Thứ 4, 06/11/2024, 06:28[GMT+7]

Thực trạng nuôi bò sinh kế ở Kiến Xương

Thứ 5, 22/08/2019 | 09:13:20
1,410 lượt xem
Năm 2018, huyện Kiến Xương triển khai thực hiện dự án mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho 5 xã: Minh Hưng, An Bình, Quyết Tiến, Quốc Tuấn, Trà Giang.

Bà Trần Thị Thìn, thôn Nguyên Kinh I, xã Minh Hưng (Kiến Xương) chăm sóc cho bò tốt nên đến nay bò sắp sinh bê con.

Đầu năm 2019, 63 con bò của dự án đã được trao tận tay cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo của các xã với tổng số tiền hỗ trợ trị giá 846 triệu đồng. Sau 8 tháng chăn nuôi, đàn bò hỗ trợ ở Kiến Xương vẫn phát triển tốt, tuy nhiên đã giảm một con do hộ dân ở xã An Bình bán bò.

Bà Trần Thị Thìn, thôn Nguyên Kinh I, xã Minh Hưng tâm sự: Do hoàn cảnh khó khăn không có vốn để phát triển sản xuất, chỉ trông chờ vào vài sào ruộng khiến cuộc sống chật vật, trong nhà không có gì đáng giá nên mỗi khi ốm đau không biết xoay sở thế nào. Tôi rất vui được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho một con bò về nuôi. Đây là nguồn động viên cả về vật chất và tinh thần để những người như chúng tôi có cơ hội vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Sau 8 tháng chăn nuôi, đến nay bò đã chửa và chỉ sau vài tháng nữa sẽ cho bê con, lúc đó chúng tôi sẽ có tiền để trang trải cuộc sống. 

Bà Thìn là 1 trong 11 hộ ở xã Minh Hưng được nhận bò của dự án về nuôi, đến nay đàn bò phát triển tương đối tốt.

Cùng với Minh Hưng, xã Quyết Tiến cũng đã giao bò cho 17 hộ nghèo, cận nghèo về nuôi, đến nay đều cho kết quả khả quan. 

Ông Lương Văn Lơi, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến cho biết: Lúc đầu nhận bò, một số con khó dắt, nhiều người phải hỗ trợ các hộ đưa bò về nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian bò đã thuần nên vẫn còn nguyên 17 con. Nhiều hộ khó khăn về chuồng nuôi, xã và thôn đã hỗ trợ nhân công để xây chuồng nuôi cho các hộ. Ngoài ra còn giao cụ thể cho cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã phụ trách quản lý, theo dõi đàn bò ở các hộ đồng thời giao cho thôn bám sát các hộ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sau vài tháng đàn bò ở Kiến Xương đã giảm 1 con, còn 62 con do hộ ông Đỗ Xuân Tiến, thôn Bằng Trạch, xã An Bình đã tự ý bán bò. 

Ông Tiến cho biết: Lý do không nuôi bò dự án là do khi nhận về nuôi bò bị tiêu chảy, mặc dù gia đình đã báo thôn, cán bộ thú y xã đồng thời mua thuốc cho bò theo chỉ dẫn của cán bộ thú y song bò không khỏi bệnh mà ngày càng bỏ ăn, gầy guộc. Sau hơn 3 tháng chờ đợi không thấy cán bộ về hướng dẫn nên tôi đã quyết định bán bò và mua nghé về nuôi. Trước đó ông Tiến đã cam kết sẽ nuôi bò để có cơ hội thoát nghèo.  

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Duy Đông, Chủ tịch UBND xã An Bình khẳng định: Người dân rất phấn khởi khi được nhà nước hỗ trợ bò sinh kế và đã thực hiện tương đối tốt việc chăm sóc, chăn nuôi bò. Riêng nhà ông Tiến do bò bị tiêu chảy, khó ăn nên đã tự ý bán bò hoán đổi sang nuôi nghé. Tuy nhiên, trước khi bán và ngay cả khi bò bị bệnh ông Tiến đều không báo với chính quyền địa phương. 

Theo ông Đông, xã cũng đã giao cho thôn theo dõi giám sát, quan tâm đến các hộ tuy nhiên còn phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của từng hộ nên trong tổng số 17 con bò dự án thì chỉ có duy nhất 1 hộ tự ý bán bò. Xã đã mời ông Tiến lên làm việc và yêu cầu ông Tiến chuộc lại bò hoặc trả lại tiền cho dự án như đúng cam kết.

Để mô hình nuôi bò hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả, không có thêm bất kỳ trường hợp nào tự ý bán bò xảy ra, thiết nghĩ các cấp chính quyền từ huyện đến xã, thôn ở Kiến Xương cần sát sao hơn nữa trong công tác quản lý, giám sát các hộ thực hiện dự án đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người tham gia dự án nhằm tránh thất thoát, lãng phí tiền của nhà nước.

Ông Đoàn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Xương

Với mục tiêu đem lại thu nhập cho hộ tham gia dự án tăng từ 20 - 25%/năm, bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ tham gia dự án thoát nghèo, thời gian tới Kiến Xương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, động viên các hộ thực hiện dự án đồng thời quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, phòng ngừa bệnh của bò cho các hộ. Riêng trường hợp của hộ ông Đỗ Xuân Tiến, xã An Bình, huyện đã xin ý kiến của cấp trên để có hướng xử lý phù hợp. Ngoài ra cũng yêu cầu xã An Bình phải rút kinh nghiệm trong việc quản lý đàn bò hỗ trợ cho các hộ gia đình để dự án đạt hiệu quả như mong muốn.  
Ông Trần Thế Tư, Chủ tịch UBND xã Minh Hưng

Trong quá trình thực hiện, địa phương đã giao cho cán bộ thú y xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ cách chăm sóc, phòng bệnh cho bò và yêu cầu các hộ thường xuyên báo cáo với xã về quá trình phát triển của bò. Vì thế khi mới tiếp nhận mặc dù có nhiều khó khăn về thời tiết, nguồn thức ăn nhưng do các hộ được tập huấn kỹ nên đàn bò không bị ảnh hưởng nhiều. Đến nay, nhiều hộ đã tiến hành phối giống, dự kiến sau khoảng 1,5 năm các hộ tham gia dự án sẽ có thêm từ 8 - 9 con bê con.

Thu Thủy





  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày