Thứ 3, 14/01/2025, 17:01[GMT+7]

Đông Tân: Hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa

Thứ 6, 18/10/2019 | 08:45:50
1,226 lượt xem
Qua gần 4 năm thực hiện, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa ở xã Đông Tân (Đông Hưng) đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mô hình không chỉ giúp nông dân thay đổi thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ mà còn góp phần giúp bà con có đầu ra ổn định, từ đó nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị canh tác.

Thu hoạch trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Đông Tân.

Cánh đồng thôn Tây Thượng Liệt những ngày này đông vui, nhộn nhịp. Hàng chục máy gặt đập liên hợp chạy hết công suất thu hoạch lúa mùa để nông dân kịp xuất bán thóc tươi cho Công ty TNHH Hưng Cúc. Bà Nguyễn Thị Mau phấn khởi cho biết: Tham gia mô hình, gia đình tôi đã dồn đổi 5 mẫu ruộng thành một mảnh lớn để thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đồng thời cấy cùng một giống lúa Đài thơm do Công ty đặt hàng. Gặt xong, đưa lúa về nơi tập kết và cân luôn theo đơn giá đã hợp đồng. Được bao tiêu sản phẩm chúng tôi không phải vất vả phơi thóc như trước, lại có đầu ra ổn định nên yên tâm sản xuất, không bỏ ruộng hoang.

Tham gia mô hình, các hộ thành viên còn được Công ty TNHH Hưng Cúc cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh; được HTX DVNN hỗ trợ đánh chuột bảo vệ mùa màng, cung ứng các dịch vụ chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ sản xuất. Bà Nguyễn Thị Luyến, thôn Phù Sa cho biết: Trước đây, nông dân trồng lúa ở Đông Tân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thông tin thị trường hạn chế nên luôn bị thương lái ép giá, thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Còn khi lúa được giá thì nhà nông lại không có nông sản để bán. Tham gia sản xuất lúa theo mô hình liên kết với doanh nghiệp, nhà nông chúng tôi được hỗ trợ giống, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt sản lượng thóc thường cao hơn, giá thu mua của doanh nghiệp bao tiêu ổn định. Với mô hình này, nông dân trồng lúa đã có lãi.

Để giúp bà con nông dân trong xã sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, HTX DVNN xã Đông Tân đã quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 50ha. Chủ động liên kết với Công ty TNHH Hưng Cúc để cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho các hộ xã viên tham gia sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn. HTX cũng vận động xã viên tích cực tham gia gieo cấy cùng một giống lúa Đài thơm. Bình quân mỗi vụ cánh đồng mẫu lớn này thu được trên 200 tấn thóc. Thu hoạch xong, các hộ xã viên cân luôn thóc tươi cho Công ty. Ông Phạm Hoàng Sỹ, Giám đốc HTX cho biết: HTX đứng ra làm trung gian liên kết, thống nhất giá cả thu mua thóc giữa xã viên và Công ty sát với giá thị trường, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Chúng tôi yêu cầu các hộ xã viên tập trung thóc sau thu hoạch lên vị trí tập kết theo đúng tiến độ đề ra tạo thuận lợi cho Công ty thu mua. Vụ mùa năm nay lúa tốt nên năng suất cao, trên 2 tạ/sào. Hầu hết các hộ xã viên tham gia mô hình liên kết đều rất phấn khởi vì thu nhập được nâng lên. Ông Nguyễn Duy Luân, thôn Tây Thượng Liệt cho biết: Gia đình tôi tham gia sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn với diện tích 7 mẫu. Trước đây mỗi vụ thu hoạch trời mưa vài ngày là thóc mọc mộng, bị tư thương ép giá, giờ không phải lo thóc mộng nữa vì cân thóc tươi cho Công ty, giá ổn định theo đúng hợp đồng nên rất yên tâm.

Việc chính quyền các địa phương chủ động “bắt tay” kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa cho bà con nông dân là bước đi cần thiết trong lộ trình hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Bởi từ đây, nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang sẽ được tích tụ để sản xuất lúa hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.  

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày