Thứ 2, 22/07/2024, 23:36[GMT+7]

Hưng Hà tích cực chăm sóc lúa xuân

Thứ 4, 15/03/2017 | 15:42:42
2,322 lượt xem
Những ngày này, trên các cánh đồng của huyện Hưng Hà, nông dân xuống đồng tập trung tỉa dặm, làm cỏ và chăm bón để lúa xuân phát triển tốt.

Nông dân các địa phương ở Hưng Hà chăm sóc lúa xuân.

Bà Lê Thị Dịu, xã Hồng Minh cho biết: Thời tiết thuận lợi nên lúa xuân nhanh bén rễ và đẻ nhánh. Mặc dù chưa phát hiện có sâu bệnh song gia đình vẫn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện, xử lý sâu bệnh hại lúa. 

Ông Nguyễn Đức Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Minh cho biết thêm: Toàn xã có 350ha lúa xuân, 100% diện tích được gieo sạ với các giống lúa ngắn ngày. Trước khi gieo sạ, nông dân trong xã đã tiến hành diệt trừ cỏ tiền nảy mầm nên hạn chế cỏ phát triển hại lúa xuân. Hiện nay, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tích cực thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh và chăm sóc lúa xuân. 

Tại Đông Đô, ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi hoàn thành gieo cấy hơn 380ha lúa xuân, nông dân trong xã đã sớm chuyển trọng tâm sang bảo vệ, chăm sóc lúa với nhiều biện pháp như làm cỏ, sục bùn, bón phân để giúp cho bộ rễ cây lúa phát triển tốt; chủ động phòng, trừ chuột, bắt ốc bươu vàng…

Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Đến ngày 20/2/2017, Hưng Hà đã hoàn thành việc gieo cấy 11.000ha lúa xuân và chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa. Nhìn chung, lúa xuân năm nay được gieo cấy trong khung thời vụ an toàn, lúa sau cấy gặp thời tiết thuận lợi nên phát triển tốt. Để sản xuất vụ xuân năm 2017 giành thắng lợi, ngành Nông nghiệp huyện chỉ đạo các xã tổ chức điều tiết nước hợp lý, hướng dẫn nhân dân bón phân đúng quy trình kỹ thuật cho từng diện tích lúa xuân sớm, lúa gieo thẳng, cấy đại trà. 

Đối với diện tích lúa cấy sớm trong tháng 1/2017 cần duy trì mực nước nông trên ruộng, tạo điều kiện tối đa cho lúa đẻ nhánh, tổ chức bón tăng thêm 5 - 10% lượng phân bón thúc và có thể bón bổ sung thêm đạm và kali. 

Đối với diện tích lúa gieo thẳng cần diệt cỏ dại bón  NPK chuyên thúc theo đúng kỹ thuật, tiến hành tỉa dặm bảo đảm mật độ thích hợp. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh tiến hành chăm bón như lúa cấy. Kết thúc bón phân muộn nhất đến ngày 20/3/2017. Những diện tích lúa cấy sâu, lúa bị nghẹt rễ, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân làm cỏ, sục bùn…, bón từ 10 - 15kg vôi bột/sào, dùng các chế phẩm được khuyến cáo sử dụng giúp bộ rễ phát triển mạnh.

Phòng Nông nghiệp cũng chỉ đạo các HTX SXKD DVNN thường xuyên kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ bệnh gây hại lúa xuân, không để bệnh phát sinh gây hại nặng trên đồng ruộng. Đối với những diện tích gieo sạ, hướng dẫn, đôn đốc nông dân tỉa dặm để lúa phát triển đồng đều. 

Huyện cũng tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp trên địa bàn, chỉ đạo các địa phương chủ động nguồn vật tư, phân bón cung ứng kịp thời cho bà con nông dân. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, để góp phần giành thắng lợi vụ lúa xuân, hạn chế được sâu bệnh hại lúa, ngoài sự hướng dẫn từ các ngành chuyên môn, bà con nông dân cần nâng cao ý thức, chủ động hơn nữa trong việc thăm đồng chăm sóc lúa xuân cũng như thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại lúa.

Bón phân cho lúa xuân

Vụ xuân năm nay thời tiết có dạng hình ấm và khô (ẩm độ không khí thấp) nên cây lúa chậm sinh trưởng phát triển đầu vụ, có thể ngộ độc phèn đầu tháng 4 và đói ăn cuối vụ do vậy nên tăng lượng phân bón. Lúa xuân có đặc điểm vừa trỗ vừa làm đòng nhất là khi có mưa rào do vậy việc bón phân cho vụ xuân năm nay cần thực hiện: sử dụng phân tổng hợp NPK chuyên dùng (NPK Lâm Thao, Văn Điển, Ninh Bình, Việt Nhật, Đầu Trâu…), tăng lượng phân bón, bón thúc sớm, nặng đầu, nhẹ cuối.
- Với lúa cấy:
+ Bón thúc lần 1 khi cây lúa bén rễ hồi xanh, ra lá mới, trời ấm, nhiệt độ trên 16oC, bón 2/3 lượng phân bón thúc.
+ Bón thúc lần 2 sau khi bón thúc lần 1 từ 10 - 12 ngày, bón hết lượng phân thúc còn lại.
- Đối với lúa gieo thẳng:
+ Sau khi lúa có 2 - 2,5 lá thật, đưa nước láng chân rồi bón nhử từ 2 - 3 kg NPK/sào. Ruộng gieo thẳng sinh trưởng kém, lá còi cọc màu vàng có thể tiến hành phun KH, siêu lân trước khi bón nhử 1 - 2 lần.
Khi lúa gieo thẳng đạt 4 - 5 lá bón thúc bằng NPK chuyên thúc với lượng nhà sản xuất khuyến cáo.
Lưu ý: Về cuối vụ cần theo dõi sát tình hình thời tiết và tốc độ sinh trưởng phát triển của lúa: nếu trời không mưa, lá lúa vàng biểu hiện đói ăn cần linh hoạt bổ sung 3 - 5kg NPK chuyên thúc khi lúa làm đòng.
Để tăng hiệu lực của phân bón và hạn chế thất thoát, sau mỗi lần bón phân bà con nên dùa đục nước, giữ đất đủ ẩm và làm cỏ.


     TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG TỈNH

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày