Thứ 2, 05/08/2024, 23:17[GMT+7]

Lúa xuân trước nguy cơ sâu bệnh bùng phát trên diện rộng

Thứ 5, 05/04/2012 | 16:28:33
1,345 lượt xem
Để bảo vệ lúa xuân khỏi sâu bệnh gây hại, các địa phương cần thực hiện theo phương châm phòng là chính, trước mắt bám sát diễn biến của thời tiết, phun phòng trừ bệnh ngay khi đến ngưỡng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác điều tra phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh, xử lý theo diễn biến tình hình cụ thể của từng địa phương; phân trà, phân các giống nhiễm bệnh để khoanh vùng xử lý, hạn chế phun thuốc tràn lan.

Ảnh: Thành Tâm

Hiện nay lúa xuân đang phát triển khá tốt, diện tích bị kìm hãm giảm hơn so với cùng kỳ nhiều năm; lúa trà sớm đã đẻ nhánh rộ, lúa cấy cuối tháng 2 và gieo thẳng cũng bắt đầu đẻ nhánh. Tuy nhiên, hiện nay sâu bệnh hại lúa xuân đang diễn biến khá phức tạp, lây lan nhanh, hiện có 9 nghìn héc-ta bị bệnh đạo ôn và một số đối tượng khác như sâu cuốn lá nhỏ, đục thân 2 chấm, rầy...đang có chiều hướng phát triển mạnh. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, các đối tượng sâu bệnh sẽ phát sinh gây hại nặng ở tháng 4, do đó các địa phương cần phòng trừ sâu bệnh quyết liệt ngay từ sớm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, góp phần bảo đảm cho lúa xuân giành thắng lợi toàn diện.

 

Ông Trần Xuân Định, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Thời tiết đầu vụ nền nhiệt không thuận làm cho mạ xuân sớm gieo trong tháng 12/2011 và tháng 1/2012 sinh trưởng kém, nhiều diện tích mạ đã chết; sau khi gieo cấy xong thời tiết ấm dần, nhưng độ ẩm, bức xạ, số giờ nắng thấp, số ngày mưa nhiều nhất trong dãy số liệu khí tượng thuỷ văn 10 năm trở lại đây. Đặc biệt trong tháng 3 có 25 ngày mưa phùn, 7 ngày độ ẩm bão hoà, ẩm độ trung bình trong tháng trên 90%, cùng với số giờ nắng thấp nên bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại trên lúa. Cũng theo ông Trần Xuân Định, vụ xuân năm nay tỷ lệ giống lúa có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn được gieo cấy chiếm khá cao, khoảng 35%, riêng giống BC15 đã chiếm 21% so với tổng diện tích.

 

Thực tế cho thấy bệnh đạo ôn đã xuất hiện từ cuối tháng 2, ổ bệnh đầu tiên ở trên mạ của xã Đông Hợp (Đông Hưng), Phú Xuân (Thành phố), mỗi xã có khoảng 0,5 – 1 sào mạ phải tiêu huỷ, đồng thời trên bờ cỏ bệnh gây hại rất nặng. Đến đầu tháng 3 bệnh đạo ôn đã xuất hiện cục bộ và gây hại trên lúa xuân khoảng 100 ha, chủ yếu là diện tích lúa cấy bằng mạ dược với các giống BC15, Q5. Do thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, do đó đến trung tuần tháng 3 đã có trên 500 ha lúa bị nhiễm, chủ yếu lây lan nhanh trên các giống BC15, Q5, nếp địa phương và một số giống lúa dài ngày khác.

 

Đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có khoảng 9000 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, trong đó  2000 ha bị bệnh từ mức 5% trở lên, 1,5 ha đã lùn lụi; trước diễn biến này nông dân đã phòng trừ được khoảng 4000 ha.  Các địa phương có diện tích lúa bị bệnh đạo ôn nặng, như Trọng Quan, Đông Hợp, Đông Sơn, Đông Động (Đông Hưng), Hùng Dũng, Hoà Tiến, Văn Lang (Hưng Hà), Quỳnh Hải, Quỳnh Châu (Quỳnh Phụ)...Như vậy, chỉ trong tháng 3, bệnh đạo ôn đã xuất hiện và lây lan rất nhanh từ 100 ha tăng lên khoảng 9000 ha.

 

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật, 35% diện tích được cấy bằng các giống dễ nhiễm bệnh đạo ôn, kết hợp độ ẩm không khí cao, nếu không phòng trừ tốt thì bệnh sẽ phát sinh gây hại trên lúa rất nặng vào đầu tháng 4. Ngoài ra, hiện sâu cuốn lá nhỏ đã trưởng thành và đang xuất hiện trên đồng ruộng, nơi cao cục bộ khoảng 1- 2 con/m2; sâu non mật độ thấp từ 0,01 – 0,03 con/m2, cục bộ 0,1 – 0,5 con/m2 và sâu non tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đối với rầy các loại cũng đang gia tăng nhanh trên đồng ruộng, rầy trưởng thành di trú cao hơn cùng kỳ nhiều năm, rầy tuổi 1,2 nơi cao có 20 – 50 con/m2, trứng rầy 15- 30 ổ/m2; rầy lưng trắng xuất hiện từ sau ngày 20/4 trên diện rộng khi trà lúa sớm trỗ bông và lúa đại trà có đòng...

 

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, trong thời gian tới bệnh đạo ôn là đối tượng gây hại nặng trên lá, tập trung vào trung tuần tháng 4; sâu cuốn lá nhỏ sẽ phát sinh gây hại sớm hơn so với cùng kỳ nhiều năm; sâu đục thân 2 chấm, rầy có nguy cơ gây hại trên diện rộng và nặng hơn so với nhiều năm từ sau ngày 25/5...

 

Để bảo vệ lúa xuân khỏi sâu bệnh gây hại, các địa phương cần thực hiện theo phương châm phòng là chính, trước mắt bám sát diễn biến của thời tiết, phun phòng trừ bệnh ngay khi đến ngưỡng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác điều tra phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh, xử lý theo diễn biến tình hình cụ thể của từng địa phương; phân trà, phân các giống nhiễm bệnh để khoanh vùng xử lý, hạn chế phun thuốc tràn lan. Khi phòng trừ bệnh đạo ôn, bà con nông dân chỉ sử dụng duy nhất thuốc trừ bệnh đạo ôn, không phun thuốc trừ bệnh đạo ôn với các loại thuốc trừ sâu bệnh khác và thuốc kích thích sinh trưởng. Ngoài ra, các địa phương cần phân công nghiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ và tăng cường công tác điều tra phát hiện sâu bệnh để chỉ đạo các biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời tiếp tục chỉ đạo việc phòng bệnh đạo ôn trên giống lúa nhiễm bệnh từ nay đến trung tuần tháng 4 theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật.

Nguyên Bình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày