Chủ nhật, 28/07/2024, 01:38[GMT+7]

Gia tăng tình trạng chuột phá hoại mùa màng

Thứ 2, 19/08/2019 | 09:22:44
7,100 lượt xem
Gần đây, tình trạng chuột phá hoại mùa màng ngày một gia tăng. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tuy mới vào đầu vụ mùa song diện tích cây trồng bị chuột cắn phá đã lên đến 620ha.

Dù ruộng đã được quây nilon nhưng lúa vẫn bị chuột cắn phá.

Vụ mùa năm 2019, gia đình bà Vũ Thị Nùng, thôn Bến Hòa, xã Đông Động (Đông Hưng) gieo cấy 4 sào lúa. Hiện tại, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chuẩn bị phân hóa đòng. Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, ngay sau khi gieo cấy xong, bà Nùng tiến hành quây nilon tránh chuột cắn phá lúa. Tuy nhiên, chuột vẫn cắn nilon để vào ruộng. Bà Nùng thở dài ngao ngán: Tình trạng chuột cắn phá lúa ngày càng gia tăng. Mặc dù tôi đã tìm đủ mọi cách diệt chuột nhưng lúa vẫn bị chuột cắn. Ngày nào tôi cũng phải lội ruộng kiểm tra, dọn sạch cây lúa bị cắn để hạn chế chuột hại; cắt sạch cỏ bờ, tuy nhiên do ruộng nằm gần khu dân cư nên mật độ chuột rất cao.


Cũng như bà Nùng, bà Vũ Thị Bẩy, thôn Bến Hòa cũng đứng ngồi không yên vì nạn chuột hoành hành. Bà Bẩy cho biết: Vụ mùa năm 2018, ruộng lúa của gia đình tôi thiệt hại 2/3 năng suất vì chuột cắn. Lúa mới cấy vài hôm mà ra thăm ruộng đã thấy bị gãy rạp. Nhà neo người, từ làm đất, gieo cấy đến phun thuốc trừ sâu, thu hoạch tôi đều phải thuê người làm. Mấy năm về đây mất thêm tiền thuê người quây nilon, được mấy tạ thóc mà hạch toán chi phí từ đầu vụ đến khi lúa vào hòm có khi còn lỗ. Cả cánh đồng đều được quây nilon cao qua đầu gối nhưng cũng chỉ ngăn phần nào, chuột vẫn nhảy qua hàng rào hoặc cắn rách nilon chui vào cắn lúa.


Để khuyến khích người dân đẩy mạnh đánh bắt chuột bằng biện pháp thủ công, từ đầu vụ mùa đến nay, HTX SXKD DVNN thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) đã 2 lần tổ chức thu mua đuôi chuột cho thành viên. Tuy nhiên, số lượng thu mua được rất ít trong khi diện tích, mức độ gây hại của chuột ngày càng gia tăng. Ông Phạm Văn Hiền, Giám đốc HTX cho biết: Mỗi đợt chúng tôi tổ chức thu mua đuôi chuột trong 5 - 6 ngày, đợt 1 mua được khoảng 1.400 đuôi chuột. Đợt 2 bắt đầu thu mua từ ngày 13/8, tuy nhiên số lượng đuôi chuột mua được rất ít. Người dân không mặn mà với nông nghiệp vì vậy đồng ruộng ít được vệ sinh, tạo nơi cư trú cho chuột; ngoài ra, vụ đông năm 2018 rất ấm, thuận lợi cho chuột sinh sản, phát triển vì vậy chuột xuất hiện, gây hại nhiều cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở vụ mùa. Để ngăn chặn, HTX đã phát động người dân ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đẩy mạnh sử dụng bẫy bả, đánh thủ công, thả mồi bằng các loại thuốc sinh học hoặc thuốc hóa học trong danh mục được phép sử dụng.

Nông dân huyện Quỳnh Phụ bắt chuột bảo vệ sản xuất.


Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều triển khai kế hoạch diệt chuột ngay từ đầu năm; tỉnh trích ngân sách trên 4 tỷ đồng hỗ trợ thuốc đánh chuột vụ lúa xuân, màu xuân, màu hè; vụ mùa, một số huyện như Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Hưng Hà và thành phố Thái Bình cũng có hỗ trợ thuốc. Các địa phương thực hiện theo đúng kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất: triển khai các biện pháp thủ công, dọn bèo bồng, tàn dư cây trồng, tổ chức thu mua đuôi chuột... Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, lực lượng đánh bắt thủ công ít, chủ yếu đánh bằng thuốc hóa học; một số nơi đặt thuốc không đúng đường đi của chuột nên hiệu quả diệt trừ kém. Vụ xuân năm 2019, tổng diện tích chuột gây hại là 1.800ha, trong đó diện tích gây hại nhẹ là 1.200ha, trung bình 500ha, thiệt hại nặng là 300ha. Vụ mùa, đến ngày 2/8, dù mới ở thời điểm đầu vụ nhưng tổng diện tích bị chuột cắn hại đã lên tới 620ha; trong đó bị hại nhẹ (5 - 10%) là 490ha, trung bình (10 - 20%) là 100ha, nặng (trên 20%) là 30ha, tập trung ở các chân ruộng cạnh bờ cao, bãi hoang, gần xí nghiệp, công sở...


Theo khuyến cáo, để diệt chuột hiệu quả cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Những ruộng gần làng, gần đường, gần khu nghĩa trang thường xuyên bị chuột gây hại nặng cần phát quang bụi rậm, gò đống để chuột không còn nơi trú ngụ; kết hợp quây rào nilon, bẫy chuột bằng các loại bẫy hoặc tổ chức đào hang, đổ nước, hun khói, xông bằng hơi đất đèn, soi đèn. Khuyến khích người dân nuôi mèo, bảo vệ các loài thiên địch của chuột như rắn, các loài chim. Bên cạnh đó, khi sử dụng biện pháp hóa học thì chú ý chỉ sử dụng loại thuốc có trong danh mục như Biorat, Rat-K 2%, Ranpart 2%D, Rat-Kill 2%DD, phốt chua kẽm... Tuy nhiên, khi đánh thuốc chuột cần thông báo rộng trong khu dân cư và tổ chức thu gom mồi thừa, xác chuột cũng phải được chôn lấp cẩn thận để an toàn cho động vật nuôi, môi trường và sức khỏe của người dân. Tuyệt đối không được sử dụng điện để diệt chuột.


Ngân Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày