Chủ nhật, 28/07/2024, 13:23[GMT+7]

Cây làm giàu ở xã Thống Nhất

Thứ 3, 03/12/2019 | 08:55:56
1,023 lượt xem
Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Thống Nhất (Hưng Hà) đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp cho người dân nơi đây.

Vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh Tuyến cho thu hoạch trung bình mỗi năm trên 40 tấn.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Vũ Văn Tuyến, thôn Ngoại Trang, xã Thống Nhất được biết đến là mô hình dân vận khéo tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế của địa phương. Toàn bộ diện tích 1,7 mẫu đất của gia đình trước đây là đất hai lúa kém hiệu quả được cải tạo, chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ. 

Anh Tuyến chia sẻ: Trước khi bắt tay vào trồng thanh long, tôi đã đi tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ. Giống cây được tôi mua từ miền Nam về trồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng thấy giống chưa đạt yêu cầu, tôi chủ động nghiên cứu, lai tạo để tạo ra giống cho năng suất cao hơn, quả to, vị ngọt hơn. Sau khi lai tạo thành công, tôi thay toàn bộ cây trong vườn bằng giống mới. Hiện tại, gia đình có hơn 1.000 trụ thanh long, cho thu hoạch trung bình mỗi năm trên 40 tấn. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng.

Cũng theo anh Tuyến: Thanh long ruột đỏ là loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng, đang được thị trường ưa chuộng, tuy chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn so với các loại cây trồng khác nhưng cho thu hoạch nhiều năm, lại không tốn nhiều công chăm sóc. Để trồng thanh long ruột đỏ cần dựng trụ bê tông cao từ 1,8 - 2m, cạnh vuông, trụ được chôn sâu 50cm, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,3 - 1,4m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh. Trồng thanh long ruột đỏ ít sâu bệnh, bệnh thường gặp chủ yếu là nấm thân cây. Cây thanh long rất nhanh cho thu hoạch, chỉ sau một năm đã cho quả bói; từ năm thứ hai cây sẽ cho quả ổn định về năng suất; mỗi vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 6 đến gần cuối năm, cứ gần một tháng lại cho một đợt thu hoạch. Thanh long ruột đỏ có nhiều ưu điểm, đặc biệt là giá bán luôn cao gấp ba lần thanh long ruột trắng.

Nhận thấy hiệu quả cây thanh long ruột đỏ mang lại, anh Tuyến tích cực vận động anh em trong gia đình, bạn bè cùng trồng để nâng cao thu nhập. 

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Trưởng thôn Ngoại Trang cho biết: Hiện nay, ngoài gia đình anh Tuyến, trong thôn còn có 5 gia đình khác cũng trồng cây thanh long ruột đỏ. Tuy diện tích không lớn bằng gia đình anh Tuyến nhưng với giá thành sản phẩm cao, ổn định cũng đem lại thu nhập đáng kể cho người trồng. Hiện tại, với giá bán 27.000 - 30.000 đồng/kg, một sào thanh long ruột đỏ cho thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mang lại, thanh long ruột đỏ đang khẳng định là loại cây trồng phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. 

Theo ông Phạm Thế Hưng, Bí thư Đảng ủy xã: Hiện nay, toàn xã có khoảng 20ha với khoảng 100 hộ trồng cây thanh long ruột đỏ, hộ ít nhất khoảng 2 - 3 sào, hộ nhiều nhất là gia đình anh Tuyến 1,7 mẫu. Trồng thanh long ruột đỏ chỉ tốn kinh phí đầu tư ban đầu, chi phí đầu tư thường xuyên rất ít, không tốn nhiều công chăm sóc, đầu ra khá ổn định, hiệu quả kinh tế cao, đây là mô hình rất cần được nhân rộng. Để tạo điều kiện cho các hộ tổ chức sản xuất tập trung, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho các hộ có nhu cầu thuê lại đất để tổ chức sản xuất tập trung, đưa vào trồng những cây có giá trị để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, xã còn chỉ đạo các đoàn thể và quỹ tín dụng nhân dân xã tạo điều kiện cho người dân vay vốn để sản xuất.

Trong công cuộc xây dựng hướng đến xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy, chính quyền xã Thống Nhất. Với hiệu quả đã được xác định, có thể khẳng định cây thanh long ruột đỏ chính là trái ngọt làm giàu cho người dân địa phương, về lâu dài có thể phát triển trên diện rộng thành cây chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền xã cần định hướng người dân phát triển trồng thanh long ruột đỏ theo quy hoạch để cân đối cung - cầu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá.


Anh Đào

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày