Thứ 7, 23/11/2024, 06:59[GMT+7]

Từ tháng 3-5: Mưa ít, nhiệt độ cao, bão đến sớm

Thứ 3, 21/02/2017 | 15:18:39
829 lượt xem
Từ tháng 3-5, nhiệt độ trên toàn quốc sẽ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN); lượng mưa có thể thiếu hụt ở Bắc và Bắc Trung Bộ; bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm trên Biển Đông và số lượng hoạt động nhiều hơn TBNN.

Ảnh minh họa.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện tượng ENSO (là sự phối hợp hoạt động giữa hai hiện tượng xảy ra ở đại dương El Nino, La Nina và ở khí quyển) sẽ duy trì trạng thái trung gian với xác suất trong khoảng 60-70% trong 3-4 tháng tới.  

Trong tháng 1 và tháng 2 đã xuất hiện nhiệt độ trung bình cao kỷ lục ở khu vực Bắc Bộ; mưa nhiều hơn TBNN ở các tỉnh từ Trung Trung Bộ trở vào phía nam và hiện tượng mưa trái mùa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.

Lũ trái mùa đã xuất hiện trên sông Đà, sông Thao, sông Chảy và sông Gâm. Triều cường xuất hiện theo chu kỳ vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 tại ven biển miền Trung và Nam Bộ, xuất hiện sóng lớn do không khí lạnh, bão và áp thấp nhiệt đới.

Dự báo, từ tháng 3-5, nhiệt độ cả nước có xu hướng cao hơn TBNN; lượng mưa có khả năng thiếu hụt ở Bắc và Bắc Trung Bộ; mùa mưa có khả năng đến muộn hơn ở Bắc Bộ và đến sớm hơn ở Nam Bộ.

Trong tháng 3 và tháng 4, không khí lạnh vẫn tác động đến miền Bắc, nhưng cường độ yếu và tần suất thấp hơn TBNN. Nắng nóng tại các khu vực trên toàn quốc có xu hướng xuất hiện muộn và có khả năng không kéo dài và không gay gắt.

Từ tháng 3-5, lượng dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến cao hơn TBNN. Riêng trên sông Thao, hạ lưu sông Lô, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, nam Bình Thuận thiếu hụt so với TBNN.

Lũ tiểu mãn trên thượng lưu sông Hồng-Thái Bình, sông Mã có khả năng xuất hiện muộn với đỉnh lũ nhỏ hơn TBNN. Có thể xuất hiện tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ ở khu vực Đông Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk.

Tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2017 ở khu vực Nam Bộ tương đương năm 2013-2014 và không gay gắt như năm 2016. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2017 có khả năng xuất hiện vào tháng 3. Riêng vùng bán đảo Cà Mau xuất hiện vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.

Dao động mực nước biển chủ yếu chịu chi phối của thủy triều với biên độ triều ở mức TBNN của thời kỳ. Ít có khả năng xuất hiện nước dâng do bão và gió mùa. Khoảng tháng 5 sóng lớn có thể xuất hiện trên khu vực bắc Biển Đông do tác động của bão đầu mùa và vùng biển tây nam do hoạt động sớm của gió mùa Tây Nam.

Nhận định về bão, áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm trên Biển Đông, số lượng hoạt động có khả năng cao hơn TBNN trong các tháng đầu mùa mưa bão, tập trung ở khu vực bắc Biển Đông.

Tuy vậy trong 3 tháng tới, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Tháng 4 và tháng 5 là những tháng chuyển mùa, do vậy nhiều khả năng các hiện tượng dông, sét, tố lốc, mưa đá sẽ xuất hiện, gia tăng về tần suất trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. 

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày