Mang sắc xuân đến mọi nhà
Ông Hà Văn Hợp, thôn Nam Cầu Nhân, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) là thương binh hạng 2/4, gắn bó với nghề trồng quất đã 16 năm. Trong những ngày này, ông và gia đình đang tất bật chăm sóc, tạo dáng cho khoảng 200 gốc quất phục vụ bà con dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Mặc dù đã gần 70 tuổi, lại thường xuyên đau đầu do di chứng của chiến tranh nhưng với ông, mỗi dịp tết đến, xuân về được tự tay chăm sóc vườn quất cảnh, rồi đón thương lái, người dân đến tham quan, mua quất chơi trong dịp tết, ông cảm thấy rất phấn khởi. Theo chia sẻ của ông Hợp, trước khi đến với nghề trồng quất, gia đình ông có 16 năm trồng vải, do thu nhập thấp nên ông chuyển sang nghề trồng quất từ năm 2003. Nghề trồng quất tiếng là thu nhập ổn định nhưng cũng vất vả, mất nhiều thời gian. Việc chăm sóc diễn ra quanh năm, từ lúc làm đất, ươm cây đến việc chăm bón, vặt hoa, tỉa mầm cho đúng thời vụ. Ông Hợp tâm sự: Đã chăm quất thì phải chăm cả năm, nhất là vào tháng 6, tháng 7 khi cây quất sinh trưởng, phát triển tốt phải chủ động chăm bón, tỉa lộc và thường xuyên theo dõi thời tiết, sâu bệnh để khi vào dịp giáp tết mới cho quả căng mịn, sáng bóng. Đến thời điểm này, 2 vườn quất hơn 100 gốc đều đã có thương lái đặt mua với giá bình quân 500.000 đồng/gốc cùng với vài chục gốc quất nhỏ giáp tết bán lẻ cho khách. Theo ước tính, năm nay thu nhập từ bán quất sẽ mang lại cho gia đình ông khoảng gần 100 triệu đồng. Ngoài trồng quất, gia đình ông còn trồng khoảng 30 chục gốc hoa hồng cũng đã cho thu hoạch. Từ nguồn thu nhập trồng quất và hoa, ông đã sắm sửa đầy đủ các tiện nghi trong gia đình, hỗ trợ con mua xe ô tô và phát triển kinh tế. Nhưng với ông, vui hơn cả là những cây quất, cây hoa hồng do chính gia đình ông trồng đã mang không khí xuân về với mỗi gia đình.
Vườn hoa cúc của gia đình bà Ngô Thị Tránh, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) nở đúng vào dịp tết sẽ mang lại nguồn thu lớn cho gia đình.
Tết năm nay với thương binh hạng 4/4 Nguyễn Đình Quế, thôn Tống Văn, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) là năm thứ 23 gia đình ông trồng hoa để phục vụ người dân trong dịp tết. Năm nay, dù việc đi lại khó khăn do ông vừa nằm viện điều trị sau tai nạn nhưng không vì thế mà 3 sào hoa đang vào vụ thu hoạch bị chững lại. Những ngày giáp tết, vợ ông, bà Ngô Thị Tránh luôn có mặt từ sáng sớm cho đến chiều để phục vụ hoa tết cho thương lái và người dân ở khắp các địa phương. Thời tiết năm nay thuận lợi nên 3 sào hoa của gia đình với đủ loại: cúc vàng, cúc mâm xôi, thược dược, dạ yến thảo, sen cạn, cẩm chướng... đua nhau khoe sắc, được thương lái và người dân rất ưa thích. Tất bật giới thiệu hoa cho khách nhưng bà vẫn tươi cười khoe với chúng tôi: Mấy vườn hoa cúc này đã có khách đặt hết rồi, giờ chỉ còn vài luống hoa cúc mâm xôi, thược dược, sen cạn chờ người dân đến mua về chơi tết. Giá năm nay cũng không có nhiều biến động, nếu thời tiết thuận lợi, 3 sào trồng hoa trừ chi phí sẽ đem về cho gia đình tôi khoảng 60 triệu đồng.
Tuy nhiên, để có được nguồn thu ổn định từ nghề trồng hoa, ông bà cũng trải qua những năm tháng vất vả. Theo bà Tránh, để có được những chậu cúc mâm xôi nở đúng dịp tết, ông bà phải miệt mài ngoài vườn cả 6 tháng trời. Ngắt chồi, bón phân, tưới nước... canh chỉnh thời gian chính xác đến từng ngày. Rồi chuyện mưa bão, việc xác định thị hiếu về hoa tết trong mỗi năm để gieo trồng loại hoa nào cho phù hợp cũng là cả một bài toán làm cho ông bà phải đau đầu. Vất vả là vậy, nhưng giáp tết nhìn cảnh người dân tấp nập chọn từng chậu hoa đưa đi muôn nơi, mọi lo toan vất vả với ông bà như tan biến.
Một mùa xuân nữa lại về, những người trồng hoa, cây cảnh với đôi tay chai sần âm thầm góp chút hương xuân, tô điểm cho cuộc đời thêm tươi đẹp. Những đôi tay chai sạn vì súng đạn giờ lại nâng niu từng nụ hoa, từng nhánh lá tô điểm cho ngày xuân thêm trọn vẹn.
Đến làng hoa Vũ Chính những ngày này, không khí xuân đã ngập tràn bởi rất nhiều loài hoa đang khoe sắc, người nông dân thì tỉ mỉ chăm chút từng gốc cây với nhiều hy vọng về một lứa hoa thành công, mang đến cho gia đình cái tết đủ đầy. Với những người trồng hoa Vũ Chính, tết có vô vàn điều thú vị. Với họ trồng hoa trước hết là để được ngắm, được hòa mình trong niềm mong mỏi, phập phồng chờ đợi kể từ khi gieo hạt giống tới khi nẩy mầm. Đó còn là những lo lắng khi thời tiết thất thường hay là niềm vui sướng khi hoa trổ nụ, đơm bông đúng kỳ. Năm nay, thời tiết những tháng cuối năm có nhiều thuận lợi, cùng với kinh nghiệm dày dặn của các hộ dân, dự báo người trồng hoa Vũ Chính sẽ có một mùa hoa bội thu. Ông Phan Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính cho biết: Làng hoa Vũ Chính có hơn 200 hộ tham gia trồng hoa cúc, hồng, thược dược, tuy líp, ly, đồng tiền, cẩm chướng, dạ yến thảo... Để tạo điều kiện cho các hộ dân chuyên canh cây hoa, hàng năm chính quyền địa phương đều có chính sách, cơ chế hỗ trợ như tạo điều kiện để các hộ dân tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vốn của các quỹ hội; phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc hoa, cung ứng phân bón, giống cho người dân trồng hoa. Với hơn 10ha, nghề trồng hoa đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân trong dịp tết đến, xuân về. Nhiều hộ gia đình trồng hoa đã vươn lên làm giàu, với thu nhập từ 300 - 700 triệu đồng/năm, tiêu biểu như gia đình anh Vũ Đức Tòng, Vũ Đức Song, Nguyễn Đình Duyến, Phan Văn Sót...
Theo những người trồng hoa, nghề chăm sóc hoa nhìn bên ngoài thì đơn giản song lại chỉ dành cho những ai thật sự kiên trì và đam mê vì bản chất “đỏng đảnh” chung của các loài hoa là rất khó chăm sóc. Vừa hăng say làm việc, anh Vũ Đức Song, thôn Tống Văn, một trong những “ông trùm” về kinh nghiệm trồng hoa của xã Vũ Chính cho biết: Trồng hoa dịp tết đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu hơn các dịp khác trong năm. Để có vườn hoa tết đẹp, ưng ý, người trồng hoa phải dày công chăm sóc; ngoài việc phải xuống giống đúng thời vụ còn phải chăm sóc kỹ lưỡng với những quy trình tưới nước, bón phân mỗi ngày, thường xuyên tỉa nhánh, bấm ngọn để cụm hoa được tròn trịa, cho ra nhiều nhánh, nhiều bông. Mỗi loại hoa có những cách chăm sóc khác nhau đòi hỏi người trồng hoa phải thuộc lòng trong đầu. Vụ hoa tết năm nay, gia đình anh Song trồng chủ yếu là hoa ly, tuy líp, dạ yến thảo, cúc mâm xôi, hồng cổ trên diện tích 7.000m2, tăng gấp 2 lần diện tích vụ hoa tết năm 2019. Mặc dù diện tích tăng nhưng vẫn duy trì số lao động, do gia đình anh Song đã đầu tư, áp dụng công nghệ tưới thông minh vào sản xuất, nhất là đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt đối với các loại hoa chậu. Hệ thống này đo được cả độ ẩm không khí, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm của đất, kết nối mạng trên điện thoại nên dù không có mặt ở vườn hoa, anh vẫn điều khiển tưới nước khi cần thiết. Qua đó tiết kiệm nhân lực, hoa được tưới đồng đều nên cho hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến vụ hoa tết năm nay mang về nguồn thu trên 600 triệu đồng cho gia đình anh Song.
Dạ yến thảo, đồng tiền, hoa hồng được khách ưa chuộng dịp tết.
Những sắc màu rực rỡ của dạ yến thảo, cẩm chướng, ngọc thảo, cát tường, cúc mâm xôi, hay của hoa ly, tuy líp, đồng tiền đang đua nhau nở rộ trên cánh đồng chờ ngày thu hoạch là niềm vui khôn xiết của người nông dân nơi đây. Chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng là khách hàng đã sở hữu một chậu cúc mâm xôi hay dạ yến thảo chơi tết. Thời điểm này, khách hàng sành chơi hoa nhiều nơi đã đến tham quan, lựa chọn mua hoặc đặt trước những chậu hoa đẹp nhất về chơi tết. Chị Ngô Tuyết, xã Thái Hồng (Thái Thụy) chia sẻ: Hàng năm mỗi dịp tết đến mình hay về đây để ngắm hoa, cây cảnh vì ở đây hoa rất đa dạng về chủng loại, màu sắc, mình thích nhất là cúc mâm xôi với mong muốn năm mới mang đến cho gia đình sự sung túc, ấm áp.
* Đến với làng hoa Vũ Chính vào dịp tết, dọc theo con đường vành đai phía Nam du khách có thể thấy đâu đâu cũng là hoa. Một không gian hoa bao trùm khắp xóm làng, mang theo hy vọng của người trồng hoa vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm, để có điều kiện đón một cái tết cổ truyền ấm no và sung túc hơn.
Theo hương quất thơm nồng trong gió, chúng tôi tìm về làng quất cảnh thôn Phú Lễ, xã Tự Tân (Vũ Thư) một ngày gần tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Những quả quất chín vàng, căng mọng nổi bật trên nền lá xanh non, điểm xuyết những bông hoa trắng nhỏ xíu, những cây quất dáng thế cầu kỳ hay chum quất bon sai xinh xinh bắt mắt du khách. Cùng người chơi mang xuân về với muôn nhà, những cây quất rực rỡ, đầy sức sống còn giúp bà con giáo dân họ giáo Phú Lễ thêm khấm khá, đủ đầy.
Làng quất gần 40 năm tuổi
Giáo dân Trần Văn Đỉnh, một trong những người đầu tiên trồng quất ở Phú Lễ cho biết: Từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, bà con họ giáo Phú Lễ bắt đầu trồng quất cảnh để chơi và bán dịp tết. Ban đầu chỉ có ít hộ, mỗi hộ trồng vài chục cây, dần dần quy mô quất cảnh tăng lên, nhưng nhà nhiều cũng không có quá 100 cây quất mỗi năm. Hầu hết quất được trồng trên đất vườn nhà, chủ yếu là giống quất Nam Điền (Nam Định) cho quả nhỏ, lá nhỏ, bộ rễ khỏe, cây thuần, dễ trồng và chăm sóc. Những năm đầu thế kỷ XX, cây cảnh có giá, nhiều hộ chuyển sang trồng sanh, si thế trong vườn; cây quất cảnh vẫn còn nhưng diện tích bị thu hẹp. Năm 2012, nhờ sự vào cuộc tích cực của xã và ý thức duy trì nghề trồng quất truyền thống của bà con Công giáo nơi đây, cây quất cảnh thực sự “hồi sinh” trên đất Phú Lễ. Những năm gần đây, gần 50% số hộ giáo dân ở thôn đã tham gia trồng quất, quy mô mỗi hộ trồng từ vài trăm cây đến hàng nghìn cây quất mỗi năm. Từ một làng nghề trồng quất ít người biết đến, thì nay quất Phú Lễ đã có tiếng gần xa, thu hút đông đảo người chơi trong và ngoài tỉnh đến đặt mua.
Nông dân Phú Lễ chăm sóc cây quất cảnh cuối vụ.
Là “lão nông” có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng quất cảnh ở Phú Lễ, ông Nguyễn Ngọc Đức cho biết: So với trước kia, nghề trồng quất ở làng đã có nhiều thay đổi. Trước kia, bà con chỉ trồng quất trong vườn nên quy mô nhỏ, bằng giống quất Nam Điền quả nhỏ và cây quất chỉ có 1 dáng hình nón truyền thống. Hiện nay, quất được đưa ra cánh đồng trồng với quy mô lớn hơn, mỗi hộ vài trăm đến hàng nghìn cây; giống quất hiện ở Phú Lễ đang trồng là giống quất Mễ Sở, quả to, bóng, lá đẹp; ngoài dáng tròn thì bà con đã nhạy bén đưa vào trồng quất thế, quất bon sai trong chum đứng, chum treo tường nhằm thu hút khách hàng... Trải qua nhiều thăng trầm nhưng giáo dân Phú Lễ vẫn say mê, gắn bó với cây quất cảnh và mong muốn phát huy nghề truyền thống của cha ông.
Khấm khá nhờ trồng quất
Hai năm nay, gia đình ông Trần Văn Đỉnh, thôn Phú Lễ đã chuyển từ trồng quất dáng truyền thống sang trồng quất bon sai trong chum. Gia đình ông Đỉnh đầu tư xây dựng 500m2 nhà khung phủ lưới để chống nóng, giúp cây quất trong chum phát triển thuận lợi hơn. Ông Đỉnh cho biết: Trồng quất trong chum, lượng đất rất ít nên đòi hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cầu kỳ, uốn tỉa tỉ mỉ mới ra được những chum quất bon sai có dáng thế đẹp, quả to bóng, lá xanh, có hoa, có lộc... Tuy nhiên, loại quất trồng trong chum đứng hoặc chum treo tường, khiến khách hàng rất thích thú, giá bán cao hơn hẳn so với quất truyền thống, thông thường từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng/cây nhỏ, từ 1,5 - 2 triệu đồng/cây quất bon sai to đẹp. Năm nay, gia đình ông Đỉnh có hơn 500 cây quất bon sai trồng trong chum, ước tính mang lại nguồn thu từ 250 - 300 triệu đồng cho gia đình.
Chỉ tính quất dáng truyền thống thì vườn quất của gia đình anh Kiên, chị Búp được đánh giá là đẹp “nhất, nhì” ở Phú Lễ năm nay. Anh Kiên chia sẻ: Quất của gia đình anh là loại cây to, tán rộng, độ tuổi từ 3 - 5 năm, bán giá từ 700.000 đồng - 1,5 triệu đồng/cây. Trước kia, mỗi dịp tết, gia đình anh phải mang đi các chợ quanh vùng để bán quất nhưng mấy năm nay thương lái và người chơi đến tận vườn mua, anh đỡ vất vả hơn. Nguồn thu từ 500 cây quất mỗi năm ước tính trên 200 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình anh Kiên khấm khá hơn trước kia.
Ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã Tự Tân cho biết: Nắm bắt nguyện vọng của bà con Công giáo thôn Phú Lễ về duy trì, phát huy nghề trồng quất cảnh, năm 2012, xã quy hoạch, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả của thôn Phú Lễ sang trồng quất. Xã vận động các hộ dân tạo điều kiện dồn đổi, tích tụ ruộng để tạo điều kiện cho các hộ trồng quất thuê, mượn ruộng mở rộng quy mô sản xuất. Tranh thủ các nguồn lực, xã đầu tư xây dựng hệ thống máng cứng và đường giao thông nội đồng trên cánh đồng quất, tạo thuận lợi cho tưới, tiêu, tiêu thụ sản phẩm quất tại Phú Lễ. Đến nay, Phú Lễ có khoảng 40 hộ, 100% là hộ Công giáo tham gia trồng quất, tổng diện tích quất đạt khoảng 3ha. Thông thường, mỗi hộ trồng từ 200 - 300 cây quất/năm, nhiều hộ như gia đình anh Hinh, anh Kiên, ông Đức, ông Đỉnh trồng khoảng 500 - 1.000 cây quất/năm, trừ chi phí đầu tư thu lãi từ 100 - 300 triệu đồng/năm từ quất cảnh. Xã đang tích cực phối hợp tuyên truyền, quảng bá rộng rãi để thêm nhiều du khách biết đến thương hiệu “quất Phú Lễ”, từ đó nâng cao giá trị cây quất cảnh của địa phương.
Nếu trước đây, thu nhập từ cây quất cảnh chỉ “thêm thắt” cho chi tiêu của các hộ giáo dân dịp tết, thì nay, trồng quất đã mang lại nguồn thu chính và giúp nhiều hộ giáo dân ở Phú Lễ làm giàu, khấm khá ngay trên đất quê. Cây quất góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân họ giáo và đổi mới diện mạo làng quê Phú Lễ văn minh, khang trang hơn.
Nguyễn Cường - Minh Nguyệt - Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật