Chủ nhật, 19/05/2024, 09:35[GMT+7]

An Ninh (Quỳnh Phụ)  Sôi nổi phong trào sản xuất giỏi

Thứ 5, 19/08/2010 | 10:56:03
2,155 lượt xem
Trong quá trình lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung của địa phương, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã An Ninh (Quỳnh Phụ) luôn coi việc phát động các phong trào thi đua yêu nước là giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh toàn dân, tạo sự ganh đua lành mạnh góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2005- 2010.

Nông dân xã Quỳnh Hưng - Quỳnh Phụ thu hái ớt xuất khẩu. Ảnh: Thành Tâm

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các phong trào thi đua tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa và cơ cấu thời vụ gieo cấy, phát triển cây vụ đông và chuyển đổi vùng lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi thả thuỷ sản... Nếu so với các xã khác ở Quỳnh Phụ thì An Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu trà vụ và cơ cấu giống lúa. Ngay từ năm 2005, tỷ lệ trà lúa ngắn ngày cấy ở vụ xuân đã chiếm 91,5%, đến năm 2010 vươn lên chiếm 97,7%. Vùng lúa chất lượng cao năm 2005 mới đạt 30,2%, đến nay đã mở rộng lên 43,7% với đa dạng các loại giống như N87, N97, Bắc thơm, Hương thơm, Thiên hương... Sự điều chỉnh về thời vụ không chỉ giúp đưa năng suất lúa trung bình cả năm lên 134, 6 tồ/ ha mà quan trọng hơn là đã tạo được quỹ đất tối đa phục vụ cho việc gieo trồng cây vụ đông các loại, nhất là nhóm cây ưa ấm. Năm 2009, toàn xã đã gieo trồng được 190, 4 ha cây vụ đông, chiếm 32,6% tổng diện tích đất lúa và tăng 11, 2 ha so với năm 2008. Trong đó ớt vừa là cây truyền thống vừa là cây giữ vai trò chủ đạo cả về diện tích và hiệu quả kinh tế. Hiện tại diện tích ớt đông của An Ninh đạt khoảng 130 ha, chiếm gần 70% tổng diện tích cây vụ đông hàng năm và là một trong những xã có diện tích ớt lớn nhất huyện. Trước đây đa số các hộ dân trồng loại ớt truyền thống quả nhỏ, cay để xuất khẩu sang Liên Xô và Đông âu, còn nay phần lớn các hộ chuyển sang trồng các giống ớt mới, chủ yếu là ớt Đài Loan và Hàn Quốc. Giống ớt mới có đặc điểm độ cay vừa phải, quả to, dài, mẫu mã đẹp, năng suất cao và được nhiều nước ưa chuộng. Nếu so với các cây màu khác thì hiệu quả kinh tế mà cây ớt mang lại cao hơn hẳn, trung bình mỗi sào ớt cho thu nhập từ 2- 2, 5 triệu đồng/ vụ... Đối với những diện tích thấp trũng, cấy lúa kém hiệu quả và nằm ven sông, xã chủ trương quy hoạch thành vùng và tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư đào ao nuôi thả thuỷ sản kết hợp xây chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả. Tính đến hết năm 2010, toàn xã đã hoàn thành quy hoạch khu vực chuyển đổi rộng gần 71 ha, trong đó vùng triều ngoài chiếm 43 ha - đây là một trong những vùng được quy hoạch để xây dựng vùng chăn nuôi tập trung lớn của huyện Quỳnh Phụ. Tổng kinh phí đầu tư chuyển đổi tại khu vực triều ngoài lên tới hơn 4 tỷ đồng gồm cả phần vốn Nhà nước hỗ trợ và vốn tự có của dân giúp xây dựng hoàn thiện hệ thống các công trình thuỷ lợi, điện sáng và đường giao thông bảo đảm đủ tiêu chuẩn để áp dụng phương pháp thâm canh theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp. Về lĩnh vực chăn nuôi, đáng kể nhất là phong trào xây dựng gia trại và trang trại. Cùng với đó là việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KH - KT vào hầu hết các khâu của quá trình sản xuất như giống, thức ăn, chuồng trại... Cơ cấu đàn cũng từng bước có sự thay đổi theo nhu cầu của thị trường với 3 nhóm vật nuôi chủ lực là trâu bò, lợn và gia cầm các loại. Hiện tại toàn xã có khoảng 680 con bê nghé, từ 6.500- 6.950 con lợn thịt và khoảng 55.000- 60.000 con gia cầm. Chỉ tính riêng đàn lợn, trung bình mỗi năm An Ninh đã cung cấp cho thị trường 450- 500 tấn thịt lợn hơi và 16.000- 18.000 con lợn sữa với sản lượng 120- 130 tấn. Bên cạnh các giống vật nuôi truyền thống, gần đây một số hộ dân đã tiếp thu thêm các giống vật nuôi mới đưa vào sản xuất. Điển hình như đàn lợn ngoại siêu nạc hiện có 60 con nái bố mẹ; ngoài ra còn có một hộ nuôi thí điểm đàn cá sấu 10 con đang phát triển tốt, trọng lượng mỗi con đạt từ 20- 30 kg.

Cùng với lĩnh vực nông nghiệp thì phong trào phát triển nghề và làng nghề, kinh doanh buôn bán diễn ra rất sôi động. Phát huy lợi thế của xã nằm tiếp giáp với thị trấn An Bài, gần Quốc lộ 10 và có thêm tỉnh lộ chạy qua, chưa kể xã có chợ Lầy thuộc loại lớn nhất vùng nên các hộ đã đầu tư phát triển doanh nghiệp sản xuất, khôi phục nghề truyền thống, tiếp thu thêm nghề mới, mở đại lý kinh doanh... Đến nay toàn xã đã hình thành được 23 loại ngành nghề thủ công khác nhau như: Mộc, xây dựng, khâu nón, dệt chiếu, cơ khí... Các nghề này đang thu hút khoảng 1.000 lao động tham gia. Về phát triển công nghiệp, bước đầu đã có một số doanh nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt động như Công ty chế biến NSTP Cường Linh, Công ty gạch tuy - nel Hoa Cương, Doanh nghiệp Nam San, Doanh nghiệp Tân Cương, Doanh nghiệp Ngạn Viêm... Các doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho khoảng 180 lao động địa phương (chưa kể lao động của địa phương khác). Về lĩnh vực TM - DV, ngoài việc hình thành các cửa hàng, đại lý kinh doanh đa dạng các mặt hàng, gần đây đã xuất hiện thêm một số dịch vụ mới hiện đại gồm 4 ô tô vận chuyển hành khách, 12 ô tô vận chuyển hàng hoá, 63 máy cày tay, 18 máy xay xát, 11 máy hàn xì, 2 máy trộn bê tông, 45 máy tuốt lúa, 8 máy làm bún bánh, 3 máy xẻ gỗ... Các dịch vụ mới không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong xã mà còn phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyền hàng hoá... của các xã lân cận.

Nhờ coi trọng công tác thi đua trên tất cả các lĩnh vực, dự kiến năm 2010 này tổng giá trị sản xuất của xã An Ninh sẽ đạt khoảng 72 tỷ đồng (giá cố định), tăng 84,5% so với năm 2005. Duy trì đà tăng trưởng kinh tế chung giai đoạn 2005- 2010 bình quân đạt 13,03%/ năm. Đặc biệt 2 năm liên tiếp (2008 và 2009), An Ninh đều được suy tôn là xã dẫn đầu phong trào thi đua toàn diện của huyện Quỳnh Phụ.

 

Vũ Mạnh

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày