Thứ 5, 26/12/2024, 20:06[GMT+7]

Đông Lâm khắc phục nhiễm mặn đối với lúa xuân

Thứ 2, 20/03/2017 | 08:18:28
2,013 lượt xem
Vụ xuân năm nay, xã Đông Lâm (Tiền Hải) gieo cấy 275ha lúa, bảo đảm đúng lịch thời vụ đề ra. Do ảnh hưởng của thời tiết, yếu tố môi trường gây không ít khó khăn cho sản xuất làm một số diện tích lúa chết do bị nhiễm mặn. Trước tình hình đó, Đông Lâm đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực chỉ đạo nông dân tập trung ra đồng, chủ động xử lý dứt điểm tình trạng chua phèn, mặn bảo vệ lúa xuân.

Nông dân xã Đông Lâm chăm sóc lúa xuân.

Tại cánh đồng thôn Nho Lâm và Thanh Đông, nhiều diện tích ruộng lúa bị vàng lá, thối rễ do bị nhiễm chua phèn, mặn. Nguyên nhân do từ tháng 1 đến tháng 2 lượng mưa ít cùng với nhiệt độ cao nên xảy ra hiện tượng bốc chua mặn trên diện tích 10ha của hai thôn vùng gần cửa sông Lân và sông Cá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của lúa xuân. Là hộ dân có diện tích lúa bị chết khoảng 70% diện tích do nhiễm mặn, ông Nguyễn Văn Hệ ở thôn Thanh Đông cho biết: Vụ xuân năm nay gia đình tôi gieo cấy hơn 5 sào. Mặc dù từ đầu vụ tôi đã thực hiện vệ sinh đồng ruộng, xử lý bằng vôi bột nhưng tình trạng nhiễm mặn, chua phèn vẫn xảy ra. Đến thời điểm này tôi đã thực hiện các biện pháp do HTX khuyến cáo để xử lý chân ruộng nhiễm mặn, phèn như bơm nước thau chua rửa mặn, kết hợp với rắc vôi bột, đồng thời tổ chức tỉa dặm lại diện tích lúa đã bị chết. Tập trung bón nhử đạm cho lúa phát triển ổn định.

Cũng có diện tích lúa bị chết do nhiễm mặn, ông Nguyễn Văn Tất đang tỉa dặm lại khoảng 6 sào ruộng chia sẻ: Nhiều năm nay hiện tượng đất có độ chua mặn cao bị kìm hãm bốc lên gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp. Hiện nay gia đình tôi đã và đang tích cực cấy lại diện tích lúa bị thiệt hại, quyết không để ruộng hoang. Xử lý bằng cách cho rút nước trên ruộng rồi bơm nước mới vào thay thế để hòa loãng nâng độ pH của đất và nước, giúp cho bộ rễ lúa phát triển thoát khỏi tình trạng nhiễm phèn, mặn. Gia đình tôi làm gần 1 tuần nay nên cơ bản diện tích lúa cấy lại đã xong.

Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Lâm cho biết: Ngay khi phát hiện 10ha lúa xuân bị nhiễm chua, mặn nghiêm trọng gây hiện tượng lúa non chết, xã đã tổ chức cuộc họp khẩn, mời ngành chuyên môn của huyện, tỉnh về lấy mẫu nước phân tích tại chân ruộng và hệ thống sông tưới. Sau khi kiểm tra, ngành chuyên môn kết luận độ mặn lâu ngày bị kìm hãm do tác động yếu tố môi trường bốc lên mặt ruộng gây thối rễ, vàng lá. Với quyết tâm không để ruộng hoang, HTX đã kết hợp với các ngành chức năng tập trung khắc phục tình trạng nhiễm mặn tại hai thôn Nho Lâm và Thanh Đông. Trong đó, phối hợp với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện tổ chức vận hành các trạm bơm lấy nước 4 lần thau chua rửa mặn đối với diện tích lúa bị nhiễm mặn. Tích cực tuyên truyền đến nhân dân dùng các loại thuốc kích thích sinh trưởng bón qua lá, rắc vôi bột tập trung cứu lúa. Do đây là thời kỳ quan trọng, tác động trực tiếp tới sự sinh trưởng của cây lúa, vì vậy HTX chỉ đạo cán bộ chuyên môn điều tiết, phân bổ nguồn nước hợp lý, hướng dẫn nông dân bón phân, chăm sóc đối với diện tích lúa bị nhiễm mặn. Khuyến cáo nông dân bên cạnh việc tập trung bơm nước thau rửa mặn kịp thời, bà con cần tuân thủ các quy trình chăm sóc theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cây lúa phát triển. Đối với những diện tích lúa không bị nhiễm mặn thì cần lấy nước đủ vào mặt ruộng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi để tỉa dặm, bà con nông dân cần chú ý tăng cường làm cỏ sục bùn, kết hợp với bón thúc lần 1 cân đối để lúa đẻ nhánh sớm và tập trung. Khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu bệnh kịp thời phòng, trừ đạt hiệu quả cao.

Với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền cùng với ngành chức năng của tỉnh, huyện trong khắc phục kịp thời, hiệu quả diện tích lúa bị nhiễm mặn, hy vọng rằng vụ xuân năm nay xã Đông Lâm đạt và vượt năng suất,  sản lượng đã đề ra.

Mạnh Thắng


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày