Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp
Với 12ha đất bãi thuê lại của người dân để trồng rau màu theo mùa vụ, anh Lê Tiến Mạnh, xã Tân Phong (Vũ Thư) đã đầu tư gần 500 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt cho trên 70% diện tích canh tác. Anh Mạnh cho biết: Với 12ha đất bãi, tôi trồng 4 vụ/năm, mùa nào rau đấy nhưng chủ lực vẫn là cây bí xanh. Vì diện tích lớn nên tưới nước là cả một vấn đề, nhưng giờ thì dễ dàng hơn rất nhiều. Để tưới cho gần 10ha rau, thay vì phải mất một ngày với hàng chục nhân công thì giờ chỉ mất từ 15 - 20 phút. Hệ thống tưới phun sương bán tự động đưa nước đến cây trồng bằng các hạt nước nhỏ, mịn, nhẹ nhàng và đều cho cây từ lá đến thân và gốc. Vì thế luôn cung cấp đủ nước cho cây trồng, rửa được sương muối, phòng tránh được tình trạng táp lá, cháy lá, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với hệ thống tưới nhỏ giọt, tôi kiểm soát được lượng phân bón, vừa tránh thất thoát lại tăng năng suất, chất lượng rau.
Mô hình trồng cà chua xuất khẩu trong nhà kính của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình) cũng đang áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp phân bón. Anh Trần Quang Phước, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật của mô hình cho biết: Cà chua là cây trồng rất cần nước nhưng nếu tưới quá ít hoặc quá nhiều đều ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Với phương pháp tưới tiên tiến này, chúng ta có thể chủ động hoàn toàn nguồn nước, dinh dưỡng cung cấp cho cây theo thời điểm, cách thức canh tác, phù hợp với sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ theo quy mô lớn.
Để giới thiệu, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến vào sản xuất, năm 2019, Trạm Khuyến nông thành phố (Trung tâm Khuyến nông Thái Bình) đã triển khai thực hiện mô hình “Trồng hoa ứng dụng gói giải pháp nông nghiệp thông minh APPA SmartFarm, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt Knet” cho 3.500 chậu hoa dạ yến thảo rủ, cúc mâm xôi của hộ ông Vũ Đức Song, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình). Ông Nguyễn Văn Nghiễm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố cho biết: Trồng hoa ứng dụng gói giải pháp nông nghiệp thông minh APPA SmartFarm, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt Knet” bao gồm hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với gói giải pháp nông nghiệp thông minh APPA SmartFarm. Hệ thống được cài đặt thời gian tưới, lượng nước tưới, bảo đảm được ẩm độ không khí và ẩm độ đất cho cây trồng sinh trưởng và phát triển; người trồng có thể thực hiện tưới, giám sát nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị máy móc ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào chỉ với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm tương ứng. Dạ yến thảo là loại hoa cần kỹ thuật tưới tỉ mỉ. Nếu tưới theo phương pháp truyền thống, 10.000 chậu hoa cần 2 - 3 người trong 1 ngày nhưng áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt Knet không mất nhân công, chỉ kiểm tra hoặc điều khiển bán tự động, thời gian tưới khoảng 45 phút và tiêu tốn chỉ từ 5 - 7m3 nước thay vì 15m3 nước như trước đây. Ngoài ra, cây hoa được hấp thụ nước, dinh dưỡng đúng thời điểm nên độ đồng đều cao hơn so với tưới truyền thống. Từ 3.500 chậu hoa được hỗ trợ theo mô hình, đến nay, hộ ông Vũ Đức Song đã tự đầu tư mở rộng diện tích áp dụng tưới thông minh cho 12.000 chậu hoa dạ yến thảo, cúc mâm xôi, cung cấp lượng lớn hoa có chất lượng phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán.
Hiện nay, tại các địa phương trong tỉnh, một số mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đã áp dụng mô hình tưới nước tiên tiến (tưới nước tiết kiệm) theo hình thức nhỏ giọt hoặc phun sương cho các loại cây trồng theo thời vụ và lâu năm. Kinh phí lắp hệ thống tưới này dao động từ 30 - 50 triệu đồng/ha. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tưới nước tiết kiệm này là người dân không phải tốn công đào mương dẫn nước, đồng thời điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng nên tiết kiệm đáng kể nguồn nước. Ngoài ra, còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ hòa tan như đạm, kali, hay các loại phân bón dạng nước... đều có thể áp dụng được nhờ hệ thống ống dẫn thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt hơn và năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống. Với hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp nên hiện nay, công nghệ tưới tiết kiệm đã được áp dụng cho một số cây trồng, như: cam, ổi, cà chua, hoa, rau các loại...
Từ thực tế cho thấy mô hình tưới nước tiết kiệm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên mô hình này trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Để nhân rộng mô hình tưới nhỏ giọt, phun sương thì các địa phương và ngành Nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho từng loại cây trồng. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cũng như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các trang trại, gia trại áp dụng rộng rãi mô hình này vào sản xuất nông nghiệp.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật