Thứ 4, 06/11/2024, 01:23[GMT+7]

Nông dân của thị trường

Thứ 6, 26/07/2019 | 09:02:55
2,247 lượt xem
Đã tứng chứng kiến nhiều nơi, vì nhiều lý do nông dân “chán ruộng, bỏ đồng” nên khi được đi giữa những cánh đồng bạt ngàn màu xanh của đủ các loại rau màu ở xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ), chúng tôi vừa “ngả mũ” khâm phục trình độ thâm canh của nông dân nơi đây vừa cảm nhận rất rõ tình yêu, sự gắn bó của bà con với ruộng đồng…

Rau màu nông dân Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) sản xuất rất đa dạng

“Ăn nhau là cái này này!”

 Thấy ông Nguyễn Văn Long và anh Đào Ngọc Trang đang lúi húi trên cánh đồng rau của thôn An Phú, tôi ghé xuống hỏi thăm, hai người vô tư bắt chuyện, giọng rổn rảng cả cánh đồng trong khi chân tay vẫn thoăn thoắt làm việc, xen lẫn là tiếng cười rất sảng khoái. Như lời anh Trang thì xã Quỳnh Hải quê anh có hai loại đất canh tác, gồm đồng triều (đất trồng lúa), đồng nội (đất chuyên trồng màu). Ông bảo cấy lúa đồng triều “không ăn thua” dù năng suất lúa cũng khá cao. “Ăn nhau là cái này này!”, vừa nói anh vừa khoát tay chỉ khắp cánh đồng nơi mấy chúng tôi đang đứng…

 “Cái này này” của anh Trang là đủ các loại rau màu như cần tây, mùi tàu, ớt kim, bí xanh… nông dân Quỳnh Hải đang trồng. Bên bờ ruộng, anh tỷ mỷ: “Ở đồng triều, lâu nay chúng tôi duy trì mô hình “2 vụ lúa 1 vụ đông”. Từ sau tết đến trung tuần tháng 8 âm lịch bà con cấy 2 vụ, chủ yếu bằng giống ngắn ngày để giải phóng sớm quỹ đất cho vụ đông. Từ giữa tháng 8 đến tết chúng tôi tập trung làm vụ thứ 3 này. Tùy điều kiện, kinh nghiệm, mỗi hộ có một mô hình xen canh, luân canh khác nhau, giống nhau ở chỗ thời gian sản xuất được tính chi li từng ngày. Theo đó, từ 15/8 trở đi, trên cùng thửa ruộng bà con bắt đầu gieo rau mùi, trồng hành hoa; sau 10/15 ngày thì xen canh thêm cây ớt kim. Không theo “công thức” này thì bà con trồng 2 lứa su hào hoặc trồng 2 lứa đỗ leo hoặc trồng xen canh cần tây, tỏi tây, cây gia vị…”. Ấy là với đất lúa, còn với đồng nội chuyên màu, anh Trang bảo đây mới là nơi phát huy sở trường thâm canh, xen canh, luân canh của nông dân Quỳnh Hải. Theo đó, với loại đất này, trong một năm bà con luân canh, quay vòng đất từ 4 đến 5 lần. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch bà con trồng một lượt bí xuân; từ tháng 4 đến tháng 8 trồng 2 lượt hành hoa; từ tháng 8 đến đến tháng 12 trồng 2 lượt su hào…

 “Quay vòng đất liên tục, rau màu làm ra cũng nhiều, thế bà con tiêu thụ bằng cách nào?”, tôi hỏi. Ông Long rành rẽ: “Với kinh nghiệm tích lũy, lại đã có hệ thống thủy lợi dẫn nước đến đầu ruộng, chúng tôi tự tin không trồng thì thôi, đã trồng là có năng suất. Được hay mất giờ nằm cả ở khâu tiêu thụ và giá cả mà thôi. Như mấy năm nay việc tiêu thụ khá tốt, một phần do rau màu bà con chọn trồng đều là những loại phổ biến, nhà nào cũng dùng, ở đâu cũng dùng, khi nào cũng dùng. Mặt khác, dân trong xã cũng năng động lắm! Cả xã có cả chục đại lý thu mua nông sản, đặc biệt có đến 50 chiếc xe tải, mấy trăm chiếc xe máy ngày ngày chuyên chở rau của xã đi tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh”.

Nói về thu nhập, ông Long nhẩm tính: “Với đồng triều, không kể hai vụ lúa, chỉ tính riêng vụ đông một sào xen canh, luân canh rau mùi, hành hoa, ớt kim cho thu nhập khoảng 15 đến 16 triệu. Đây nhé! Rau mùi khoảng 5 triệu, hành hoa khoảng 3,5 triệu, ớt kim khoảng 8 triệu, cộng lại là ra số đó. Còn đồng nội chuyên màu đương nhiên khá hơn, khoảng 22 triệu đống/sào/năm, nếu được giá có thể đạt trên dưới 30 triệu. Vì ba tháng đầu năm một sào bí xuân ít cũng thu hơn 8 triệu, 5 tháng giữa năm 2 lượt hành hoa được 5 - 6 triệu, từ tháng 8 đến Tết làm 2 lượt xu hào, cho thu nhập thêm 8-9 triệu nữa”…

Thu nhập từ ruộng rất khá nhưng ngặt nỗi bình quân ruộng đất trên đầu người ở Quỳnh Hải không nhiều, chỉ 1,2 sào/khẩu, do vậy nông dân ở đây rất “khát” ruộng. Nhiều hộ thường thuê, mượn thêm ruộng để làm. 

Chị Phạm Thị Len có ruộng gần ruộng nhà ông Long góp chuyện, bảo: “Ở đây cũng có hộ được chia ruộng nhưng vì lý do nào đó họ không làm, hộ do có nhà mặt tiền chuyển sang kinh doanh có thu nhập khá hơn, hộ do con cái đi thoát ly hết hay hộ do chỉ có hai ông bà già. Ai may mắn thì thuê, mượn được thêm ruộng của những hộ này để làm. Thường ruộng đồng triều thì họ cho mượn không, còn ruộng đồng nội họ cho thuê với giá khoảng tạ rưỡi, hai tạ thóc/năm”…

 “Năng động, nhạy bén, giữ chữ tín”

Đó là mấy chữ ông Vũ Đức Hùng, nguyên Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải dùng để chứng minh nông dân quê mình đã và đang là những nông dân của thị trường. 

Theo ông Hùng, Quỳnh Hải hiện có 2.500 hộ, lẻ 9.500 khẩu. Trong số 6.200 lao động của xã có khoảng 2.500 lao động đang kinh doanh dịch vụ, làm một số nghề như hàn xì, mộc, may, thợ xây; 1.700 lao động làm công nhân ở một số công ty, nhà máy trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. 3.000 lao động còn lại đang ngày ngày gắn bó với 357 ha đất canh tác kết hợp với chăn nuôi. “Nói là Quỳnh Hải có 357 héc ta đất canh tác cũng đúng mà bảo có 500 héc ta cũng chẳng sai. Bởi lẽ, như các anh đã biết đấy, một năm bà con ở đây quay vòng đất đến 5-6 lần...”, ông Hùng giải thích thêm. Ông bảo, giờ sản xuất là phải gắn với nhu cầu thị trường. Phương châm ấy nông dân quê ông làm được cả và đang làm rất tốt. Nó thể hiện ở ba phẩm chất của nông dân Quỳnh Hải, đó là sự “năng động”, “nhạy bén” và “luôn giữ chữ tín”, tất nhiên không thiếu sự cần cù, khuya sớm.

Về sự năng động, nhạy bén, ông Hùng cho hay nông dân Quỳnh Hải ai cũng biết và thực hành phương châm “không sản xuất những gì mình có thể làm mà sản xuất những gì thị trường cần”. Theo đó, các loại rau màu họ đang trồng đều là những loại thị trường có nhu cầu lớn, quanh năm, mùa nào thức ấy. Nó cũng thể hiện ở việc họ chẳng chịu để rau màu của mình chỉ tiêu thụ quẩn quanh trong huyện. Mấy chục chiếc ô tô tải dân trong xã đầu tư mua để chuyên chở rau màu đi xa tiêu thụ nói nên điều đó. 

“Có lần tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt. Mưa vừa ngớt hôm trước hôm sau rau màu của nông dân Quỳnh Hải đã có đầy ở Quảng Ninh, từ nông thôn đến thành thị,  kịp thời phục vụ bà con vùng mỏ”, ông Hùng chứng minh thêm. 

Theo ông Hùng, việc này cũng nói lên “chất” thị trường của nông dân Quỳnh Hải khi họ đang thể hiện là những người “mua tận gốc, bán tận ngọn”, bởi rau màu được họ gieo từ hạt giống mà lên, lúc thành phẩm lại được họ chuyên chở, cung cấp đến tận tay người tiêu dùng. 

Còn giữ chữ tín? Ông Hùng lấy ví dụ: “Một lượng rau màu không nhỏ đang được nông dân địa phương cung cấp cho các bếp ăn tập thể của một số công ty, nhà máy trên địa bàn. Như một lời cam kết, kể cả khi giá rau đang cao ngất ngưởng nhưng nếu chưa quá 14 ngày sau ngày phun thuốc các hộ không ai dám thu hoạch để nhập cho các bếp ăn” và nhìn nhận: “Hơn ai hết họ hiểu chỉ cần một sự cố về an toàn thực phẩm, các bếp ăn sẽ ngưng nhập rau của họ, tìm nguồn khác, họ sẽ mất ngay nguồn tiêu thụ rau ổn định...”.

Nông dân Quỳnh Phụ năng động, nhạy bén với thị trường. 

Trong câu chuyện, vị nguyên Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Ở đâu thì giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng. Ở Quỳnh Hải, chúng tôi rất mừng vì nông dân không chán ruộng bỏ đồng; ngược lại rất gắn bó, thiết tha với đồng ruộng, hơn thế bà con đang “sống êm” bằng đồng ruộng. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận về thăm Quỳnh Hải, nghe chúng tôi báo cáo 1 ha đất chuyên màu của xã có thể cho thu nhập 500 triệu/năm, trên thực tế đã đạt được như vậy, các đồng chí ấy mừng lắm, ồ lên ngạc nhiên!”.

Trần Duy Hưng (Báo Đại Đoàn Kết)

(Bài dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày