Thứ 7, 27/07/2024, 23:13[GMT+7]

Đông Hưng: Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Thứ 7, 10/08/2019 | 13:34:41
2,013 lượt xem
Năm nay, thời tiết nắng, mưa đan xen liên tiếp đã khiến sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh, ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa. Để bảo vệ lúa, nông dân huyện Đông Hưng đang tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo đảm theo nguyên tắc 4 đúng.

Người dân xã Liên Giang phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa.

Những ngày này tại cánh đồng thôn Kim Ngọc 1, xã Liên Giang (Đông Hưng) bà con nông dân đang tập trung phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Ông Nguyễn Bá Dũng cho biết: Vụ này gia đình cấy 1,2 mẫu, 100% bằng giống lúa BC15, hiện lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh và phân hóa đòng. Tuy nhiên, 100% diện tích đều nhiễm sâu đục thân hai chấm và sâu cuốn lá nhỏ. Tôi đã mua thuốc theo khuyến cáo của ngành chức năng và phun cho lúa bảo đảm đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Mong là sâu bệnh sẽ được khống chế sau phun thuốc. 

Tại cánh đồng các thôn khác của xã Liên Giang là Ba Vì, Kim Ngọc 2, Kim Ngọc 3, Minh Hồng lúa cũng đang bị sâu bệnh gây hại nguy cơ làm giảm đến năng suất. 

Ông Đỗ Văn Duynh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Liên Giang cho biết: Toàn xã có hơn 300ha lúa mùa, phần lớn diện tích đều bị sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, sâu đục thân hai chấm gây hại. HTX đã phát động chiến dịch phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa, hướng dẫn bà con nông dân mua các loại thuốc phòng trừ hữu hiệu, tránh phun thuốc tràn lan làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến môi trường. Thời điểm phun bắt đầu từ ngày 8/8/2019. Hiện bà con đang tổ chức phun trừ tập trung vào buổi sáng khi lúa ráo sương và buổi chiều mát.

Xã Phú Lương cũng có khoảng gần 200ha lúa mùa nhiễm sâu bệnh. Gia đình ông Nguyễn Hữu Bách, thôn Duyên Phú có 1 mẫu lúa đều bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn và bệnh bạc lá. Ông đã bỏ nhiều kinh phí mua thuốc phun trừ. 

Ông Nguyễn Hữu Bách cho biết: Vụ mùa năm nay, mật độ sâu cuốn lá nhỏ trên trà lúa sớm cao hơn so với năm 2018, còn trên trà lúa đại trà tương đương năm 2018. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình đã bố trí người phun thuốc xong trong ngày 9/8, hy vọng sẽ giảm được sâu bệnh gây hại.

Vụ mùa năm nay, sâu bệnh gây hại nặng hơn so với cùng kỳ năm trước là do từ vụ xuân đã có những yếu tố bất lợi về thời tiết ảnh hưởng sang vụ mùa. Nhiều thời điểm trời âm u xen lẫn nắng gắt là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại phát sinh. Cùng đó, nông dân cấy lúa không tập trung cùng thời điểm. 

Bà Vũ Thị Nhuệ, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng cho biết: Năm nay, sâu bệnh diễn biến phức tạp không theo quy luật nên chúng tôi phải điều tra, khảo sát từng vùng, địa bàn, theo sát diễn biến để có hướng dẫn cụ thể. Qua 4 lần tiến hành lấy mẫu cho thấy trên các cánh đồng đang xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại cho lúa như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn… Để bảo vệ lúa mùa, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện sẽ tăng cường điều tra, theo dõi, giám sát đồng ruộng, nhất là sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 nở rộ từ ngày 5 – 10/8 gây hại lá đòng trên lúa trỗ sau ngày 10/9 và bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa, hướng dẫn biện pháp phòng trừ kịp thời. Đặc biệt, vụ mùa năm nay, cơ cấu giống  mẫn cảm vớu bệnh đạo ôn cổ bông rất cao, vì vậy, bà con nông dân cần chủ động thăm đồng, phát hiện, phun trừ kịp thời. Bà con nông dân cũng cần tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Đúng nồng độ, liều lượng, đúng cách, đúng lúc; phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát và dùng bình bơm, không sử dụng ống phụt để tăng hiệu quả của thuốc. Cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra ngăn chặn việc bán thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thuốc ngoài danh mục và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày