Thứ 3, 19/03/2024, 13:00[GMT+7]

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình: Đối diện nguy cơ tạm dừng hoạt động do thiếu than

Thứ 3, 12/04/2022 | 09:49:23
5,203 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, đã có thời điểm, Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình phải cắt giảm 50% công suất, sản lượng điện vì thiếu than đốt. Bước vào mùa mưa bão, khả năng thiếu nhiên liệu càng cao khiến cho NMNĐ đối diện với nguy cơ phải tạm dừng hoạt động ngay giữa thời kỳ nhu cầu phụ tải tăng cao.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình đang gặp khó khăn do thiếu than phục vụ sản xuất.

Cũng giống như nhiều NMNĐ khác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong cả nước, 3 tháng đầu năm NMNĐ Thái Bình cũng rơi vào tình cảnh “ăn đong” từng ngày về than để chạy máy phát điện do các đơn vị cung cấp than thiếu hụt khối lượng lớn so với hợp đồng đã ký. Nguyên nhân là do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc (2 đơn vị cung cấp than cho NMNĐ Thái Bình) gặp khó khăn, chỉ cấp cầm chừng; trong đó, Tổng Công ty Đông Bắc cấp được khoảng 70% khối lượng so với hợp đồng.

Ông Tạ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Thái Bình cho biết: Để phục vụ 2 tổ máy phát điện hoạt động, mỗi ngày NMNĐ Thái Bình tiêu thụ khoảng 6.400 tấn than. Do lượng than nhập về hạn chế nên chỉ đủ sử dụng trong ngày, thậm chí thiếu hụt phải huy động đến lượng than dự trữ phòng trong kho. Theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Nhà máy phải bảo đảm duy trì lượng tồn kho là 80.000 tấn. Tuy nhiên hiện nay, lượng than trong kho của chúng tôi còn khoảng 20.000 tấn, tương đương đáp ứng phục vụ vận hành nhà máy trong 2 ngày (trừ tỷ lệ than đáy không đạt yêu cầu). Với tỷ lệ tồn kho quá thấp như hiện nay, việc duy trì vận hành nhà máy hoạt động liên tục đủ công suất khó được kiểm soát và sẽ phải dừng nếu như các đơn vị cung cấp than ngừng giao nhận.

Mặc dù gặp khó khăn về nguyên liệu than, nhưng từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp và động viên cán bộ, công nhân viên tập trung duy trì sản xuất an toàn, hiệu quả. Đến ngày 7/4, NMNĐ Thái Bình đã sản xuất và cung cấp lên lưới trên 1 tỷ kWh, doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng, đạt 27,5% kế hoạch sản lượng cả năm mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao.

Ông Tạ Ngọc Linh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Tất cả cán bộ, người lao động trong Công ty đều yên tâm tư tưởng làm việc, bảo đảm vận hành hệ thống các tổ máy phát điện liên tục, an toàn, không để xảy ra bất cứ sự cố nhỏ nào. Chúng tôi đã phối hợp với Ban Giám đốc Công ty thống nhất tổ chức một số hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên như trồng cây xanh trong nhà máy, bố trí phòng tập luyện thể thao, giao lưu cầu lông, bóng đá, đạp xe hưởng ứng Giờ trái đất 2022...

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 2 đơn vị cung cấp than là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã nỗ lực khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước cũng như nhập khẩu than để pha trộn. Tuy nhiên, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi có thể xảy ra. Thực tế, đã có nhiều NMNĐ phải tạm dừng hoạt động và giảm phát như NMNĐ Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60-70% công suất; riêng NMNĐ Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy. Việc NMNĐ phải tạm dừng hoạt động gây ra thiệt hại rất lớn cả về tài chính, an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của công nhân.

Trước đây mỗi ngày có từ 4 - 5 đoàn xà lan chở than cập bến thì nay chỉ còn 2 - 3 đoàn cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện.

Lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Thái Bình cho biết, nếu phải dừng hoạt động vì không có than đốt thì kế hoạch sản xuất điện của NMNĐ không đạt được, doanh thu giảm, số nộp ngân sách nhà nước cũng sẽ giảm. Đáng lo ngại nhất là các máy móc, thiết bị không làm việc thường xuyên sẽ xuống cấp, hao mòn phải bảo dưỡng, sửa chữa tốn kém kinh phí lên đến hàng tỷ đồng, chưa kể mỗi lần phải đốt lò lại chi phí hơn 2 tỷ đồng.

Để ứng phó với những khó khăn hiện nay, Công ty Nhiệt điện Thái Bình đã kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có giải pháp đàm phán, đôn đốc các đơn vị cung cấp than bảo đảm đủ số lượng đã ký theo hợp đồng. Công ty Nhiệt điện Thái Bình cũng phối hợp với Tâp đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc tiếp nhận than nhiều nhất, sớm nhất có thể để tránh những khó khăn, rủi ro do thời tiết xấu, bão, lũ; đôn đốc các đơn vị cung cấp than hàng ngày và dự trữ cho những tháng mùa khô.

Giám đốc Tạ Trung Kiên cho biết thêm: Để tránh nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới, bên cạnh nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, NMNĐ Thái Bình rất mong tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp sử dụng điện trên địa bàn Thái Bình cũng như các tỉnh, thành phố phía Bắc nâng cao ý thức, chung tay thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện.

Khắc Duẩn