Thứ 5, 16/01/2025, 02:41[GMT+7]

Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 2, 10/02/2020 | 09:15:57
1,173 lượt xem
Năm 2019, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Nhiều hội viên nông dân với tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi những con truyền thống sang nuôi những con đặc sản cho thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm, đời sống ngày càng được nâng cao.

Mô hình trồng hoa hồng mini của gia đình chị Phạm Thị Lam, xã Hồng Việt (Đông Hưng) cho thu nhập cao.

Nhiều mô hình mới


Đầu năm 2019, anh Nguyễn Văn Chiến, thôn Thái Cao, xã Nam Bình (Kiến Xương) đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng 2 ao nuôi cá chạch trên diện tích 4 sào đất chuyển đổi của gia đình. Mỗi ao nuôi cá chạch, anh Nguyễn Văn Chiến để mực nước không quá 40cm, trong ao anh đào các hố sâu 50 - 60cm để cá trú ẩn, ngoài ra anh còn thả bèo tây để tạo chỗ trú ẩn cho cá tránh nóng, tránh rét và làm sạch môi trường nước. Sau 4 tháng nuôi, anh thu về hơn 2 tấn cá chạch thương phẩm và cá chạch giống. 

Anh Chiến chia sẻ: Cá chạch là loại cá khỏe, ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu là phù du và một phần nhỏ là cám nên chi phí chăn nuôi ít, lợi nhuận thu về cao, được nhiều thương lái tìm mua với mức giá cao từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, sau 4 tháng nuôi cá chạch, gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng.

Cùng với nuôi cá truyền thống và trồng một số loại cây ăn quả như ổi, cam thì nông dân Tô Văn Đạt, thôn Tào Xá, xã Đông Cường (Đông Hưng) chọn nuôi thêm một số loại rắn như hổ mang, hổ trâu để phát triển kinh tế. Gia đình anh Đạt đã xây dựng chuồng trại khép kín, bịt kín những kẽ hở trên mái chuồng nuôi, đồng thời anh xây dựng chuồng nuôi nhốt rắn tách biệt giúp quá trình nuôi nhốt bảo đảm an toàn. 

Anh Đạt cho biết: Nuôi rắn tốn ít chi phí do rắn thường ngủ đông và hoạt động chủ yếu vào mùa hè, 2 - 3 ngày mới phải cho ăn một lần, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh miền Bắc nên gia đình tôi nuôi đến đâu là xuất bán hết đến đó, không phải lo thị trường đầu ra. Với hơn 500 con rắn hổ mang, rắn hổ trâu, hơn 1.000 cá quả, hơn 4.000 ếch nuôi thương phẩm và cây ăn trái, trừ chi phí đầu tư mô hình của gia đình tôi thu về từ 200 - 300 triệu đồng/năm.  

Những năm qua, gia đình chị Phạm Thị Lam, thôn Quán Thôn, xã Hồng Việt (Đông Hưng) tập trung phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa, cây cảnh. Với diện tích hơn 1 mẫu, chị Lam lựa chọn trồng các loại hoa như hoa hồng, hoa đồng tiền, hoa đào... với trên 1 vạn gốc hoa các loại. Gia đình chị đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để đào ao lấy nước tưới, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động giúp hoa sinh trưởng và phát triển tốt. Chị Lam cho biết: Mấy năm gần đây, xu thế chơi hoa hồng dịp tết của người dân chuyển dần từ các cây hồng to, nhiều bông sang các cây hoa hồng mini, hoa hồng có màu sắc đặc biệt như hồng vàng, hồng xanh và một số loại hoa hồng nhập ngoại khác. Để đáp ứng thị hiếu đó, gia đình tôi đã nhập và nhân giống một số loại hoa hồng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trừ chi phí đầu tư, mô hình của gia đình tôi thu về gần 400 triệu đồng/năm.


Hỗ trợ hội viên sản xuất, kinh doanh

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ: Là một trong ba phong trào trọng tâm của Hội nên hàng năm Hội Nông dân tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ hộ gia đình hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi; tỷ lệ các chi hội, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, giống, kỹ thuật, việc làm; chỉ đạo các cấp hội sâu sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra các hoạt động của phong trào để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo phong trào một cách sát thực, hiệu quả. Trong năm 2019, Hội Nông dân tỉnh có hơn 256.700 hộ gia đình hội viên đăng ký danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 76% hội viên đạt danh hiệu. Để có được kết quả đó, Hội Nông dân tỉnh đã nhận ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 62.340 hội viên nông dân vay với tổng dư nợ trên 2.562,122 tỷ đồng. Cùng với đó, các cấp hội nông dân trong tỉnh quản lý và sử dụng có hiệu quả trên 24 tỷ đồng vốn quỹ hỗ trợ nông dân giúp cho hộ hội viên vay phát triển sản xuất. Nguồn vốn vay được Hội Nông dân tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát bảo đảm sử dụng đúng mục đích và không để xảy ra nợ quá hạn.  

Bên cạnh đó, hội nông dân từ tỉnh tới cơ sở đã tổ chức 84 cuộc hội thảo, tham quan học tập mô hình cho gần 8.000 lượt hội viên, mở trên 1.100 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 108.000 lượt hội viên, nông dân; đồng thời, mở 115 lớp dạy nghề cho trên 3.800 hội viên. Hội viên nông dân sau học nghề đã có gần 1.300 người có việc làm.

Đời sống được nâng lên, trong 2 năm 2018 - 2019, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực đóng góp tham gia xây dựng nông thôn mới hơn 91 tỷ đồng và tham gia  trên 255.800 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó hội viên đã tham gia làm mới và sửa chữa 12.105km đường giao thông nông thôn; xây mới và cải tạo 10.861km kênh mương, 461 cầu, cống, 625 phòng học, trạm xá xã. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã hiến đất và tích cực góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn.


Ông Bùi Thanh Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải

Thực hiện phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân huyện Tiền Hải đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; tín chấp giúp hội viên vay vốn, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp giúp hội viên có được con giống chất lượng, tìm đầu ra cho nông sản giúp hội viên yên tâm sản xuất. Mong rằng năm 2020, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục có những chỉ đạo, định hướng phát triển mới để giúp phong trào thi đua ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn nữa, đời sống hội viên ngày càng khấm khá hơn.

Ông Nguyễn Duy Mỡi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Phụ


Giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân huyện Quỳnh Phụ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, tín chấp giúp hội viên vay vốn, đồng thời hướng dẫn hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể. Hiện nay, Hội Nông dân huyện Quỳnh Phụ đã thành lập 15 tổ hợp tác với 207 thành viên; trong đó có 5 tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản, 2 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, 2 tổ hợp tác liên doanh thương mại, dịch vụ... Các tổ hợp tác thường xuyên được kiểm tra tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn giúp cho các tổ hợp tác duy trì và phát triển tốt. Thu nhập của hội viên nông dân khi tham gia các tổ hợp tác tăng lên đáng kể.

Ông Lê Viết Vĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình

Phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân xã Vũ Lạc triển khai đến từng chi hội, qua triển khai đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong hội viên nông dân. Nhiều hội viên đã chủ động nắm bắt thị trường, mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thiết yếu của khách hàng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Vũ Lạc cũng đẩy mạnh hoạt động ủy thác và tín chấp với các ngân hàng giúp 400 hộ gia đình hội viên vay hơn 20 tỷ đồng phát triển kinh tế; sử dụng hiệu quả nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hội viên nghèo qua từng năm.


 Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày