Thứ 5, 04/07/2024, 21:21[GMT+7]

Kiến Xương quyết liệt phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thứ 5, 09/03/2017 | 08:53:43
1,421 lượt xem
Trước nguy cơ dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 ở gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào, huyện Kiến Xương đã chỉ đạo quyết liệt, triệt để nhằm bảo vệ an toàn cho đàn gia cầm và phát triển nghề chăn nuôi bền vững.

Toàn huyện Kiến Xương hiện có 6 trang trại, gần 100 gia trại và hàng vạn hộ nuôi gia cầm nhỏ lẻ với tổng đàn trên 865.000 con. Phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng việc tiêm phòng các loại vắc-xin cho gia cầm theo quy định và vệ sinh chuồng trại chưa thường xuyên. Việc nuôi nhốt gà, vịt, ngan lẫn lộn; nhiều hộ nuôi bồ câu cùng với gia cầm là nguy cơ dẫn đến phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh. 

Thêm vào đó, sau tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, nông dân bắt tay vào nhập giống mới với số lượng lớn để tái đàn, nếu nguồn gốc con giống không được kiểm soát tốt có thể sẽ đưa dịch bệnh từ nơi khác về địa phương. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện vẫn chưa xảy ra hiện tượng gia cầm, thủy cầm ốm chết vì dịch cúm A/H5N1, A/H7N9, tuy nhiên, sự chủ quan của người chăn nuôi trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm, UBND huyện Kiến Xương đã có công điện, công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách. Phân công cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. 

Cùng với tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của nhân dân về dịch cúm A/H5N1, A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác, các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng. Những nơi tiềm ẩn vi rút cúm gia cầm như chợ, nơi giết mổ được tổ chức quét dọn, xử lý hóa chất 2 lần/tuần. Các thôn tổ chức khơi thông cống rãnh, thu dọn chất thải, phát quang bụi rậm, rắc vôi bột khử trùng. 

Đối với các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột kết hợp phun hóa chất thường xuyên để sát khuẩn, khử trùng. Đàn gia cầm mới nhập phải tách riêng nuôi từ 10 - 15 ngày để theo dõi và tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh theo mùa, trong đó có dịch cúm gia cầm trước khi đưa vào nuôi tập trung.

Sử dụng hóa chất phun chuồng trại kết hợp tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp tốt nhất ứng phó với dịch cúm A/H5N1 và A/H7N9 ở gia cầm.

Ông Ngô Văn Tiếu, thôn Trà Đông, xã Quang Trung cho biết: Hiện gia trại đang nuôi 1.000 con gà, 500 con ngan và vịt. Những ngày qua, gia đình tôi đã đầu tư gần 2 triệu đồng mua vôi bột và hóa chất để phun toàn bộ chuồng nuôi và môi trường xung quanh để phòng ngừa dịch cúm. Gia đình tôi ý thức rằng nếu không phòng, chống tốt để xảy ra dịch bệnh thì sẽ thiệt hại nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình.

Không riêng gia đình ông Tiếu, chủ các gia trại, trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Kiến Xương đều thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Ông Nguyễn Minh Vượng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Lo ngại nhất trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện nay chính là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, đôn đốc và giám sát tất cả hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Với quyết tâm không để dịch cúm gia cầm phát sinh, lây lan ra diện rộng, những ngày này, lãnh đạo huyện Kiến Xương liên tục đi kiểm tra các địa phương về việc thực hiện chủ trương chỉ đạo tỉnh, huyện. 

Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan và Công an huyện huy động lực lượng phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển gia cầm, những nơi tập kết, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày