Thứ 7, 23/11/2024, 08:46[GMT+7]

Chủ động trước mùa mưa, bão

Thứ 6, 21/04/2017 | 08:46:35
2,084 lượt xem
Những năm gần đây, thời tiết, khí hậu biến đổi ngày càng phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Với tinh thần không chủ quan, lơ là, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra, các cấp, các ngành luôn chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trạm bơm Tịnh Xuyên, xã Hồng Minh (Hưng Hà).

Năm 2016, có 17 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trong đó, Thái Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp của 3 cơn bão (số 1, số 3 và số 7). Bão số 1 đổ bộ vào hai tỉnh Thái Bình - Ninh Bình ngày 27 - 28/7. Tại Thái Bình, bão số 1 có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13 đến cấp 15 và có mưa to đến rất to, lượng mưa các nơi trong tỉnh dao động từ 110 - 265mm. Do bão số 1 khi đến gần bờ đột ngột dừng lại và di chuyển rất chậm nên thời gian duy trì gió giật mạnh khoảng 6 - 7 giờ liên tục đã gây thiệt hại rất lớn đến hạ tầng như điện, viễn thông, nhà xưởng của doanh nghiệp, nhà cửa của nhân dân và thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản. Bão số 3 và số 7 tại Thái Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được dao động từ 70 - 200mm.

Theo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, năm 2016 tuy đỉnh lũ không cao nhưng mưa nhiều, bão mạnh gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Do làm tốt công tác chuẩn bị, năm 2016, các cấp, các ngành, các địa phương đã kịp thời triển khai ứng phó với cả 3 cơn bão và các đợt mưa lớn hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra. 

Năm 2016, Thái Bình đã hoàn thành công tác đắp đê, làm kè, xây cống bảo đảm chất lượng, khối lượng, tiến độ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các dự án cấp bách, xung yếu về đê điều đã được thực hiện với khối lượng 6.410m3 đất đào đắp, 1.851m3 đá các loại, 2.296m3 bê tông. Ngoài ra còn duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều với khối lượng 10.385m3 đất đào đắp, 5.557m3 đá các loại, 1.247m3 bê tông, 28.391m2 đá láng nhựa, 22.844m khoan sâu, phụt vữa xử lý đê và trồng được 57.636 cây chắn sóng các loại… Cùng với việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê, công tác quản lý đê được Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý những hư hỏng của công trình. Năm 2016, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và kiến nghị với địa phương xử lý, ngăn chặn được 176 vụ vi phạm Luật Đê điều, trong đó có 128 vụ làm nhà, hàng quán trong hành lang đê; 9 vụ đào đất trong phạm vi bảo vệ đê; 39 vụ vi phạm khác.

Kè Vũ Đông, đoạn qua địa phận xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) đã cơ bản hoàn thiện.

Để chủ động phòng, chống lụt, bão năm 2017 với mục tiêu giữ an toàn tuyến đê, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã sớm triển khai việc tổng kiểm tra toàn bộ tuyến đê, kè, cống trên địa bàn. Qua kiểm tra, xác định hệ thống đê điều của Thái Bình hiện nay còn nhiều điểm xung yếu, nhiều công trình có diễn biến phức tạp. Trong đó, hệ thống đê sông nếu được tổ chức xử lý, cứu hộ đê tốt mới bảo đảm chống được với lũ thiết kế; hệ thống đê biển có nhiều đoạn đã được củng cố, nâng cấp chống được với bão cấp 9, cấp 10; tuyến đê cửa sông chưa được củng cố, nâng cấp, chống được bão cấp 8, cấp 9 ở mức triều cường trung bình.

Ông Nguyễn Bảo Khương, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584km đê, trong đó có 356km đê trung ương và 228km đê bối, đê bao, đê vùng. Các tuyến đê trong tỉnh có 115 kè hộ bờ với trên 100km kè lát mái và 60 kè mỏ. Dưới đê có 203 cống lớn, nhỏ làm nhiệm vụ tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, tu bổ, nâng cấp hoàn thiện, bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống lụt bão. Tuy nhiên, hệ thống đê điều của Thái Bình hiện nay còn nhiều điểm xung yếu, do đó các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ những diễn biến của công trình, xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Đê điều; xây dựng các phương án hộ đê cho từng tuyến đê và từng đoạn đê cụ thể; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để khi cần thiết có thể xử lý ngay, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê khi có sự cố xảy ra.

Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày