Thứ 2, 01/07/2024, 23:20[GMT+7]

Đông Sơn Nhanh chóng thu hoạch lúa xuân, chuẩn bị sớm cho vụ mùa

Thứ 5, 21/06/2012 | 14:46:13
2,098 lượt xem
Đông Sơn (Đông Hưng) là xã có ngành nghề khá phát triển như may mặc, làm giấy tiền nhưng người dân vẫn bám đồng sản xuất nông nghiệp trên diện tích 458 ha. Hiện nay bà con trong xã đang tập trung thu hoạch lúa xuân và chuẩn bị sớm cho vụ mùa.

Mùa thu hoạch lúa trên cánh đồng xã Đông Sơn

Theo Chủ nhiệm HTX DVNN, tới ngày 18/6 toàn xã đã thu hoạch được 15-20% diện tích lúa xuân. Mặc dù thời tiết đầu vụ có nhiều diễn biến phức tạp, rét đậm kéo dài nhưng 100% diện tích lúa xuân của xã vẫn phát triển đồng đều. Tình hình sâu bệnh cũng không đáng ngại, toàn xã chỉ phải phun trừ 2 lần và thực hiện chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên năng suất đạt cao.

 

Tuy nhiên, khác với một số địa phương, khi đến thời vụ người dân sẽ dồn trọng tâm vào đồng ruộng, nhưng ở Đông Sơn người dân lại chủ yếu đi thuê khoán công nhân, bởi có tới 60% hộ nông dân làm nghề may, thu nhập đạt trên 2 triệu đồng/người/tháng. Cứ tới thời điểm gieo cấy hay thu hoạch lúa, ở Đông Sơn lại mọc lên chợ lao động, người dân ở nơi khác đổ xô về đây làm thuê với công gặt 1 sào là 250.000 đồng. Toàn xã có 3 máy gặt đập liên hợp nhưng có tới 40% số hộ thuê máy vì giá rẻ hơn, khoảng 130.000 đồng/ sào. HTX DVNN đã tập trung tuyên truyền bà con nông dân nhanh chóng thu hoạch lúa bằng mọi hình thức theo phương châm xanh nhà hơn già đồng, nhất là những vùng gieo mạ cho vụ mùa. Phấn đấu đến 25/6 toàn bộ diện tích lúa xuân sẽ cơ bản thu hoạch xong.

 

Đặc biệt, HTX đã tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, phát tờ rơi và nhắc nhở các hộ xã viên không nên đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Để thực hiện được điều này, HTX đã phổ biến cách làm cho bà con cắt lúa tận gốc, không dựng rạ mà thu rạ vào góc ruộng với diện tích từ 3-4m2/sào, cuốc lớp đất màu để ra ngoài, thu rạ xếp lên cao, cắt cỏ dại ở mé bờ ủ thành đống, phủ kín đất lại cho rạ mục để làm phân bón cho vụ sau. Với cách làm đó vừa hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ gây khói ô nhiễm môi trường, người dân không vứt rạ bừa bãi xuống mương máng gây ách tắc dòng chảy mà lại tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất. Đây là cách làm được Đông Sơn áp dụng từ nhiều năm nay, đã thu hút trên 40% hộ dân thực hiện.

 

Hiện nay các tổ thủy nông, chủ máy đã được các thôn mời họp để hợp đồng làm đất, bảo đảm nguồn nước để công việc làm đất diễn ra thuận lợi. Toàn xã có 44 công cụ làm đất, trong đó có 40 máy nhỏ và 4 máy cày to, cơ bản đáp ứng nhu cầu của bà con trong xã cả về tiến độ và kỹ thuật. Đặc biệt, Đông Sơn cũng chú trọng tuyên truyền cho bà con sử dụng vôi bột để khử chua đồng ruộng, rắc từ 25-30kg/sào trước khi cầy lật đất tạo điều kiện cho rạ phân hủy nhanh, hạn chế bệnh nghẹn rễ cho lúa sau cấy, kết hợp giữ lấm, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế mầm bệnh.

 

Đối với trà lúa mùa sớm, Đông Sơn duy trì cấy 25ha, tập trung chủ yếu ở thôn Nam Dụ, Phấn Dũng, thôn Đông với các giống lúa ngắn ngày như Khang dân 18, Nếp 87, Hương thơm, Bắc thơm. Trà lúa đại trà chiếm 94,5% diện tích chủ yếu cấy TBR1, Q5 và các giống chất lượng gạo khá. HTX đã chủ động lấy nước ngay từ cuối vụ xuân để giữ lấm và tạo điều kiện cho việc làm đất, gieo cấy lúa mùa. Sau khi thu hoạch lúa xuân, HTX tập trung triển khai các biện pháp làm thuỷ lợi nội đồng, tu bổ sửa chữa cống đập, khơi thông dòng chảy, mương máng, kiểm tra máy móc. Tiếp tục ký hợp đồng với Trạm BVTV thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh và có thông báo kịp thời hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ. Đặc biệt, chú trọng tới bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ như tiêu diệt nguồn bệnh, xử lý hạt giống, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho mạ trước khi cấy từ 5 – 7 ngày.

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày