Thứ 7, 23/11/2024, 05:50[GMT+7]

Tết Cả bánh chưng, tết Cùng bánh hú

Thứ 7, 25/02/2017 | 21:29:06
16,052 lượt xem
Bánh khúc cái tên nghe rất quen thuộc, nó như một món ăn sáng của người dân miền Bắc, nhưng ở quê tôi bánh khúc còn có tên rất dân dã là bánh hú (bánh rau tầm khúc hay tầm cúc).

Bánh hú.

Tương truyền rằng vào thời Quang Trung, Nguyễn Huệ tướng quân Đô đài lực sĩ Nguyễn Tất Ứng, người làng Kiều Thần, tổng An Lão (nay thuộc thôn Kiều Thần, xã Song An, Vũ Thư) sau khi dẫn quân đánh thắng giặc ngoại xâm trở về thì đã qua tết Nguyên đán, ông muốn khao quân nhưng cuối tháng Giêng đầu tháng hai giáp hạt ông đã nghĩ ra việc hái rau tầm khúc làm bánh để khao quân.

Từ đó thành lệ, cứ vào ngày mùng 1 tháng hai (âm lịch) nhân dân tổng An Lão xưa, nay thuộc các xã Song An, Trung An, Minh Quang, Hòa Bình... (Vũ Thư) lại tưng bừng làm bánh hú để đón tết Cùng. 

Người dân quê tôi thường có câu ca: “Tết Cả bánh chưng, tết Cùng bánh hú”. Giống như bánh chưng, bánh giầy trong tết Nguyên đán, ở quê tôi bánh hú đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, thành món ăn đặc trưng trong dịp tết Cùng. 

Làm bánh hú tưởng chừng như đơn giản nhưng để có tấm bánh hú thơm ngon không phải ai làm cũng được. Để có những tấm bánh hú thơm, ngon trong mâm cơm cúng gia tiên ngày tết Cùng, các bà, các mẹ phải chọn những ngọn rau tầm khúc “bánh tẻ” tươi non làm nguyên liệu.

Rau tầm khúc.

Vào tháng Giêng, khi đất ngoài đồng đang phơi ải, còn trơ gốc rạ, chờ đổ nước cấy lúa vụ xuân cũng là lúc rau khúc mọc nhiều nhất. 

Rau khúc có hai loại, loại tẻ và loại nếp, có khi còn được gọi là khúc ông và khúc bà. Rau tầm khúc sau khi được chọn, nhặt bỏ phần gốc già, được rửa sạch, vắt khô, giã nhuyễn và loại bỏ xơ. 

Gạo làm bánh hú là loại gạo tẻ ngon được pha thêm một phần gạo nếp. Bột gạo được xay dạng nước trộn với bột rau tầm khúc thành một hỗn hợp lấm tấm xanh; sau khi được lắng, lọc qua một lớp vải, lót tro ở dưới thành thứ bột dẻo quánh để làm vỏ bánh.

Nhân bánh làm bằng thịt ba chỉ băm nhỏ phi hành mỡ, nêm nước mắm và hạt tiêu thơm phức, có nơi còn dùng thêm nhân đậu xanh. 

Bánh khúc thường có hình tròn nhưng bánh hú quê tôi có hình như bánh gối, nửa vầng trăng. Mỗi chiếc bánh được “lăn” qua một lần gạo nếp, gọi là vỏ áo bánh trước khi xếp chồng đều lên nhau trong chõ. Lượt này chín thì chồng lượt khác lên, mỗi lượt bánh lại thêm một lượt gạo nếp, cứ thế cho đến khi bánh chín thì xôi cũng dẻo, thơm. 

Để dậy nên hương vị dân dã, đặc trưng riêng biệt của bánh hú, người làm bánh thường lót một lượt lá chuối xung quanh và bên trên miệng chõ. Khi bánh chín, mùi lá chuối quyện vào với hương nếp thơm, mùi nồng ngát của rau tầm khúc khiến bánh hú trở lên hấp dẫn lạ thường.

Giờ đây, ở nhiều nơi, bánh khúc được bày bán quanh năm và rau tầm khúc được thay thế bởi nhiều loại lá khác như su hào, cải bắp, nhưng không nơi đâu có được phong vị đặc biệt như bánh hú quê tôi. Phải chăng là bởi mỗi năm, bánh hú quê tôi chỉ được làm và đặt lên bàn thờ gia tiên trong dịp tết Cùng.

Sau tết Nguyên đán, trong cái rét cuối đông, mọi người trong gia đình lại được quây quần bên nhau, hít hà hương thơm bánh hú. Và những người con Thái Bình xa quê, ai đã từng được ăn tết Cùng và thưởng thức bánh hú một lần trong đời thì sẽ nhớ đến loài cây dại trên đồng đất quê nhà, nhớ vị bánh thơm ngon ấy, lại hoài niệm rằng mình đã có một quê hương, một truyền thống giữ đất giữ làng, để mà yêu thương, mà tự hào. 

Nguyễn Thơi

Nguyễn Dũng - 7 năm trước

Không phải là Đô Đài lực sĩ Nguyễn Tất Ứng mà phải là Đô Đài Ngự Sứ Đại Tướng Quân Nguyễn Tất Ứng nha AD

Tải thêm