Thứ 2, 13/01/2025, 16:30[GMT+7]

Thái Thụy: Phòng, chống bệnh lùn sọc đen trên lúa

Thứ 3, 27/08/2019 | 08:39:14
1,109 lượt xem
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Thái Thụy, toàn huyện hiện có 35/47 xã xuất hiện bệnh lùn sọc đen (LSĐ) với mức độ rải rác trên đồng ruộng. Bệnh LSĐ đang gây nguy cơ giảm nghiêm trọng năng suất lúa mùa nếu không thực hiện tốt các biện pháp tiêu hủy nguồn bệnh và nguồn môi giới truyền bệnh.

Nông dân xã Thái Thành (Thái Thụy) tiêu hủy lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen tại vụ mùa năm 2017.

Vụ mùa năm 2017, Thái Thành là một trong những xã có diện tích lúa nhiễm bệnh LSĐ lớn nhất huyện Thái Thụy; toàn xã có 185ha lúa mùa bị nhiễm bệnh LSĐ, chiếm 43% tổng diện tích lúa mùa của xã, trong đó 53ha nhiễm trên 20%, mất trắng 33ha. Vì thế, từ những vụ lúa tiếp theo, xã chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh cũng như đối phó khi bệnh LSĐ xuất hiện. 

Theo ông Phạm Hùng Khiên, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã: Rút kinh nghiệm từ vụ mùa năm 2017, địa phương không chủ quan, lơ là trước loại bệnh nguy hiểm này. Ngay từ đầu vụ mùa năm nay, HTX đã đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh LSĐ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như vệ sinh đồng ruộng, xử lý rầy trên hạt giống...; tổ chức các đợt phun trừ rầy lưng trắng (nguồn môi giới lây lan bệnh LSĐ) theo chỉ đạo của huyện, đợt 1 ngay sau khi lúa gieo cấy được 25 ngày, đợt 2 từ ngày 28/7 đến ngày 1/8. Trước sự xuất hiện của bệnh LSĐ rải rác ở nhiều địa phương trong huyện, đặc biệt đối tượng rầy các loại đang phát sinh gây hại ở nhiều diện tích lúa mùa của xã với mật độ cao, HTX đang đôn đốc, hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, nhổ vùi bùn những khóm lúa bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ bệnh LSĐ, tỉa dặm lại những diện tích bị nhổ bỏ. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức phun trừ rầy các loại cho toàn bộ diện tích lúa mùa trỗ bông sau ngày 5/9, thời gian phun trừ vào đầu tháng 9.

Nông dân xã Thái Giang (Thái Thụy) nhổ bỏ các khóm lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen.

Để chủ động ứng phó với bệnh LSĐ ở vụ mùa, từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6, UBND huyện Thái Thụy đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh LSĐ... UBND huyện hỗ trợ thuốc trừ rầy cho người dân phun trừ trên diện tích mạ trước khi gieo cấy. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, huyện chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức, đôn đốc hướng dẫn người dân tập trung phòng, trừ rầy lưng trắng. Tuy nhiên, đến nay, bệnh LSĐ đã xuất hiện trên đồng ruộng ở 35 xã trong huyện, mức độ và tỷ lệ bệnh gây hại rải rác. Ngoài ra, theo điều tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, rầy các loại đang phát sinh gây hại trên đồng ruộng với mật độ bình quân từ 50 - 70 con/m2, nơi cao từ 200 - 300 con/m2, cá biệt có nơi từ 500 - 700 con/m2. Cùng với đó, trên đồng ruộng trong huyện sâu đục thân hai chấm đang phát sinh, phát triển mạnh. 

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trước tình hình bệnh LSĐ phát sinh và gây hại, huyện đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX SXKD DVNN phân công cán bộ phụ trách từng cánh đồng, đôn đốc, hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, xác định các khóm lúa có biểu hiện xoắn lá, LSĐ thì tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy ngay. UBND huyện hỗ trợ thuốc trừ rầy cho nông dân có diện tích lúa mùa trỗ trước ngày 5/9, mức hỗ trợ 139.000 đồng/ha. Cùng với nguồn hỗ trợ của huyện, các địa phương vận động nông dân mua bổ sung thuốc trừ rầy để tổ chức phun trừ rầy đồng loạt cho toàn bộ diện tích lúa mùa trỗ trước ngày 5/9 kết hợp với phun trừ sâu đục thân hai chấm, thời gian phun từ ngày 24 - 27/8; với các diện tích lúa trỗ sau ngày 5/9 thì phun vào đầu tháng 9. 

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tích cực phối hợp với các ngành, HTX SXKD DVNN các xã, thị trấn tổ chức cấp phát thuốc trừ rầy cho nông dân để bảo đảm thời gian phun trừ rầy theo đúng kế hoạch.

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày