Thứ 2, 20/05/2024, 13:11[GMT+7]

Vũ Thư tích tụ ruộng đất: Chính quyền quyết liệt - dân còn băn khoăn (Kỳ 1)

Thứ 5, 04/05/2017 | 09:40:57
1,723 lượt xem
Khi chủ trương tích tụ ruộng đất mới được triển khai, không ít nông dân huyện Vũ Thư còn băn khoăn, cân nhắc, thậm chí e dè. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của những mô hình sản xuất quy mô lớn trên địa bàn huyện đã và đang khẳng định tích tụ ruộng đất là hướng đi tất yếu cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Nông dân xã Việt Hùng tích tụ ruộng đất trồng hoa, cây màu cho hiệu quả kinh tế cao.

Kỳ 1: Hướng đi tất yếu

Trước đây, cánh đồng giáp sông Lang ở thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa (Vũ Thư) chỉ cấy hai vụ lúa, do hiệu quả kém, nhiều hộ bỏ ruộng hoang, hai dải đất bãi nằm liền kề cũng um tùm cỏ dại hoặc chứa rác thải sinh hoạt. Năm 2013, ông Vũ Khắc Bằng ở thôn Đại Đồng vận động bà con nông dân để thuê 8ha ruộng và đất bãi 5% của xã. Ông Bằng quy hoạch lại ruộng đất, đầu tư trồng ổi, đu đủ, chuối, bưởi và nuôi gà thả vườn. Đến nay, gia đình ông Bằng có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình cây, con tổng hợp, hiệu quả sản xuất cao gấp nhiều lần cấy lúa. Không chỉ gia đình ông Bằng có lợi, mà hộ cho thuê ruộng cũng thu về 400.000 đồng/sào/năm mà không cần đầu tư sản xuất, ngoài ra còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động nông thôn với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Bằng cho biết: Nhờ tích tụ được ruộng đất, quy mô sản xuất lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình ông áp dụng máy móc, kỹ thuật vào quá trình canh tác góp phần giảm chi phí đầu tư; đặc biệt có thể trồng các loại cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Những năm gần đây, Hòa Bình là một trong những xã có tình trạng nông dân bỏ hoang đất ruộng thuộc tốp đầu của huyện Vũ Thư. Vụ xuân năm 2017, nông dân bỏ hoang gần 20ha ruộng gây lãng phí đất đai, đồng thời là nguồn phát sinh sâu bệnh, chuột gây hại cho các diện tích canh tác khác. 

Ông Đoàn Mạnh Hà, Chủ nhiệm HTXNN cho biết: Hiện nay ruộng đất manh mún khiến nông dân khó khăn trong việc áp dụng máy móc, kỹ thuật, vẫn phải áp dụng nhiều khâu lao động thủ công, dẫn đến chi phí đầu tư lớn, hiệu quả sản xuất lúa chưa cao nên bà con không mặn mà với đồng ruộng. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình không thể sản xuất nông nghiệp do thiếu lao động. Điều này cho thấy tích tụ ruộng đất là một đòi hỏi tất yếu. Nếu tích tụ ruộng đất thành công, quy mô sản xuất lớn, nông dân hoặc doanh nghiệp có thể đưa máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư, đồng thời các cá nhân, tập thể có điều kiện về vốn, nhân lực… sẽ khai thác hiệu quả ruộng đất, tránh lãng phí như hiện nay. Thời điểm này, xã đang tập trung triển khai tích tụ vùng sản xuất quy mô trên 100ha dự kiến cho doanh nghiệp thuê, bước đầu, nông dân rất đồng thuận và ủng hộ.

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vũ Thư hiện có trên 11.000ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 8.000ha lúa, còn lại là đất bãi, chuyên màu. Thực tế cho thấy, đến tháng 1/2017, trừ 148 tổ chức, hộ gia đình đã thực hiện tích tụ ruộng đất với quy mô từ 1 - 12ha đạt tổng diện tích hơn 600ha, còn lại nông dân trên địa bàn huyện đều sản xuất với quy mô ruộng đất rất manh mún, nhỏ lẻ. Thực trạng này dẫn đến chi phí đầu tư sản xuất tăng cao, hiệu quả sản xuất thấp, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc, giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa không thực hiện được; khó khăn trong khâu quản lý, điều hành sản xuất; tiềm năng đất đai chưa được chú trọng đầu tư khai thác tối đa...

Tại Vũ Thư, khi chưa có chủ trương của tỉnh, huyện, nhiều mô hình tích tụ ruộng đất đã sớm manh nha, hình thành như: anh Trần Duy Quỳnh tích tụ 13,2ha đất bãi ở xã Vũ Vân làm trang trại tổng hợp từ năm 1995; anh Nguyễn Tiến Mạnh ở xã Tân Phong tích tụ 8,6ha đất bãi trồng cây màu hàng hóa từ năm 2014 - 2015; ông Vũ Khắc Bằng ở xã Tân Hòa tích tụ 5,8ha đất lúa kém hiệu quả trồng ổi, chuối từ năm 2014… Hầu hết các mô hình này đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nông dân trồng nhỏ lẻ, manh mún trước kia.

Thực tế sản xuất tại địa phương cho thấy tích tụ ruộng đất là hướng đi tất yếu, do đó huyện Vũ Thư đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đồng thuận thực hiện, mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả sản xuất từ đó nâng cao đời sống nông dân.


Ông Phạm Văn Mạnh, xã Vũ Vân (Vũ Thư)

Trước kia cánh đồng bãi của xã Vũ Vân thường ngập nước, bỏ hoang. Từ năm 2015, gia đình tôi tích tụ được 3ha đất bãi, đầu tư sản xuất nhiều cây trồng mới như ổi Đài Loan, cỏ voi, khoai lang Nhật, dự kiến sẽ trồng gừng, sạ đen, tôi tin sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Tôi cho rằng nếu không có tích tụ ruộng đất, cứ để manh mún như trước thì rất lãng phí nguồn tài nguyên đất nông nghiệp. Gia đình tôi rất mong muốn được mở rộng diện tích đất tích tụ và nhà nước có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích cá nhân, tổ chức tích tụ đất nông nghiệp.


Bà Nguyễn Thị Tỵ, thôn 4, xã Vũ Đoài (Vũ Thư)

Không riêng gia đình tôi, mà hiện nay hầu hết hộ nông dân chỉ còn lao động cao tuổi ở nhà sản xuất nông nghiệp, lao động trẻ chủ yếu làm ở doanh nghiệp. Cứ tình trạng này, chỉ ít năm nữa, chúng tôi không còn sức làm nữa thì nhiều gia đình sẽ bỏ ruộng. Tôi nghĩ tích tụ ruộng đất để cho cá nhân, tổ chức nào có điều kiện thuê, mượn ruộng sản xuất là rất hợp lý, vừa lợi ích cho họ vừa giúp nông dân chúng tôi giải bài toán thiếu lao động, bỏ ruộng hoang.


(còn nữa)

Quỳnh Lưu
 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày