Thứ 6, 22/11/2024, 18:44[GMT+7]

Giá thịt lợn giảm và bài học về khủng hoảng thừa

Thứ 6, 28/04/2017 | 18:54:32
2,105 lượt xem
Các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sản xuất trong nước đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa, nhất là mặt hàng thịt lợn đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Giá lợn hơi loại tốt (trung bình từ 100 - 110kg/con) đã giảm xuống mức dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chưa bao giờ giá thịt lợn lại giảm thấp như vậy tại Việt Nam. 1kg thịt lợn không mua nổi cân táo Tàu!

Đó là những đánh giá của đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc họp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, có hai nguyên nhân chính khiến giá lợn giảm sâu.

Thứ nhất, do cung lớn hơn cầu hay nói cách khác là do khủng hoảng thừa. Bởi vì trong 15 năm qua, chăn nuôi của cả nước đạt mức tăng trưởng cao. Riêng thịt các loại tăng hơn 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn.

Thứ hai, nguyên nhân tổ chức ngành hàng chưa tốt. Cụ thể, trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn chỉ chiếm 45%, còn 55% là quy mô hộ nhỏ lẻ. Khảo sát của ngành nông nghiệp, hiện cả nước có gần 3 triệu hộ chăn nuôi lợn dẫn đến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi. Hầu hết sản xuất nhỏ nên tách rời các khâu: nuôi, chế biến, phân phối… khi thị trường có sự cố rủi ro, thì người chăn nuôi là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Một thực trạng đáng suy ngẫm là, trong khi ngành chăn nuôi phát triển mạnh thì khâu chế biến sâu chỉ có ở các doanh nghiệp lớn, còn khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn theo cách truyền thống, chủ yếu vẫn là giết mổ bán tươi. Sản phẩm thịt lợn mới xuất đi một số thị trường với số lượng hạn chế. Mặt khác, sự liên kết của người chăn nuôi trong cả chuỗi không tốt.

Tại Thái Bình, theo thống kê của ngành Nông nghiệp, năm 2016 số lượng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt trên 1,04 triệu con. Riêng lợn thịt hơn 850.000 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt gần 2.400 tấn. Chủ trương của tỉnh Thái Bình là giữ vững ổn định quy mô đàn lợn từ 1 triệu đến 1,1 triệu con. Hiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Trước thực trạng giá lợn giảm sâu, ngành Nông nghiệp Thái Bình đã khuyến cáo giai đoạn hiện nay, người chăn nuôi không nên tái đàn vào thời điểm này. Ngoài ra, người dân nên sử dụng công nghệ, nguyên liệu thức ăn sẵn có, giảm các chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần xem xét, có giải pháp khoanh nợ giúp người chăn nuôi vượt qua “cơn bão” giảm giá hiện nay.

Còn trong Công văn hỏa tốc ngày 27/4/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương vào cuộc ổn định tình hình chăn nuôi lợn. Trong đó, cần tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi.

Bên cạnh giải pháp trước mắt là hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể; điều chỉnh giá bán phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi; tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi. Về lâu dài, ngành sẽ tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi; triển khai các giải pháp tổng thể nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương, xác định địa phương phải chủ động là chính kết hợp giải pháp liên kết trong vùng và liên vùng.

Giá lợn giảm sâu nhất trong vòng hàng chục năm trở lại đây, là thực tế buồn. Mà nguyên nhân chính, bắt nguồn từ “khủng hoảng thừa” dẫn đến giá lợn giảm rất mạnh nhưng vẫn khó bán.

"Chỉ tính riêng các cơ sở chế biến thịt lợn, đến nay Thái Bình mới có vài cơ sở chế biến lợn thịt và lợn sữa với công suất 1.000 tấn lợn thịt/năm và khoảng 4.000 tấn lợn sữa/năm. Bởi vậy, giải pháp lâu dài là xây dựng vững chắc các liên kết chuỗi trong chăn nuôi theo hướng phát triển sạch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường"


Việt Bảo 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày