Thứ 7, 21/12/2024, 23:05[GMT+7]

Tiền Hải: Tích tụ ruộng đất - hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 4, 12/04/2017 | 08:13:56
1,997 lượt xem
Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Tiền Hải đã nỗ lực tuyên truyền đến nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện về tích tụ ruộng đất để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác và thu nhập cho nông dân.

Tích tụ ruộng đất tại xã Nam Chính.

Những năm qua, việc tích tụ ruộng đất quy mô lớn là bước đột phá thứ hai sau dồn điền đổi thửa ở xã Tây Giang. Nhiều hộ dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng những cánh đồng cấy lúa với diện tích 3 - 12ha. Diện tích canh tác được gieo cấy cùng giống lúa, áp dụng biện pháp thâm canh cải tiến trong điều tiết nước, phòng, trừ sâu bệnh… 

Trên diện tích 3ha thuê từ các hộ dân, anh Nguyễn Văn Sự, thôn Cát Già đã thành công trong việc liên kết với Công ty Thương mại Hàng hải Việt Nam sản xuất lúa sạch hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Anh Sự chia sẻ: Đây là năm thứ 2 gia đình tôi gieo cấy lúa sạch hữu cơ. Ngay từ đầu vụ, tôi đã được đơn vị liên kết cho đi tập huấn kỹ thuật canh tác, cung ứng lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để áp dụng sản xuất trên đồng ruộng. Hiện nay, sản xuất lúa sạch hữu cơ của gia đình thực hiện đúng quy trình canh tác bảo đảm chất lượng gạo sạch đáp ứng theo yêu cầu của đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm đề ra. Mô hình sản xuất lúa sạch hữu cơ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Với giá thu mua của đơn vị liên kết là 1,5 triệu đồng/tạ. 

Theo ông Tô Văn Cách, một lão nông giàu kinh nghiệm trong thâm canh lúa của thôn Nam: Muốn tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp thì việc đầu tiên đó là phải thay đổi tư duy của người nông dân về quy mô sản xuất. Nếu một hộ nông dân sản xuất manh mún vài sào ruộng sẽ không có thu nhập cao được, chứ đừng nói là giàu, nhưng nếu sản xuất trên diện tích vài héc-ta thì ngay chỉ độc canh cây lúa chắc chắn sẽ có lãi. Sản xuất trên diện tích lớn mở ra cơ hội áp dụng cơ giới hóa, tăng năng suất lao động. 

Được biết, gia đình ông Cách đã thực hiện thuê hơn 10ha ruộng từ năm 2013. Có diện tích canh tác lớn, ông Cách đầu tư 2 máy cày đa năng, 1 máy gặt đập liên hợp để phục vụ sản xuất. Sau mỗi vụ sản xuất gia đình ông Cách thu nhập hơn 500 triệu đồng. 


Nông dân xã Tây An đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.

Không chỉ ở xã Tây Giang mà các hộ dân ở nhiều địa phương trong huyện Tiền Hải đã chủ động dồn đổi, thuê đất, mượn đất nông nghiệp hình thành những thửa ruộng lớn, trang trại tổng hợp thúc đẩy sản xuất. 

Gia đình Ông Phạm Văn Bốn, thôn Nho Lâm, xã Đông Lâm đã xây dựng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp đa canh trên diện tích 8ha. Trong đó xây dựng 7 mẫu đào ao nuôi thả cá; 5 mẫu trồng cỏ chăn nuôi; 7 mẫu trồng lúa; 5 mẫu với mô hình vịt, cá, lúa. 

Ông Bốn cho biết: Muốn chuyển đổi, tích tụ đất nông nghiệp trước hết phải căn cứ vào điều kiện hạ tầng cơ sở của mỗi địa phương để xác định quy mô, đối tượng cây trồng chuyển đổi cho phù hợp, bảo đảm phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản xuất của các hộ dân. Sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn sẽ giảm chi phí lao động, giống, phân bón…, đồng thời việc đầu tư máy móc, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất thuận lợi, hiệu quả hơn, bảo đảm sản phẩm nông nghiệp đồng đều với chất lượng cao, tăng hiệu quả sản xuất, tạo sự gắn bó hơn giữa hộ góp đất và các hộ với doanh nghiệp.

Tích tụ đất đai là một hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Tiền Hải do điều kiện thực tế của địa phương có khu công nghiệp thu hút lực lượng lao động rất lớn vào làm việc, đồng thời tình trạng lao động đi làm ăn xa dẫn đến thiếu lao động sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, huyện Tiền Hải tiếp tục vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

 Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày