Thứ 2, 13/01/2025, 23:48[GMT+7]

Liên kết sản xuất đưa nông sản xuất ngoại

Thứ 4, 09/10/2019 | 08:46:22
2,543 lượt xem
Hình thành và phát triển trên nền tảng Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương, Công ty Cổ phần Chế biến nông sản, thương mại dịch vụ Thanh Nhàn đã liên kết với nhiều HTX trong tỉnh sản xuất, tiêu thụ nông sản, đưa rau, củ, quả xuất khẩu ra nước ngoài.

Trung bình mỗi tháng Công ty Cổ phần Chế biến nông sản, thương mại dịch vụ Thanh Nhàn thu mua khoảng 400 tấn nông sản để chế biến.

Vụ đông năm 2019 là vụ thứ 7 HTX DVNN xã Mê Linh (Đông Hưng) liên kết sản xuất cây màu với Công ty Cổ phần Chế biến nông sản, thương mại dịch vụ Thanh Nhàn. Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc HTX cho biết: Công ty đứng ra hướng dẫn kỹ thuật canh tác, ký cam kết thu mua các loại rau, củ, quả cho bà con, nhờ đó người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Thu nhập từ vụ đông gấp 2 - 3 lần cấy lúa; địa phương duy trì được diện tích gieo trồng cây vụ đông đạt khoảng 120ha/năm. Vụ đông năm nay, HTX dự định đưa gieo trồng 7ha cà rốt. Đây là cây trồng mới, vì vậy Công ty cung ứng giống, ứng trước vật tư sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân sau đó giảm trừ vào doanh số sản phẩm thu mua. UBND xã và HTX hỗ trợ người dân công làm đất, thủy lợi, bảo vệ đồng ruộng để khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Tăng Văn Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản, thương mại dịch vụ Thanh Nhàn cho biết: Công ty thu mua nông sản tại Thái Bình được gần 20 năm. Đến nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân bền vững, phát triển và nhân rộng ra khoảng 60 HTX trong tỉnh. Công ty thực hiện ứng trước vốn, vật tư sản xuất như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống... cho người nông dân, sau đó giảm trừ vào doanh số sản phẩm thu mua. Các loại rau màu vụ đông, cây trồng ngắn ngày được cam kết thu mua tối đa, sau đó vận chuyển về Hải Dương để chế biến và tiêu thụ. Nhờ cách làm trên mà thu nhập của người nông dân, các thành viên HTX bảo đảm ổn định, đời sống ngày một nâng cao. Từ hiệu quả trồng rau màu hơn hẳn trồng lúa, nhiều nông dân đã chuyển đổi sang mô hình này, giúp tăng sản lượng rau, củ, quả tại Thái Bình. Nhận thấy Thái Bình có nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp nói chung, rau, củ, quả nói riêng, tôi đã thành lập Công ty Cổ phần Chế biến nông sản, thương mại dịch vụ Thanh Nhàn để chế biến nông sản tại chỗ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 12.000m2 với hệ thống sản xuất khép kín gồm 3 dây chuyền: đóng gói tự động và đồ hộp, hệ thống cấp đông nhanh IQF, kho bảo quản -18 độ C. Sản xuất ở cả 3 vụ: xuân, hè, đông, mùa nào rau, củ đấy, trung bình mỗi tháng Công ty thu mua khoảng 400 tấn nông sản, tạo việc làm ổn định cho 90 lao động với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ liên kết trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu, Công ty đã tích cực tìm kiếm các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc..., mở ra hướng đi mới cho tiêu thụ nông sản Thái Bình.

Luôn cam kết thu mua tối đa sản lượng nông sản đạt chất lượng tại địa phương với giá cả ổn định, tuy nhiên, khó khăn của Công ty là ý thức tham gia liên kết, hợp tác của nông dân. Ông Hải cho biết thêm: Thời gian qua, Công ty chỉ thu mua được khoảng 50% tổng sản lượng theo hợp đồng ký kết với các địa phương, phần còn lại bị thị trường tự do tranh chấp. Vì vậy, để bảo đảm ổn định 400 tấn nguyên liệu mỗi tháng, chúng tôi phải triển khai sản xuất với diện tích gấp đôi. Mong muốn của doanh nghiệp chế biến nông sản như chúng tôi là ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào. Nhà nước, chính quyền các cấp cần có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ hiệu quả hơn nữa để động viên, khuyến khích người dân duy trì và phát triển diện tích trồng cây màu đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu được giá trị của việc liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Ngân Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày