Chủ nhật, 28/07/2024, 05:29[GMT+7]

Tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 2, 14/10/2019 | 09:44:21
2,857 lượt xem
Thời gian qua, cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản, Thái Bình còn tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển nông nghiệp theo chuỗi và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Chế biến hành xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Chế biến nông sản và thương mại dịch vụ Thanh Nhàn.

Huyện Quỳnh Phụ là một trong những địa phương có truyền thống thâm canh trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là sản xuất cây vụ đông. Với tổng diện tích đất trồng trọt hơn 11.500ha thì diện tích trồng cây vụ đông chiếm tới 56,52%, trong đó diện tích chuyên màu chiếm 1.500ha tập trung ở các xã Quỳnh Hải, Quỳnh Hội, Quỳnh Minh, An Ấp, Quỳnh Lâm, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Nguyên. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thời gian qua, huyện Quỳnh Phụ không chỉ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, truyền thống của địa phương mà còn tạo điều kiện tốt nhất về hành lang pháp lý, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án; đồng thời tập trung xây dựng và nâng cấp 100% các tuyến đường giao thông nông thôn (gồm 253,244km đường giao thông nội đồng; 146,2km đường trục xã; 287,4km đường trục thôn; 381,2km đường nhánh cấp 1 trục thôn), cứng hoá 100% kênh mương cấp 1, loại 3 với tổng số 197,295km. Chính vì thế, đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào huyện. Đến nay, toàn huyện Quỳnh Phụ có 47 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 5 doanh nghiệp chế biến nông sản, tăng 5 doanh nghiệp so với năm 2015. Đặc biệt, ngày 24/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thaco - Thái Bình với quy mô 194,36ha nằm trong phạm vi đất của hơn 1.000 hộ dân thuộc các xã An Ninh, An Cầu và An Thái, tổng vốn đầu tư 2.132,633 tỷ đồng, từ đó đã tạo ra bước đột phá lớn trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp của huyện Quỳnh Phụ nói riêng và của tỉnh Thái Bình nói chung.


Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh đã chỉ rõ, thu hút và phát triển doanh nghiệp là đột phá cho cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và giải quyết lao động nông thôn. Vì vậy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính; chủ động gặp gỡ, kêu gọi các nhà đầu tư đồng thời chủ động tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 17.126,68ha đất tích tụ, tập trung, trong đó diện tích đất tích tụ, tập trung theo hình thức thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng và góp đất là 6.348,68ha; diện tích đất tập trung theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là 10.778ha, có 236 hợp tác xã tham gia liên kết với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với mong muốn mang đến những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, năm 2018, Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân đã đầu tư thực hiện dự án trung tâm công nghệ cao sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi với quy mô 20ha, bao gồm trên 5.000m2 nhà kính được thiết kế theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Nhà màng Hoa Kỳ, nhà sơ chế và kho lạnh bảo quản nông sản. Ngoài diện tích canh tác tại trung tâm, Công ty còn liên kết với một số hợp tác xã trong tỉnh để sản xuất rau an toàn. Bà Tạ Thị Thanh Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: Hưởng ứng chủ trương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh thời gian qua, Công ty đã lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để đầu tư phát triển. Đây là lĩnh vực không mới nhưng số lượng các đơn vị, cơ sở đã đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh còn chưa nhiều, trong khi tiềm năng về khoa học kỹ thuật, nhất là lĩnh vực công nghệ sinh học áp dụng vào nông nghiệp còn rất lớn. Ngoài việc sản xuất các loại giống có năng suất, chất lượng cao, dự án ứng dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất, giúp tiết kiệm tối đa lượng nước và phân bón so với thâm canh truyền thống. Tuy vốn đầu tư cao nhưng các cây trồng được sản xuất trái vụ, cách ly với sâu bệnh gây hại, cho sản phẩm chất lượng tốt với giá bán cao. Qua vụ sản xuất đầu tiên cho thấy, mô hình có hiệu quả kinh tế cao gấp hàng trăm lần cấy lúa và tạo việc làm cho hơn 70 lao động nông thôn quanh vùng dự án.

Trồng cà chua trong nhà lưới của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân.


Không chỉ tập trung tích tụ ruộng đất, minh chứng rõ nhất cho việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh đó là ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: cơ chế hỗ trợ sản xuất giống ngao sinh sản và chế biến ngao theo Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND; cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND; cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn theo Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND; các ưu đãi về đất đai; hỗ trợ đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác hải sản; hỗ trợ mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản… Đến ngày 15/9/2019, toàn tỉnh có 101 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 7.100 tỷ đồng, trong đó 83 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm cả nước sạch, xử lý rác thải môi trường) và 18 dự án công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản. Nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang xây dựng, hoàn thiện các thủ tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Tập đoàn TH, Liên doanh Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải - Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần T&T 159…

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thaco - Thái Bình (dự án Thaco - Thái Bình) được triển khai thực hiện không chỉ nâng cao vị thế cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện mà còn mở ra cơ hội việc làm cho nhân dân trên địa bàn. Chính vì thế, công tác tuyên truyền được huyện Quỳnh Phụ đặc biệt chú trọng thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng dự án Thaco - Thái Bình, tổ tuyên truyền của Ban Chỉ đạo và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thaco - Thái Bình, 2 tổ giúp việc cho Hội đồng với tổng số hơn 50 cán bộ, nhân viên tham gia. Đến ngày 19/9, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã chi trả bồi thường cho các hộ dân của xã An Cầu với tổng diện tích hơn 42ha, dự kiến đến hết tháng 10/2019 sẽ bàn giao 100ha và đến hết tháng 12/2019 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Ông Tăng Văn Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản và thương mại Thanh Nhàn (xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ)
Hình thành và phát triển trên nền tảng của Công ty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương, Công ty Cổ phần Chế biến nông sản và thương mại Thanh Nhàn có mối liên kết chặt chẽ và rộng rãi với nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Trung bình mỗi năm, Công ty liên kết với khoảng 60 HTX trên địa bàn tỉnh, thu mua trên 30.000 tấn nông sản chủ yếu là rau, củ, chiếm 35% sản lượng thu mua của Công ty. Ngoài bao tiêu sản phẩm, Công ty còn thực hiện ứng trước vốn (đối với những cây trồng cần nhiều vốn đầu tư ban đầu), vật tư sản xuất như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống... cho nông dân, sau đó giảm trừ vào doanh số sản phẩm thu mua. Các loại rau màu, cây trồng ngắn ngày được Công ty cam kết thu mua tối đa với giá theo hợp đồng ký kết đầu vụ, có hỗ trợ giá nếu thị trường có biến động. Công ty mong muốn được nhà nước tạo cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư sản xuất và trong thu mua nông sản; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu được giá trị của việc liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.


Minh Hương - Lưu Ngần


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày