Thứ 7, 27/07/2024, 03:15[GMT+7]

Chủ động chống úng nội đồng

Thứ 5, 27/06/2019 | 18:56:06
827 lượt xem
Nhằm ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, mưa lớn cục bộ, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình đã chủ động nhiều biện pháp chống úng cho sản xuất vụ mùa, vụ đông.

Công nhân trạm bơm Thống Nhất (Tiền Hải) kiểm tra máy bơm phục vụ tưới, tiêu vụ mùa.

Vụ mùa là vụ sản xuất có diễn biến thời tiết, khí hậu thất thường, khó lường, nhất là thời kỳ đầu vụ khi lúa mới cấy thường xuyên có mưa lớn trùng với kỳ triều kém gây ngập úng. Cũng có khi tiêu nước đệm phòng, chống trước cơn bão nhưng sau bão không có mưa nên một số diện tích bị thiếu nước, cũng có khi vừa chống hạn xong đã phải quay sang chống úng do mưa bão. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống úng trong toàn hệ thống và triển khai tới các địa phương; đồng thời, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để điều tiết nước hợp lý theo nhu cầu dùng nước của cây trồng.

Năm 2019 được dự báo là năm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, nắng nóng cục bộ, giông tố, lốc xảy ra nhiều hơn, cường độ mạnh hơn, cần đề phòng những trận mưa cường độ lớn gây ngập úng. Để bảo đảm an toàn cho gần 31.800ha lúa mùa, trên 3.500ha thủy sản và trên 1.200ha cây màu vụ đông, công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi và giải phóng dòng chảy được Công ty thường xuyên quan tâm. Đến nay đã tu bổ, sửa chữa 36 cống dưới đê, 13 cống đập nội đồng chính, 11 trạm bơm, cắm cừ dự phòng 7 cống xung yếu, bảo dưỡng toàn bộ máy bơm, thiết bị, cống đập hiện có. Các sông trục, sông dẫn được nạo vét với khối lượng 160.290m3. Ông Bùi Văn Tuân, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Cống Tân Ấp được xây dựng tại km193 đê tả Hồng Hà 2 do Công ty làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn khoảng 11 tỷ đồng đến nay đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng đưa vào vận hành. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống lụt, bão cũng như phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 365ha diện tích canh tác thuộc một số xã vùng trũng của huyện Kiến Xương như Minh Tân, Minh Hưng, Bình Thanh... cũng như tưới, tiêu bổ sung cho hệ thống.

Cùng với việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa các công trình, với phương châm phòng úng từ xa, giữ cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng thường xuyên trong suốt vụ, Công ty đã xây dựng phương án điều tiết nước cụ thể. Ông Bùi Văn Tuân cho biết thêm: Theo số liệu thống kê nhiều năm, tháng 7 đều có mưa lớn làm ngập úng lúa mới cấy do đó chúng tôi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chủ động tiêu nước để phòng mưa úng xảy ra vào triều kém nước. Tháng 8, tháng 9 là thời điểm tập trung mạnh nhất của bão, áp thấp nhiệt đới. Ở giai đoạn này, lúa đã bước vào thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông nên nếu bị ngập úng gây chết lúa thì sẽ không có khả năng cấy lại, vì vậy công tác phòng úng được đặt lên hàng đầu. Trong điều kiện thời tiết bình thường, thường xuyên duy trì mực nước tại cửa Lân ở mức +0,6 đến +0,7m; nếu thời tiết xấu hoặc dự báo có bão, áp thấp nhiệt đới thì tháo kiệt nước hệ thống để phòng úng.

Một trong những khó khăn ảnh hưởng tới năng lực điều hành cũng như khả năng tiêu thoát nước khi có mưa lớn, ngập úng xảy ra đó là tình trạng vi phạm, lấn chiếm công trình thủy lợi ngày một gia tăng và chưa được giải quyết triệt để. Việc khơi thông dòng chảy ở các sông trục cấp III chưa được giao khoán hết, một số địa phương chưa thực sự coi trọng công tác này dẫn đến nhiều tuyến sông vẫn thường xuyên ách tắc, rau, bèo phát triển mạnh làm co hẹp mặt cắt sông, ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến khả năng dẫn, thoát nước của hệ thống sông trục, sông dẫn. Công ty đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Công ty, tích cực chỉ đạo, tổ chức giải tỏa vật cản trên sông trục, sông dẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày