Thứ 6, 09/08/2024, 09:10[GMT+7]

Tiêm vắcxin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm Bao giờ trở thành ý thức tự giác của người chăn nuôi?

Thứ 5, 05/04/2012 | 08:07:25
1,483 lượt xem
Hiện nay, đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, việc vận chuyển, tái đàn vật nuôi, buôn bán, giết mổ tăng mạnh, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn. Nếu chỉ có huyện, cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì chưa đủ, mà mấu chốt vẫn là sự vào cuộc tích cực từ chính quyền cơ sở và bản thân người chăn nuôi.

Trong chăn nuôi, yếu tố dịch bệnh là nguyên nhân hàng đầu làm tổn hao số lượng gia súc, gia cầm, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Chủ động tiêm vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm là một biện pháp quan trọng để hạn chế dịch bệnh, tuy nhiên công việc này hiện vẫn chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của người chăn nuôi.

 

Mặc dù chưa xảy ra dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc nhưng từ đầu năm đến nay, ở Thái Thụy trên đàn trâu bò, bệnh tụ huyết trùng và một số bệnh khác đã xuất hiện tại 28 hộ chăn nuôi, làm 30 con ốm. Trên đàn lợn, các bệnh phó thương hàn, đóng dấu, tiêu chảy, nhiễm ký sinh trùng... đã làm 798 con của 141 hộ bị ốm, 162 con chết. Bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng ... khiến hơn 300 gia cầm ốm và hơn 100 con chết. Chủ động phòng chống dịch bệnh, thời gian qua BCĐ phòng chống dịch của Thái Thụy đã thành lập đội kiểm dịch động vật lưu động, chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra vào huyện, yêu cầu các chủ bến đò, phà ký cam kết không vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh, không rõ nguồn gốc.

 

Trạm Thú y huyện cử cán bộ tăng cường  giám sát, nắm tình hình dịch phát sinh ở từng địa bàn tìm biện pháp xử ý kịp thời. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, thường xuyên tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn vật nuôi đến tuổi tiêm phòng, thực hiện tốt công tác tiêu độc vệ sinh, giám sát và khai báo dịch. Tổ chức lấy mẫu Swab và hầu họng tại 2 chợ Diêm Điền và chợ Giành để kiểm tra vi rút cúm H5N1. Đối với các đợt tiêm phòng, UBND huyện, phòng Nông nghiệp& PTNT, Trạm Thú y đều có công văn hướng dẫn các xã, thị trấn về thời gian, phạm vi, đối tượng tiêm và liều lượng vắc xin, tổ chức tốt việc giám sát trước, trong và sau khi tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm đạt khoảng 80% nhưng tỷ lệ tiêm phòng bệnh  LMLM cho đàn gia súc bình quân chỉ đạt từ 40 đến 50% tổng đàn. Ví như đợt tiêm vắc xin LMLM cho đàn lợn nái, đực giống và đàn trâu bò vụ thu đông năm 2011 vừa qua là đợt tỉnh hỗ trợ toàn bộ vắc xin, một số xã được UBND huyện hỗ trợ công người đi tiêm phòng, người chăn nuôi không phải trả bất kỳ một khoản chi phí nào nên tỷ lệ tiêm phòng đàn lợn đạt 87%, đàn trâu bò đạt 84%.

 

Tuy nhiên, vẫn còn 4 xã tỷ lệ tiêm phòng rất thấp: Thụy Quỳnh đạt 44%, thị trấn Diêm Điền 63%, Thái Thịnh 48%, Thái Học 42%. Đầu tháng 2/2012, huyện đã triển khai việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm vụ xuân-hè nhưng đến ngày 27/3 mới có 7/48 xã tiêm phòng bệnh đỏ cho đàn lợn, 1/48 xã triển khai tiêm phòng bệnh dại. Thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng từ (15/2 đến 15/3), phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, tỉnh đã cấp cho Thái Thụy 2.674kg hoá chất. Hầu hết các địa phương đã thực hiện đúng theo yêu cầu, kế hoạch đề ra, tổ chức phun tiêu độc khử trùng 2 đợt với diện tích 4.286.760m2 nhưng một số xã: Mỹ Lộc, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Quỳnh, Thái An, Thái Tân... Trạm thú y phải đôn đốc nhiều lần mới tiếp nhận hoá chất.

 

Nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay đa số người chăn nuôi vẫn chủ quan với việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nếu đợt nào được hỗ trợ vắc xin thì tiêm phòng, còn nếu phải tự bỏ tiền mua thì né tránh chỉ mua thuốc về nhỏ. Thậm chí, một số hộ còn nhận thức không đúng, cho rằng việc tiêm phòng ảnh hưởng không tốt đến sự sinh trưởng, phát triển, sinh sản của đàn vật nuôi nên không tiêm, không thống kê đủ số lượng gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng. Tổ chức chăn nuôi theo ý thức chủ quan của mình, không thực hiện nghiêm các quy trình phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, thậm chí khi có gia súc, gia cầm ốm chết chưa rõ nguyên nhân còn dấu không báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, bán chạy đàn vật nuôi ra thị trường. Trung bình một năm, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, ngoài vắc xin được hỗ trợ, người chăn nuôi cũng phải mua thêm về tiêm, chính quyền địa phương hỗ trợ công tiêm. Tuy nhiên hiện nay sản phẩm  vật nuôi chưa tiêm phòng, hoặc đã  tiêm phòng xuất bán trên thị trường chưa có căn cứ xác định rõ, giá bán như nhau. Đến khi có dịch xảy ra, cơ chế hỗ trợ cho gia súc, gia cầm ốm chết cũng không phân biệt là đã tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng vô hình chung người chăn nuôi thực hiện tốt việc tiêm phòng cũng giống như hộ không tiêm phòng khiến họ càng thờ ơ, chủ quan với việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Một nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt thấp là lực lượng thú y viên cơ sở ở Thái Thụy mỏng, chưa có phụ cấp, ngày công tiêm phòng thấp nên họ chưa nhiệt tình tham gia, phần khác do xã chưa thực sự quan tâm đến công tác này phó mặc cho cán bộ chuyên môn và cán bộ thôn.

 

Hiện nay, đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, việc vận chuyển, tái đàn vật nuôi, buôn bán, giết mổ tăng mạnh, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn. Nếu chỉ có huyện, cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì chưa đủ, mà mấu chốt vẫn là sự vào cuộc tích cực từ chính quyền cơ sở và bản thân người chăn nuôi. Ngoài các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, vận động, huyện cần có biện pháp, chế tài xử phạt nghiêm những hộ chăn nuôi không tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, không thực hiện đúng quy trình phòng chống dịch, dấu dịch và những xã, thị trấn có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt thấp. Đã đến lúc, các cấp, các ngành cần xây dựng một quy chế rõ ràng không hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi không thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh nếu xảy ra dịch và có gia súc, gia cầm ốm chết phải tiêu huỷ để nâng cao ý thức cũng như bảo đảm sự công bằng cho người chăn nuôi.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày