Thứ 7, 23/11/2024, 01:55[GMT+7]

Quỳnh Hải xót lòng phá bỏ cây màu làm phân

Thứ 2, 29/05/2017 | 09:13:24
1,876 lượt xem
Cắt bỏ cây trồng ủ thành phân, phun thuốc trừ cỏ để dọn ruộng, đó là thực tế đang diễn ra ở vùng chuyên canh rau màu xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) khi giá một số nông sản liên tục giảm, không có thương lái thu mua.

Giá nông sản thấp khiến nhiều nông dân thất thu.

Là một trong những vùng chuyên canh lớn của tỉnh với diện tích trên 100ha, vùng chuyên canh rau màu xã Quỳnh Hải mang lại thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Cánh đồng trải mướt một màu xanh, những ngôi nhà kiên cố cao tầng dựng lên ngày càng nhiều tô điểm cho sự trù phú của một xã nông thôn mới. Nông dân Quỳnh Hải xen canh, tăng vụ, hệ số quay vòng tới 7 - 8 vụ/năm. Đặc biệt, việc trồng các loại rau màu trái vụ giúp nâng cao giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, cũng bởi sản xuất tự do, lựa chọn cây trồng theo kinh nghiệm sản xuất nên chuyện “được mùa, rớt giá” không phải hiếm gặp với mỗi nông dân Quỳnh Hải. Từ đầu năm đến nay, giá một số mặt hàng nông sản liên tục giảm giá, thậm chí rớt tận đáy khiến nhiều nông dân thất thu.

Canh tác hơn 1 mẫu ruộng trên vùng chuyên màu, gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, thôn An Phú 1 trồng hành lá và bí xanh. Tuy nhiên, từ 2 ngày qua, vợ chồng anh phải cắt bỏ gần 3 tấn hành lá đang đến kỳ thu hoạch bởi giá thu mua quá thấp. 

“Hiện tại, thương lái đang thu mua hành lá với giá 1.000 đồng/kg. Hai vợ chồng tôi mỗi buổi cũng chỉ thu hoạch được khoảng 2 tạ hành, tính ra được 200.000 đồng/ngày, tôi chọn phá bỏ để ủ lấy phân chăm bón cho lứa rau sau rồi đi làm thuê tăng thu nhập còn cao hơn”, anh Dũng chia sẻ. 

Hành lá là một trong những cây trồng truyền thống của Quỳnh Hải, thời gian trồng ngắn, đầu tư chi phí thấp lại dễ xen canh các cây trồng khác nên hành lá được đa số các nông dân ở đây trồng. 

Ông Phạm Văn Liễn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Quỳnh Hải cho biết: Vụ xuân này, toàn xã gieo trồng khoảng 40ha hành lá. Nếu như mọi năm, giá hành dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, cao nhất lên đến 15.000 đồng/kg thì từ nhiều ngày nay, giá thu mua được các thương lái đưa ra chỉ 1.000 đồng/kg, thấp nhất từ trước đến nay. Mỗi sào hành cho thu hoạch từ 7 tạ đến 1 tấn, chi phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng, với giá bán hiện nay, người nông dân không những không có thu mà còn phải bù lỗ cho 3 tháng sản xuất, chưa kể công chăm sóc. Nhiều nông dân cắt bỏ hành, ủ thành đống làm phân, thậm chí có hộ còn phun thuốc trừ cỏ để bớt công dọn ruộng.

Giá nông sản thấp khiến nhiều nông dân thất thu.

Cùng chung cảnh ngộ như hành lá, cần tây từ nhiều ngày nay giá cũng xuống thấp, chỉ từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, trong khi tính ra, giá phải từ 15.000 đồng/kg trở lên thì người trồng cần trái vụ mới có lãi. Mỗi hec-ta, người dân đầu tư từ 60 - 70 triệu đồng dựng vòm sắt, che lưới đen, nilon để tránh tác động môi trường bên ngoài nhờ đó cần tây được nông dân Quỳnh Hải canh tác quanh năm. Những năm trước đây, cần tây trái vụ dễ bán, giá cao từ 20.000 - 50.000 đồng/kg thì năm nay, giá xuống thấp kỷ lục khiến nhiều nông dân đứng ngồi không yên. Tuy chỉ có trên 5ha nhưng ớt cũng là một trong những cây gia vị không thể hô hào “giải cứu” trong khi giá thu mua đang giảm dần từng ngày, hiện chỉ còn 9.000 - 10.000 đồng/kg, nhiều thương lái dè dặt không thu mua vì khó xuất sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài diện tích gần 20ha trồng dưa chuột có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phẩn Xuất nhập khẩu nông sản Hải Dương, còn lại các loại nông sản của vùng đều được bán tự do. Các thương lái là người địa phương tổ chức thu mua, phân phối đi các tỉnh lân cận hoặc xuất sang thị trường Trung Quốc. Giá cả bấp bênh, người nhổ bỏ cứ nhổ, người trồng cứ trồng, bởi theo nông dân ở đây, nay giá thấp nhưng biết đâu mai lại tăng cao. Canh tác nông nghiệp theo kiểu “trông trời, trông đất” và “trông thương lái” mang lại nhiều bài học sâu sắc và đắt giá nhưng việc tìm giải pháp vẫn còn là vấn đề khó khăn cần sớm có lời giải từ chính quyền, nhà quản lý và từ chính những người nông dân.


Ông Phạm Văn Liễn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Quỳnh Hải


Thời gian qua, tỉnh, huyện đã có nhiều hỗ trợ cho nông dân Quỳnh Hải trong sản xuất chuyên canh rau màu. Tuy nhiên, để sản xuất thực sự bền vững, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, đặc biệt là chuyển giao những khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất rau an toàn và giải quyết được khâu thu mua, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm đầu tư canh tác.

Ông Nguyễn Văn Đoan, chủ cơ sở thu mua ớt xã Quỳnh Hải

 Gia đình tôi thu mua ớt của các tỉnh phía Bắc để xuất sang Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua từ 8 - 10 tấn, cao điểm lên đến 30 tấn. Giá ớt thường xuyên dao động vì vậy giá chúng tôi thu mua với nông dân cũng thay đổi từng ngày. Thời điểm hiện tại, giá ớt giảm thấp, nhiều thương lái ngừng không thu mua, tuy nhiên, để san sẻ khó khăn cho nông dân, tôi vẫn cố gắng thu mua để người dân duy trì sản xuất.

Ông Đào Văn Kỷ, thôn An Phú 2, xã Quỳnh Hải

 Gia đình tôi trồng gần 5 sào hành, đến nay đã cân bán được trên 1 tấn. Với giá thu mua 1.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân chúng tôi làm không công 3 tháng nay. Tuy nhiên, thương lái thu mua cho là mừng vì không thể mang bán lẻ. Hai vợ chồng tôi thu nhập chính từ đồng ruộng nên dù rẻ cũng cố thu hoạch mang cân cho thương lái, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.


Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày