Thứ 4, 15/01/2025, 19:55[GMT+7]

Thái Thụy: Siết chặt quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn

Thứ 5, 19/12/2019 | 16:33:32
1,848 lượt xem
Thời gian gần đây, tại một số xã ven biển của huyện Thái Thụy để xảy ra tình trạng người dân tự ý chặt phá cây rừng, lấn chiếm rừng ngập mặn (RNM) làm đầm nuôi trồng thủy sản, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng và công tác phòng, chống thiên tai... Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND huyện đang tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, UBND xã có diện tích RNM tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ, phát triển RNM trên địa bàn.

Trồng rừng ngập mặn tại vùng đất bãi bồi ven biển xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Hiện nay, tổng diện tích RNM của toàn huyện Thái Thụy là hơn 2.514ha, chiếm 9,36% diện tích đất tự nhiên và hơn 31% diện tích bãi bồi ven biển. Từ năm 1990 đến nay, trên địa bàn các xã ven biển của huyện, RNM được trồng thông qua các chương trình, dự án lâm nghiệp, nhất là dự án trồng rừng phòng ngừa thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ. Qua các năm thực hiện dự án, bình quân toàn huyện trồng được khoảng trên 100ha/năm. RNM tại huyện có vai trò hết sức quan trọng trong phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều, cản sóng biển, bão gió, chống xói mòn, sạt lở, xâm nhập mặn giảm thiểu sự tàn phá của bão, triều cường, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái... Nhờ có RNM che chở, các đầm nuôi trồng thủy sản và đê biển chắn sóng ở các xã ven biển như: Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường, Thái Đô, Thái Thượng được bảo vệ tốt khi có bão.

Nhận thức được tầm quan trọng của RNM, những năm gần đây, huyện đã tiếp nhận nhiều dự án trồng rừng của tỉnh triển khai trên địa bàn. Cụ thể, từ năm 2011 - 2017 triển khai các dự án: trồng RNM ứng phó với biến đổi khí hậu tại xã Thái Đô với diện tích 77ha từ nguồn vốn ODA do Chính phủ Đan Mạch tài trợ; phục hồi phát triển bền vững hệ sinh thái RNM do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ trồng 160ha rừng tại hai xã Thụy Xuân, Thụy Hải; mít tinh hưởng ứng ngày Đất ngập nước thế giới và trồng cây đầu xuân năm 2017 với 3.000 cây trang, bần chua trồng tại vùng đất bãi bồi ven biển xã Thụy Xuân. Mặc dù việc trồng, phát triển rừng đã được tỉnh, huyện triển khai có hiệu quả trong thời gian qua nhưng thực tế cho thấy việc bảo vệ RNM trên địa bàn Thái Thụy vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, nhất là để xảy ra tình trạng người dân chặt phá RNM. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do một số cấp ủy, chính quyền xã chưa sâu sát trong công tác quản lý rừng; lực lượng kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ rừng thiếu và yếu về mặt chuyên môn nên việc phát hiện, xử lý các vi phạm chưa kịp thời, cương quyết...

Thụy Trường là một trong số xã có tổng diện tích RNM lớn của huyện với 778ha. Mới đây, trên địa bàn xã để xảy ra tình trạng một hộ dân có hành vi xâm hại hơn 7.000m2 RNM tại khu vực tiếp giáp cửa sông Hóa do địa phương quản lý. Xác định tính chất vi phạm của vụ việc, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Thụy Trường phối hợp các ngành chức năng tỉnh, huyện xác minh, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Ông Vũ Tiến Thiện, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay sau khi để xảy ra sự việc trên, địa phương đã chấn chỉnh lại công tác quản lý, bảo vệ rừng; đôn đốc hộ vi phạm khắc phục hậu quả, trồng trả lại cây rừng tại các diện tích bị xâm hại. Ngoài ra, UBND xã đang tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân trong xã tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng theo sự chỉ đạo của UBND huyện. Trong đó, tổ chức họp, chỉ đạo các hộ được xã thuê khoán để trông coi, quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra trên diện tích rừng được giao, khoán để phát hiện sớm, kịp thời, ngăn chặn vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển rừng.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ RNM đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về công tác lâm nghiệp trên địa bàn, UBND huyện Thái Thụy đang tích cực chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan, UBND các xã có diện tích RNM nâng cao vai trò, trách nhiệm, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để quản lý, bảo vệ rừng; rà soát, kiện toàn và tăng cường hoạt động của đội tự quản bảo vệ rừng mà địa phương đã thuê khoán. Chỉ đạo lực lượng này thường xuyên kiểm tra trên diện tích được giao khoán để phát hiện các hành vi vi phạm báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý; đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển rừng; chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp...

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày