấy lúa.

“Lúc đầu tôi chưa tin vào công nghệ của công ty dự thi vì truyền thống từ trước đến giờ nông dân chúng tôi chỉ cấy khi mạ được khoảng 20 ngày tuổi. Nhưng đến khi cấy mạ non theo công nghệ của công ty, tôi rất ưng ý vì cấy thưa, nhỏ dảnh, giảm 50% thóc giống mà lúa đẻ khỏe, sâu bệnh giảm đi rất nhiều” - đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngát, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình khi gieo cấy lúa theo quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính (KNK) của đơn vị tham gia dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” (AVERP).

Bà Ngát cũng như hàng nghìn nông dân áp dụng các công nghệ giảm phát thải KNK, có thể họ chưa quan tâm đến những con số về lượng KNK cắt giảm nhưng tăng năng suất, giảm sâu bệnh, giảm chi phí đầu vào... là những hiệu quả thấy rõ khi tuân thủ đúng quy trình công nghệ của các công ty, đơn vị. 

Ông Cao Bá Muồn, Giám đốc HTX DVNN xã Tây Lương (Tiền Hải) cho biết: Vụ xuân năm 2019, xã Tây Lương lần đầu được lựa chọn triển khai công nghệ canh tác lúa giảm phát thải KNK trên diện tích 14ha với 393 hộ dân tham gia. Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân khi họ không biết cũng không quan tâm đến phát thải KNK. Từ trước đến giờ, khi bón phân đạm cho lúa, ruộng lúc nào cũng phải có nước nhưng khi tham gia dự án, áp dụng quy trình của công ty, 3 lần vãi phân ruộng phải tháo khô nước trước đó vài ngày. Thay đổi này đã vấp phải sự hoài nghi của nông dân. Tuy nhiên, đến nay, lúa trong mô hình phát triển tốt, ít sâu bệnh, dự kiến cho năng suất cao hơn hẳn ruộng gieo cấy theo phương thức truyền thống, người dân đã dần tin tưởng vào quy trình của công ty.

Kết thúc vụ đầu tiên của giai đoạn 2 - giai đoạn nhân rộng các công nghệ tham gia dự thi, toàn tỉnh có 425,4ha lúa xuân của 4.709 hộ dân tại 47 xã áp dụng các công nghệ canh tác lúa giảm phát thải KNK, trong đó có 5 xã triển khai đồng thời 2 gói công nghệ của hai đơn vị dự thi đã cho thấy hiệu quả, sức hút lớn của dự án đối với chính quyền, nông dân. Theo đánh giá của ban quản lý dự án, các địa phương đều tham gia nhiệt tình với tinh thần hợp tác, trách nhiệm cao. Nhiều điểm triển khai rất khoa học, chỉ đạo sát sao từ làm đất, gieo cấy, bón phân, tháo nước...

Một trong những tiêu chí để trao giải chính là khả năng nhân rộng, vì thế, những công nghệ tốt, hiệu quả sẽ do chính người nông dân công nhận và tự nguyện nhân rộng. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ Hòa (Kiến Xương) cho biết: Vụ xuân năm nay, xã Vũ Hòa có 7,2ha lúa áp dụng công nghệ canh tác giảm phát thải KNK của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Qua theo dõi thấy lúa sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến cho năng suất khá, đặc biệt lúa cứng cây, không bị đổ. Vụ mùa tới, dự kiến diện tích lúa áp dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải KNK sẽ mở rộng lên 70ha.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vụ xuân năm 2019 của Thái Bình được đánh giá là vụ được mùa so với các địa phương lân cận, góp phần vào thành công đó phải kể đến đóng góp của các công nghệ, giải pháp từ các đơn vị dự thi triển khai, áp dụng. Dự án được xem là “chìa khóa vàng” cho sản xuất lúa gạo của Thái Bình bởi đã đưa ra các gói công nghệ, giải pháp canh tác lúa vừa bảo đảm năng suất vừa cải thiện môi trường, an sinh xã hội.

Mục tiêu của dự án AVERP nhằm xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải KNK trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Ông Justin Kosoris, Ban Thư ký đề án AgResults - cơ quan quản lý dự án cho biết: Dự án AVERP đã bước sang giai đoạn 2, các công ty, đơn vị dự thi sẽ được phép triển khai những gói công nghệ hiệu quả nhất nhằm nhân rộng đến càng nhiều nông hộ càng tốt. Đến thời điểm này, chúng tôi rất hài lòng với những kết quả đã đạt được.

Lưu Ngần

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình) 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày