Thứ 4, 15/01/2025, 11:45[GMT+7]

Vũ Thư gỡ khó về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Thứ 2, 11/11/2019 | 09:50:44
1,268 lượt xem
Thị trường tiêu thụ ổn định là yếu tố then chốt quyết định giá trị sản phẩm và tính bền vững của từng loại cây trồng, vật nuôi. Nhận thức rõ điều đó, nhiều năm qua, huyện Vũ Thư chú trọng khâu tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên đây vẫn là “bài toán” khó đối với ngành Nông nghiệp địa phương.

Hầu hết các sản phẩm của nông dân Vũ Thư được tiêu thụ qua các thương lái.

Xã Vũ Đoài hiện có nhiều nông sản đặc thù như dưa bao tử, cá lồng, trứng gà sạch, ngô ngọt, ớt... Ông Đỗ Hữu Khiêm, Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài cho biết: Từ 10 năm trước, xã đã vận động bà con chuyển đổi từ trồng lúa, ngô tẻ cho giá trị thấp sang trồng ngô ngọt, ớt chỉ địa, ớt chỉ thiên, dưa bao tử... Yếu tố cốt lõi để bà con đồng thuận thực hiện là địa phương chủ động liên kết với các doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Có năm được mùa, được giá, sản phẩm được bao tiêu thuận lợi, nông dân thu về 10 - 15 triệu đồng/sào/vụ ớt, bà con rất phấn khởi. Xã còn rất nhiều sản phẩm “đặc sản” như chuối tây (với diện tích 20ha đất bãi), cá lồng sông Hồng (tại 73 lồng bè của gia đình ông Chiểu), trứng gà sạch (với 16.000 con gà đẻ tại trang trại của gia đình ông Tràng)... Tuy nhiên, hiện sản phẩm nông sản này đều do các hộ gia đình tự tiêu thụ ra thị trường nên đầu ra và giá thành chưa ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, chăn nuôi và tâm lý của nông dân.

Ông Hoàng Văn Ngung, thôn Gián Nghị, xã Song An chia sẻ: Mấy chục năm gắn bó với đồng ruộng, tôi đã được chứng kiến nhiều vụ thiệt hại cho nông dân khi đầu ra sản phẩm bấp bênh. 15 năm trước, thôn tôi phát động bà con trồng 10ha giống dưa hấu mới “Hắc mỹ nhân”. Chất đất phù hợp, dưa hấu cho quả to từ 4 - 8kg/quả, chất lượng quả tốt. Tuy nhiên, do không có đầu mối tiêu thụ ổn định nên bà con buộc phải tự bán tại các chợ nhỏ lẻ. Dưa nhiều, nhưng người mua ít nên ế ẩm. Những hộ có lao động thì cho dưa hấu lên xe thồ chở đi bán rong khắp nơi, vất vả mà giá quá rẻ; nhiều hộ chán nản không đi bán, xếp dưa hấu ở góc nhà, để mặc cho dưa thối hoặc cho bò ăn. Vụ dưa năm sau, cả thôn không ai dám trồng dưa hấu nữa... Hoặc các sản phẩm khoai tây, dưa lê... từ trước đến nay đều do nông dân tự tiêu thụ cho thương lái nhỏ lẻ nên tình trạng ế hoặc rớt giá xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Thu mua dưa hồng cho nông dân xã Minh Quang (Vũ Thư).

Huyện Vũ Thư có trên 13.100ha đất nông nghiệp và 1.650ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản. Quay vòng các vụ, trung bình mỗi năm, huyện có khoảng 15.000ha lúa, 8.500ha rau màu, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt khoảng 8.200 tấn/năm. Trên địa bàn có đa dạng các loại cây trồng và con vật nuôi, trong đó có nhiều loại cây ăn quả, cây rau màu cho giá trị kinh tế cao như: ổi, bưởi, cam, quýt (Hồng Lý, Bách Thuận); rau màu như rau gia vị, bí xanh, súp lơ, cà chua, cải bắp (Trung An, Vũ Vân, Hồng Phong, Hồng Lý). Tuy nhiên, thực tế những năm qua, toàn huyện mới chỉ có một vài địa phương, hộ gia đình đã có ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở các vùng sản xuất tập trung như vùng 126ha bắp cải xen đất dâu vào vụ đông tại xã Hồng Phong; các mô hình sản xuất ớt, dưa leo, bí xanh, rau cải AUK có quy mô 3 - 5ha/mô hình tại xã Vũ Đoài, Duy Nhất, Song Lãng, Tân Phong... Trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Trần Vinh (Hải Dương), Công ty Cổ phần Chế biến nông sản - Thương mại dịch vụ Thanh Nhàn (Quỳnh Phụ) và một số doanh nghiệp nhỏ khác thường xuyên liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Còn lại, việc tiêu thụ toàn bộ lượng sản phẩm nông nghiệp khác của huyện chủ yếu do nông dân thực hiện “tự sản, tự tiêu” thông qua thương lái trên thị trường nội địa trong và ngoài tỉnh. Điều này đã từng xảy ra và còn tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại cho nông dân khi sản xuất các mặt hàng nông nghiệp: đầu ra bấp bênh, sản phẩm tồn đọng, dư thừa, phụ thuộc, dễ bị ép giá...

Ông Trần Đức Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực tế từ trước đến nay, huyện và các xã rất chú trọng khâu liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp tại địa bàn, tuy nhiên, luôn gặp nhiều khó khăn từ cả hai phía: doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp thì luôn yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, quy mô sản xuất lớn, giá thành thấp, vận chuyển thuận lợi, trong khi nông dân thì ngược lại: chưa tuân thủ nghiêm quy định hợp đồng, có khi bán chui ra thị trường khi thấy giá thị trường cao hơn giá hợp đồng đã ký kết; không thống nhất được giá bán với doanh nghiệp; sản xuất quy mô nhỏ, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng sản phẩm... Mặc dù nhiều HTX NN trên địa bàn đã đứng ra làm cầu nối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp nhưng công tác bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ổn định theo hướng bền vững vẫn luôn là bài toán khó. Mặc dù vậy, huyện và các địa phương vẫn luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Gần đây nhất, huyện đã tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn Central Group Việt Nam - BigC Việt Nam về việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt các loại rau, củ, quả, sản phẩm vụ đông năm 2019. Kết quả bước đầu, đã thu hút được doanh nghiệp quan tâm tới nhiều sản phẩm của bà con và mở ra nhiều triển vọng về hợp tác, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.


Ông Đặng Hồng Kỳ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư
Những năm qua, huyện rất chú trọng, thường xuyên thu hút doanh nghiệp vào địa bàn để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; vận động nông dân áp dụng quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các đơn vị, địa phương của huyện cũng sẽ tăng cường thu hút, kết nối, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài tỉnh tham gia khâu liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Phát triển kinh doanh miền Bắc, Tập đoàn Central Group Việt Nam - BigC Việt Nam
Tập đoàn chúng tôi hiện có hệ thống bán lẻ tại 46 tỉnh, thành phố với trên 4.000 đơn vị trở thành đối tác cung cấp sản phẩm cho Tập đoàn. Chúng tôi thấy huyện Vũ Thư có rất nhiều nông sản độc đáo, trong đó nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu hoặc có mặt tại siêu thị của chúng tôi như: ổi, dưa các loại, ngô ngọt, bưởi... Chúng tôi rất mong huyện là cầu nối liên kết nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giúp chúng tôi ổn định sản phẩm để kinh doanh.

Bà Trần Thị Ao, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư
Trước kia, chỉ bán lẻ trên thị trường, nhiều năm chúng tôi gặp tình trạng bắp cải rớt giá hoặc không thể tiêu thụ được, ủ làm phân bón. Mấy năm nay, có doanh nghiệp tiêu thụ ổn định sản phẩm nên hàng năm chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất bắp cải, quay vòng nhiều lứa, rất yên tâm vì đã có đơn vị tiêu thụ. Giá bán do sự thỏa thuận của người dân và doanh nghiệp nên hai bên đều có lợi.


Quỳnh Lưu 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày