Thứ 2, 13/01/2025, 06:35[GMT+7]

Thái Thụy: Ngăn chặn dịch cúm gia cầm A/H5N6 lây lan ra diện rộng

Thứ 6, 05/07/2019 | 09:05:18
1,765 lượt xem
Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N6 phát sinh trên địa bàn, huyện Thái Thụy đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện cấp bách và quyết liệt các biện pháp phòng, chống, không để dịch cúm gia cầm bùng phát và lây lan ra diện rộng.

Hộ chăn nuôi xã Thụy Hồng (Thái Thụy) phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại.

Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thái Thụy, sáng ngày 25/6, đơn vị nhận được thông báo của Ban Chăn nuôi và Thú y xã Thụy Hồng về việc hộ gia đình ông Nguyễn Đức Thuần (thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng) có hiện tượng vịt chết bất thường. Sau khi nhận được thông báo, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn xuống hộ ông Thuần kiểm tra, xác minh dịch bệnh, đồng thời lấy mẫu gửi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3/3 mẫu dương tính với virus cúm A/H5N6. Ngày 26/6, đơn vị đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND xã Thụy Hồng tổ chức tiêu hủy toàn bộ 710 con vịt của gia đình ông Nguyễn Đức Thuần theo đúng quy định. Đồng thời, thực hiện lấy mẫu giám sát của 2 hộ liền kề với hộ có dịch.

Ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Sau khi phát hiện dịch cúm A/H5N6 tại xã Thụy Hồng, ngày 26/6, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Thụy Hồng thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn dịch. Đến buổi chiều cùng ngày, UBND huyện tổ chức cuộc họp khẩn đến chủ tịch UBND, trưởng ban chăn nuôi và thú y 48 xã, thị trấn về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm bùng phát trên địa bàn huyện. UBND huyện thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn huyện, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên ban chỉ đạo. Đồng thời, UBND huyện ban hành công điện về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Tính đến ngày 30/6, trên địa bàn huyện Thái Thụy nói chung, xã Thụy Hồng nói riêng không phát sinh gia cầm ốm, chết do bệnh cúm gia cầm. Kết quả xét nghiệm mẫu lấy tại 2 hộ liền kề hộ ông Thuần là âm tính với virus cúm gia cầm. Nguyên nhân dịch cúm gia cầm A/H5N6 phát sinh tại xã Thụy Hồng được ngành chức năng huyện nhận định do chủ hộ chăn nuôi không tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn vịt thả đồng, thời tiết nóng bức làm giảm sức đề kháng, mầm bệnh lưu hành sẵn ngoài môi trường và trên đàn gia cầm bùng phát gây dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Bừng, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hồng: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, xã đã tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi vịt của hộ bị nhiễm bệnh và các hộ chăn nuôi xung quanh. Đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm trong xã, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là các đàn vịt nuôi thả đồng, kịp thời báo cáo các trường hợp phát sinh về huyện... Ngoài ra, xã tích cực tuyên truyền, đôn đốc để các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Thụy Hồng đang chủ động các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ông Đoàn Duy Việt, hộ chăn nuôi vịt ở thôn Tu Trình cho biết: Hiện tại nhà tôi nuôi 2.000 con vịt. Trước sự xuất hiện của dịch cúm gia cầm phát sinh tại xã, tôi đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm cho đàn vịt, bổ sung các loại thức ăn, vitamin, chất điện giải nhằm tăng sức đề kháng cho đàn vịt. Đồng thời, tôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột nhằm ngăn chặn dịch cúm lây lan trên đàn vịt của gia đình.

Hiện nay, tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện Thái Thụy hơn 1,8 triệu con, trong đó gà hơn 1,2 triệu con, đàn vịt, ngan và gia cầm khác 605.000 con. Thực hiện công điện của UBND huyện về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm, hiện nay, các xã, thị trấn trong huyện đang tích cực tuyên truyền, khuyến cáo tới người dân về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế chăn nuôi thả đồng, xuất bán gia cầm khi đến kỳ xuất bán. Rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm của xã, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm và đôn đốc các hộ chăn nuôi chủ động tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh, thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi... Cùng với đó, các ngành chức năng huyện đang tích cực đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật...

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày