Thứ 4, 06/11/2024, 06:25[GMT+7]

Thận trọng khi tái đàn lợn

Thứ 2, 19/08/2019 | 09:12:42
1,165 lượt xem
Trong thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xảy ra, cùng với thực hiện các biện pháp kiểm soát và khống chế dịch bệnh, người chăn nuôi cũng cần thận trọng, chắc chắn trong việc tái đàn để bảo đảm hiệu quả bền vững, tránh thiệt hại trong chăn nuôi.

Nhiều hộ chăn nuôi cải tạo chuồng trại chuyển sang nuôi gia cầm.

Sau khi phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 24 con, trọng lượng hơn 1,3 tấn vì mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi vào giữa tháng 3/2019, ông Phạm Bá Cập ở thôn Tử Tế, xã Thanh Tân (Kiến Xương) chưa biết phải làm gì ngoài việc xử lý chuồng trại mong sớm dập tắt bệnh dịch tả lợn châu Phi để có thể tiếp tục chăn nuôi. Ông Cập cho biết: Nguồn thu của gia đình chủ yếu từ chăn nuôi lợn, đàn lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế của gia đình nhưng khó khăn hơn nữa là sau dịch tôi chưa biết phải tái đàn như thế nào. Tuy nhiên, sau một thời gian dài trên địa bàn xã không xuất hiện thêm hộ có lợn mắc bệnh, địa phương cũng đã công bố hết dịch, tôi thực sự mong muốn có thể sớm chăn nuôi lại. Nhưng việc khôi phục đàn lợn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn nên mua con giống ở đâu để bảo đảm, giá thành cao hay thấp và không biết dịch có tiếp tục xảy ra hay không.

Mong muốn sớm tái đàn lợn kèm nỗi lo thường trực của ông Cập cũng là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi toàn tỉnh trong thời điểm hiện nay. Để phục vụ cho công tác tái đàn sau dịch, thời gian qua, người chăn nuôi các địa phương đã nỗ lực bảo vệ số lượng đàn lợn còn lại, đặc biệt là đàn lợn nái để giảm thiểu thiệt hại. Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra tại nhiều địa phương, qua kiểm tra một số hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy sau một thời gian để trống chuồng đã nhập lợn về nuôi và nhiều hộ có mong muốn tái đàn. Tuy nhiên, để sớm kiểm soát được dịch bệnh và thực hiện tái đàn lợn bảo đảm hiệu quả bền vững trong thời gian tới, Sở đã có văn bản yêu cầu các địa phương chỉ đạo người chăn nuôi trong thời gian đang có dịch không nhập lợn nuôi tái đàn, không phối giống cho đàn lợn nái đối với chăn nuôi nông hộ và trại đã xảy ra dịch; thực hiện để trống chuồng và khử trùng, tiêu độc đúng quy định kỹ thuật. Đối với những trại còn an toàn, chỉ cho phép thực hiện tái đàn nội bộ, không cho phép nhập lợn từ bên ngoài vào trại, không sử dụng tinh lợn từ bên ngoài để phối giống cho lợn nái của trại và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tại các địa phương, hộ chăn nuôi; không để các hộ tự ý tái đàn lợn khi chưa được phép. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng các hộ tự ý tái đàn lợn và xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm, đồng thời bắt buộc hộ chăn nuôi đó phải thực hiện tiêu hủy lợn bệnh bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật mà không được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tính đến ngày 8/8/2019, tổng số lợn toàn tỉnh mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy là 371.765 con (trong đó: lợn nái và đực giống là 91.682 con; lợn con và lợn thịt là 280.083 con) với tổng trọng lượng 18.550.407kg. Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, đến nay có 175 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố đã qua hơn 30 ngày không phát sinh dịch bệnh (trong đó có 121 xã công bố hết dịch). Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố tại thời điểm này, tổng đàn lợn toàn tỉnh còn trên 400.000 con, trong đó có hơn 60.000 lợn nái. Tuy nhiên, hàng ngày số lợn chết do mắc bệnh vẫn xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong khi đó các tỉnh lân cận và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, việc tái đàn lợn trong thời điểm hiện tại sẽ tiềm ẩn những nguy cơ tái nhiễm dịch rất cao. Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu về con giống đạt tiêu chuẩn, an toàn với bệnh dịch tả lợn châu Phi của người chăn nuôi trong thời gian tới là rất cao. Trong tỉnh còn nhiều trại lợn an toàn, tuy nhiên, với số lượng đàn lợn nái hiện nay chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu tái đàn của các hộ chăn nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi có nhu cầu nhập lợn từ tỉnh ngoài vào, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm dịch. Với số lượng lợn thịt hiện còn vẫn bảo đảm nguồn cung thịt lợn thời điểm này, dự báo sang quý IV/2019 nếu dịch vẫn tiếp tục xảy ra như hiện nay thì có thể sẽ khan hiếm lợn thịt do chưa kịp tái đàn, khi đó giá lợn sẽ tăng cao.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, các hộ chăn nuôi cần thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh về công tác tái đàn lợn hiện nay, chỉ thực hiện tái đàn khi có chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Việc tái đàn cần tuân thủ các biện pháp tiêu độc, khử trùng, bảo đảm không tồn tại vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi trong chuồng nuôi; nhập lợn giống từ trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lợn đã được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi. Người chăn nuôi cần tuân thủ các bước nhập nuôi lợn, tránh tái đàn ồ ạt (nhập khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở, sau khi nuôi được 30 ngày thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tăng dần số lượng lợn nuôi); các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể nghiên cứu, tìm hiểu chuyển sang nuôi gia cầm hoặc vật nuôi khác như trâu, bò, dê, thỏ... cho phù hợp với điều kiện thực tế. Chăn nuôi bất kỳ vật nuôi nào cũng cần tuân thủ thực hiện đúng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.

Minh Quân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày