Thứ 5, 08/08/2024, 17:19[GMT+7]

Hướng đi, cách làm táo bạo của một chủ trang trại

Thứ 5, 05/04/2012 | 10:50:54
9,872 lượt xem
Vũ Ðoài (Vũ Thư) có trên 100 gia trại, trang trại. Mỗi chủ hộ có mô hình phát triển kinh tế khác nhau nhưng mạnh dạn đầu tư nuôi các con đặc sản như anh Phạm Minh Quang, thôn 4 không nhiều. Thành công của anh hôm nay khẳng định nghị lực và quyết tâm vượt lên đói nghèo, đã được bù đắp xứng đáng, quả là đất không phụ công người.

Sau 5 năm đưa giống lợn rừng Thái Lan này về Thái Bình, nay trang trại đã tự túc con giống và bán lợn thương phẩm loại 25-35 kg cho các nhà hàng, quán ăn có nhu cầu giá 180-200 ngàn đồng/kg.

Dừng vận hành máy xay đậu tương, anh Quang vui vẻ, cởi mở tiếp chuyện chúng tôi. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh Quang đã trải qua nhiều nghề mưu sinh: khi đi làm thợ, khi đi chợ bán buôn. Từ khi UBND xã thực hiện đề án xây dựng cánh đồng nuôi thủy sản tập trung, tạo mọi tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đầu tư khai thác những vùng đất hoang hóa, đầm bãi ven đê, chuyển đổi đất cấy lúa một vụ, năng suất thấp sang nuôi trồng các cây con cho thu nhập cao hơn, vợ chồng anh Phạm Minh Quang bàn bạc, được gia đình người anh trai ủng hộ, cùng đồng tâm, hiệp sức thực hiện ước mơ xây dựng khu trang trại sinh thái. Anh đã dồn đổi ruộng của gia đình lấy khu đất ngoài bãi đê Hồng Hà và mua thêm ruộng của những hộ bên cạnh. Chỉ thửa ruộng cấy lúa vuông vắn kề bên ao cá, anh Quang cho biết: Hai anh em đã quy họach mô hình cá + lúa. Khi mùa mưa, nước lớn, cá tràn lên ruộng lúa sinh sống.

 

Vào những ngày thời tiết đẹp, đàn lợn được thả khỏi chuồng, tự do đi lại kiếm ăn trên các bờ ao, bờ ruộng đắp rộng. Thật khó hình dung để có cơ ngơi hôm nay, hai anh em đã phải thuê máy hút tổng số 4000 m3 bùn cát để san lấp và chuyên chở 25 vạn gạch xây quây các bờ ao, 4 phía tường dậu, mỗi năm có vốn đến đâu, đầu tư cải tạo vườn ao đến đó. Mươi năm trước, mới ra, “đồng không mông quạnh”, chưa có đường đi, chưa có điện. Cùng với những người nông dân khai khẩn đất đai lập nghiệp, bước chân của họ đã đi mòn vệt cỏ thành đường, các anh lại đổ từng tấm bê tông ghép thành lối đi, xe thồ chuyên chở các loại vật liệu, thức ăn cho vật nuôi nay đã thuận tiện hơn.

 

Với những kinh nghiệm tích lũy trong trường đời, ngay từ bước đi ban đầu, hai anh em đặc biệt coi trọng việc quy hoạch từng khu chuồng, ao, vườn ruộng hợp lý, thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, đa cây (lúa, khoai, ngô, đậu tương, rau), đa con (lợn, gà ta thả vườn, gà công nghiệp, thả các loại cá truyền thống, ba ba). Ðiều họ luôn trăn trở là: Trồng cây gì, nuôi con gì đem lại hiệu quả thu nhập cao nhất? Nếu chỉ chăn nuôi lợn, gà, nhiều thời điểm  khó lấy lại vốn chứ chưa nói đến có lãi cao vì dịch bệnh thường xuyên đe dọa, giá cả bấp bênh, gặp ai mua thì bán, không có nơi chuyên hợp đồng tiêu thụ ổn định.

 

Suy nghĩ đó đã thôi thúc anh Quang năm 2004 vào Ðắc Lắc tìm hiều và mua 1 đôi nhím, thuê xe con chở về đến nhà vừa hết hơn một cây vàng. Anh kiên trì học cách nuôi để nhím thích nghi với môi trường mới, nhất là khí hậu mùa lạnh của miền Bắc đến khi nhím sinh sản thành công. Hiện nay đàn nhím phát triển gồm 50 con to nhỏ, sinh sản khá đều. Anh cho biết: Nuôi nhím dễ nhất trong các loài, chúng vốn là loại động vật hoang dã khỏe mạnh, sức đề kháng cao, thức ăn thiên nhiên dễ kiếm mọi loại củ, rau, quả. Tuy nhiên, người không kiên nhẫn sẽ bỏ cuộc vì con nhím tăng trọng không nhanh, chỉ 7 – 8 lạng/tháng. Trọng lượng nhím thương phẩm từ 12- 15 kg. Lúc cao điểm anh bán 17 triệu đồng một đôi nhím sinh sản. Nay 7-8 triệu đồng một đôi, trọng lượng 3-4 kg/con.

 

Ðưa chúng tôi đi thăm dãy chuồng 420 m2, chia làm 15 ô gồm ô nuôi lợn bố, mẹ, ô lợn con, ô lợn thịt, với 60 con lợn rừng lớn nhỏ, anh cho biết: Sau 5 năm đưa giống lợn rừng  Thái Lan này về Thái Bình, nay trang trại đã tự túc con giống và bán lợn thương phẩm loại 25-35 kg cho các nhà hàng, quán ăn có nhu cầu giá 180-200 ngàn đồng/kg. Ðàn lợn bố mẹ 13 con sinh sản ổn định. Lợn giống 270-280 ngàn đồng/kg, loại 8-10 kg. Ưu điểm của chúng là sức đề kháng rất tốt, hầu như không bị dịch bệnh, thức ăn thiên nhiên, chủ yếu là rau, cám gạo, đỗ tương hòa nước. Vào những ngày thời tiết tốt, anh thả chúng chạy rông ra vườn đào củ, ăn lá cây.

 

Ðiều chúng tôi ngạc nhiên hơn đó là anh Quang còn thành công khi nuôi chồn nhung và dúi sinh sản, mỗi loài có vài chục con. Những con dúi sinh sống hiền lành , mỗi con một ô chuồng nhỏ ghép bằng viên gạch hoa 40 x 40 cm, nền trải trấu, rơm. Ðàn chồn nhung xúm quanh chiếc bắp cải gặm ăn ngon lành trông thật dễ thương. Chồn, dúi cũng ăn rau, quả, củ, nên chi phí không tốn kém, chỉ có điều phải là thức ăn sạch, không phun thuốc  sâu.

 

Thời gian thăm trang trại của anh Quang không nhiều nhưng chúng tôi cũng nhận ra những điều khác biệt. Nơi đây, tuy nuôi nhiều loại động vật nhưng môi trường yên tĩnh, đặc biệt sạch sẽ, đúng là mô hình trang trại sinh thái. Cai quản cơ ngơi trang trại rộng 1,4 mẫu , lao động hàng ngày chủ yếu là hai anh em. (Theo như anh Quang, vợ con các anh làm việc khác). Ðiều các chủ trang trại lo nhất  thì nơi đây, những động vật anh Quang nuôi hầu hết có nguồn gốc tự nhiên, miễn dịch cao, thức ăn dễ kiếm, trang trại tự sản xuất. Anh Quang khiêm tốn cho biết: các anh đã có nguồn thu vài trăm triệu đồng từ các con “đặc sản” này, chủ yếu là bán giống. Trang trại cũng bán thương phẩm nhưng chưa đủ cung cấp thường xuyên cho thị trường theo dạng hàng hóa.

 Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa

Hoa Quỳnh - 6 năm trước

bài báo viết rất hay nhưng k có địa chỉ cụ thể, người khác muốn liên hệ học hỏi kinh nghiệm thì làm sao. Cái cần thiết nhất thì k thấy đưa.

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày