Thứ 2, 20/05/2024, 21:52[GMT+7]

Hưng Hà: Nông dân làm giàu từ tích tụ ruộng đất

Thứ 5, 23/02/2017 | 09:45:52
1,948 lượt xem
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Hưng Hà chuyển biến tích cực, tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt bình quân 2,6%/năm. Các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngày càng rõ nét, nhất là việc ký hợp đồng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Ðến tháng 9/2016, toàn huyện Hưng Hà có 25 xã, thị trấn thực hiện tích tụ ruộng đất nông nghiệp với diện tích 571,3ha, chiếm 5% diện tích đất canh tác; 466 gia đình, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, trong đó 166 gia đình, doanh nghiệp tích tụ từ 1ha trở lên, 300 gia đình, doanh nghiệp tích tụ dưới 1ha. 

Ðể sử dụng hiệu quả, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, đã có 57 gia đình tích tụ ruộng đất chuyên trồng trọt; chăn nuôi tập trung kết hợp trồng trọt có 69 gia đình; nuôi trồng thủy sản 37 gia đình; chuyên chăn nuôi gia súc, gia cầm có 3 gia đình. Do đầu tư sản xuất bảo đảm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh nên hầu hết các gia đình tích tụ ruộng ruộng đất có thu nhập từ 100 - 600 triệu đồng/ha/năm, gấp từ 3 - 5 lần so với cấy lúa.

Những năm qua, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Huyện ủy, UBND huyện Hưng Hà đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa gắn với cây màu vụ hè, vụ đông, bước đầu đạt kết quả khá tốt. 

Xã Hồng Minh đã quy hoạch 140ha đất bãi cấy lúa kết hợp với trồng màu mang lại giá trị kinh tế từ 170 - 200 triệu đồng/ha/năm. 

Xã Tây Ðô có 363ha đất hai lúa, phần lớn sản xuất 4 vụ/năm; ngoài hai vụ lúa nông dân còn chú trọng gieo trồng trên 200ha cây màu vụ hè, vụ đông gieo trồng 300ha, bình quân giá trị sản xuất đạt 170 triệu đồng/ha/năm. Ðạt được kết quả trên là do cấp ủy, chính quyền xã đã lãnh đạo, chỉ đạo, các đoàn thể vận động hội viên quy gọn vùng sản xuất, chấp hành đúng lịch thời vụ đồng thời thực hiện các biện pháp thâm canh kỹ thuật tổng hợp, đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng. Trong thâm canh lúa, nông dân Tây Ðô đã gieo bằng các giống lúa ngắn ngày như BC15, nếp N87, N97, BT7… nên năng suất lúa năm 2016 đạt trên 13 tấn/ha. Cây màu vụ hè được coi là nguồn hàng hóa chủ lực, đặc biệt, nông dân Tây Ðô đã quy gọn vùng thâm canh với từng trà lúa, từng loại cây màu theo cánh đồng mẫu nên canh tác thuận lợi. 

Trong khi đó, xã Hồng An xây dựng cánh đồng hơn 10ha chuyên trồng rau màu, đáp ứng nhu cầu thị trường nên giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác năm sau cao hơn năm trước. 

Xã Dân Chủ xây dựng cánh đồng mẫu 100ha chuyên sản xuất lúa Nhật xuất khẩu kết hợp sản xuất cây màu vụ đông, HTX DVNN xã tổ chức thu mua, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhờ đó nông dân phấn khởi lao động sản xuất, đời sống được nâng lên.


Các tập thể, cá nhân ở Hưng Hà tích tụ ruộng đất và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho thu nhập từ 100 - 600 triệu đồng/ha/năm.

Ðể xây dựng cánh đồng mẫu đạt kết quả toàn diện trong thời gian tới cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông. 

Yêu cầu của mô mình cánh đồng mẫu là điều kiện sản xuất phải trên diện tích liền vùng, liền thửa, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa sản xuất và công tác quản lý đồng ruộng nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm hợp lý, giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường và tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Sản xuất trên cánh đồng mẫu yêu cầu người nông dân thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, thống nhất từ khâu làm đất, gieo mạ, xuống giống, điều tiết nước, phòng, trừ sâu bệnh, ruộng được cấy cùng loại giống, cùng chế độ chăm sóc. 

Qua tiếp xúc với một số nông dân, chúng tôi được biết, dù mới đang giai đoạn đầu nhưng đã thấy rõ cái được của cánh đồng mẫu là sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất tập trung, ruộng đất không còn manh mún, đưa cơ giới hóa lớn vào khâu làm đất và chi phí sản xuất sẽ giảm một nửa so với trước. Ðây là yếu tố quyết định xây dựng mô hình cánh đồng mẫu về lúa và cây màu, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hy vọng, kết quả từ các mô hình trên là kinh nghiệm quý để nhân rộng, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

           Nguyễn Hải Hưng

    (Ðài TTTH Hưng Hà)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày