Thứ 2, 20/05/2024, 18:29[GMT+7]

Nông nghiệp - Sức hút đầu tư

Thứ 4, 05/04/2017 | 16:34:59
2,854 lượt xem
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX khẳng định nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới là phát triển ngành Nông nghiệp toàn diện, bền vững cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Với truyền thống, kinh nghiệm thâm canh cao, bản chất lao động cần cù, năng động, sáng tạo của người dân cùng với cơ chế, chính sách thuận lợi của tỉnh, Thái Bình hứa hẹn là mảnh đất tiềm năng thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cánh đồng màu cao sản ở xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ).

Nói đến Thái Bình là nói đến thế mạnh của tỉnh về thâm canh lúa và cây màu ở các vùng quê như Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư... với tổng diện tích đất trồng lúa đạt trên 160.000ha, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm; trồng khoai tây trên 4.000ha, sản lượng từ 6.000 - 10.000 tấn (quỹ đất để mở rộng trồng khoai tây có thể lên đến 17.000ha); diện tích trồng ngô đạt 9.000ha, sản lượng từ 50.000 - 70.000 tấn (quỹ đất trồng ngô có thể mở rộng đến 15.000ha); diện tích trồng bí xanh, bí giống Nhật Bản trên 5.000ha; diện tích hành, tỏi trên 1.100ha (diện tích đất trồng hành tỏi có thể mở rộng trên 5.000ha); diện tích trồng ớt trên 1.500ha; quỹ đất để trồng rau khác đạt trên 9.000ha.

Ngoài trồng trọt, Thái Bình còn có thế mạnh về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với 54km bờ biển cùng bãi triều rộng lớn ở hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Đặc biệt, ngao là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Thái Bình với diện tích nuôi đạt gần 3.000ha, sản lượng ngao thu hoạch khoảng 70.000 - 90.000 tấn/năm (chiếm 50% sản lượng ngao toàn quốc). Thái Bình còn nằm trong vùng kiểm soát nhuyễn thể hai mảnh vỏ (ngao) của EU với số lượng trên 10.000 tấn ngao xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, tỉnh có trên 2.900ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, hơn 8.000ha nuôi thủy sản nước ngọt. Cùng với đó, Thái Bình đang có lợi thế phát triển nuôi cá lồng trên sông với gần 500 lồng nuôi. Về khai thác thủy sản, Thái Bình có trên 1.200 phương tiện khai thác hải sản với tổng công suất 89.105CV, sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 68.000 tấn. Hiện toàn tỉnh có trên 700 trang trại chăn nuôi; 192 xã có quy hoạch các vùng/điểm cho phát triển chăn nuôi, thủy sản với tổng diện tích đất quy hoạch 4.236ha, trong đó 41 vùng quy hoạch có diện tích từ 25ha trở lên, tổng diện tích 1.426ha; 80 vùng/điểm quy hoạch diện tích từ 10 - 25ha, tổng diện tích 1.156ha; 259 điểm quy hoạch chăn nuôi có diện tích dưới 10ha, tổng diện tích 1.653,86ha.

Là tỉnh có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển thuộc đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thái Bình có điều kiện tự nhiên, sinh thái rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh và công nghệ cao. Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh trên 105.70ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 93.051ha, đất lâm nghiệp có rừng 1.405ha, đất nuôi trồng thủy sản 11.024ha, đất làm muối 50,45ha, đất nông nghiệp khác 224ha. 

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, hiện nay Thái Bình đã có một số dự án lớn đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản gồm: 9 doanh nghiệp sản xuất giống lúa; 19 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi; 10 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, nuôi trồng thủy sản; 7 doanh nghiệp và một số cơ sở tư nhân chế biến lúa gạo, công suất trên 10.000 tấn/năm/cơ sở; 7 công ty chế biến rau quả công suất 2.000 - 3.000 tấn/năm; 3 cơ sở chế biến thịt lợn và lợn sữa với công suất 1.000 tấn thịt lợn/năm và 4.000 - 5.000 tấn lợn sữa/năm; 1 doanh nghiệp chế biến ngao xuất khẩu.

Trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án lớn đã và đang làm thủ tục đầu tư như: dự án đầu tư nuôi bò Úc với quy mô 10.000 con tại xã Hồng Minh (Hưng Hà); dự án đầu tư nuôi lợn nái với quy mô 6.200 con tại xã Thụy Duyên (Thái Thụy) của Tập đoàn Hòa Phát; dự án chế biến khoai tây của Công ty THHH GVA; dự án nuôi bò Úc - giun - lươn dự kiến đầu tư tại xã Duyên Hải (Hưng Hà) của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển kinh tế trang trại Thành Tín (Hà Nội)... 

Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã đầu tư xây dựng hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Đẩy mạnh tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với tích tụ ruộng đất và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, phát triển sản xuất gắn với công nghệ chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa các chủ thể nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nông dân. Tiến hành tích tụ ruộng đất, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn có ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao bước đầu cho hiệu quả, góp phần đưa diện mạo nông thôn từng bước phát triển.

Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh


Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao với thời gian thuê đất từ 20 năm trở lên; giá thuê đất là địa tô chênh lệch - phần còn lại của tổng thu trừ chi phí trên một đơn vị diện tích - tính theo mức thực tế đối với mỗi vùng sinh thái, mỗi địa phương khác nhau, trong đó 5 năm điều chỉnh giá thuê đất một lần nhưng mỗi lần không vượt quá 5% so với giá hiện hành, hình thức thanh toán tiền thuê đất theo thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê. Các nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước và của tỉnh, được khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi hiện có. Trong quá trình cải tạo để thực hiện dự án không được phá vỡ mặt bằng đất canh tác, mặt bằng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi hiện có.
Tỉnh cam kết sẽ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.


Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó một số việc trọng tâm là: rà soát, điều chỉnh, tham mưu bổ sung quy hoạch nông nghiệp, nông thôn (nhất là quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp); tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện tích tụ ruộng đất để chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch gắn với xây dựng nông thôn mới; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.


Ông Vũ Hữu Hỷ, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh (Hưng Hà)
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện, xã Hồng Minh đã có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về thuê đất tại địa phương để phát triển nông nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng thuộc Tập đoàn Hòa Phát. Cụ thể, một mặt địa phương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục về thuê đất; tổ chức họp dân để thông báo chủ trương cũng như vận động nhân dân ủng hộ, lấy ra 14ha đất giao cho doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thấy khi doanh nghiệp vào hoạt động ngoài tạo thêm việc làm cho lao động còn thúc đẩy phát triển diện tích cây màu, nhất là cây ngô của địa phương. Hiện toàn xã có 150ha ngô được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên nông dân yên tâm sản xuất. Vùng trồng ngô trước đây trồng 2 vụ/năm nay đã được trồng 3 vụ/năm, giá trị tăng từ 1,5 triệu đồng/sào/vụ lên 2 triệu đồng/sào/vụ.


Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH
TH đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất các thực phẩm sạch, hữu cơ, trong đó gạo, rau, củ, quả là nhóm sản phẩm triển khai đầu tiên bởi đó là thực phẩm thiết yếu với người dân. Thái Bình là đất lúa, theo đánh giá của các chuyên gia, chất đất Thái Bình hoàn toàn phù hợp với những mục tiêu, định hướng của TH trong đầu tư vào nông nghiệp. Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện dồn điền đổi thửa, loại bỏ dần những mảnh ruộng nhỏ manh mún để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, tạo vùng sản xuất quy mô lớn và xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh. Đó là điều kiện tiên quyết để chúng tôi quyết định đầu tư tại đây. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình trong việc phê duyệt các kế hoạch đầu tư, cơ chế hợp tác. Chính từ sự hợp tác và cam kết mạnh mẽ như vậy mà dự án sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao của Tập đoàn đã nhanh chóng được triển  khai tại Thái Bình ngày 24/2/2017.


Ông Đỗ Duy Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghiệp Hải Hùng

Thái Bình là tỉnh có rất nhiều thuận lợi cho đầu tư phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, nhờ có cơ chế, chính sách hỗ trợ nên cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi. Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy nông nghiệp, Công ty đã đầu tư dự án sản xuất máy công, nông nghiệp và xây dựng với tổng nguồn vốn gần 60 tỷ đồng nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi mong muốn tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa trong thế chấp vay vốn, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ để đáp ứng yêu cầu sản xuất.


Ông Lê Ngọc Huê, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng


Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng là nhà máy sản xuất trà dược liệu với quy mô 120 - 150 tấn dược liệu khô/năm. Khi thực hiện tích tụ ruộng đất, Công ty đã được các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính; đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Công ty rất nhiều trong nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học. Tôi tin tưởng rằng với cơ chế kêu gọi đầu tư hợp lý, có các cam kết mạnh mẽ và thiết thực đối với nhà đầu tư của tỉnh, nông nghiệp Thái Bình sẽ trở thành “cánh đồng vàng” trải thảm thu hút các nhà đầu tư.


Bà Trần Thị Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình
Chủ trương ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện đang được Công ty hết sức quan tâm. Đây có thể coi là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nói chung và của Công ty nói riêng. Công ty mong muốn việc ứng dụng công nghệ cao của Công ty sẽ góp phần đưa tới người tiêu dùng những sản phẩm an toàn nhất. Việc ứng dụng công nghệ cao giúp Công ty phát triển bền vững hơn, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng cho ngành nông nghiệp địa phương, tạo dựng được những mô hình để nông dân tham quan, học tập, nắm bắt được phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, Nhà nước và các địa phương cần có chính sách thu hút các doanh nhân, doanh nghiệp có đủ tâm, trí, lực vào đầu tư.


Ông Hoàng Văn Dương, Trưởng ban Quản lý dự án Công ty Cổ phần Nước sạch Hưng Hà
Đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sạch phục vụ 17 xã trên địa bàn huyện Hưng Hà, Công ty không những nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo tỉnh, huyện, xã trong việc tư vấn, lựa chọn địa điểm xây dựng mà còn được hỗ trợ về thủ tục thuê đất, cấp giấy phép đầu tư, giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, được tỉnh cấp giấy phép đầu tư ngày 31/12/2015 thì đến ngày 30/6/2016 Công ty đã chính thức đi vào hoạt động. Trong quá trình hoạt động, Công ty tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân nên đã hoàn thành chỉ tiêu cung cấp nước sạch đến trụ sở UBND xã của 7 xã trong dự án sớm hơn so với dự kiến. Hiện Công ty đang tiếp tục lắp đặt đường ống mạng theo đúng tiến độ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân.


Ông Trần Hải Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng thuộc Tập đoàn Hòa Phát
Khi xây dựng trang trại nuôi bò thì yếu tố tiên quyết để bảo đảm thành công đó là nguyên liệu. Với địa bàn trồng ngô nhiều, diện tích lớn và trình độ thâm canh cây ngô của nông dân Thái Bình, đây là điều kiện thuận lợi để bảo đảm cho hoạt động của Công ty ổn định, phát triển lâu dài. Cùng với đó là những chính sách ưu tiên, sự nhanh chóng trong thực hiện các thủ tục hành chính và sự đồng lòng của chính quyền cũng như người dân địa phương cũng là “điểm cộng” thu hút Hòa Phát đầu tư vào Thái Bình.


Ông Đỗ Văn Trưởng, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư
Cùng với chăn nuôi lợn nái và lợn thịt siêu nạc, hiện trang trại đang liên kết để sản xuất theo chuỗi thực phẩm sạch, an toàn bằng thức ăn hữu cơ với các quy trình hết sức nghiêm ngặt. Tuy nhiên, để lĩnh vực chăn nuôi chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa cần có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất như: tuyên truyền, vận động nông dân góp đất, cho doanh nghiệp thuê đất; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, kết hợp chăn nuôi, thủy sản; xây dựng nông thôn mới… Cùng với đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đầu tư, đưa công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến; phát triển chăn nuôi an toàn sinh học; cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm.

Nhóm phóng viên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày