Thứ 5, 26/12/2024, 18:59[GMT+7]

Kiểm tra, kiểm soát mặt hàng vật tư nông nghiệp còn nhiều khó khăn

Thứ 2, 12/06/2017 | 09:21:20
1,666 lượt xem
Vật tư nông nghiệp (VTNN) là hàng hóa ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) (Sở Công Thương), có rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực này, nhất là trong tình hình thị trường VTNN phong phú, nhiều mẫu mã, chủng loại như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Nghiên, Chi cục phó Chi cục QLTT cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT đã kiểm tra 284 lượt, xử lý 97 vụ vi phạm về lĩnh vực VTNN với tổng số tiền xử phạt 117 triệu đồng, trong đó kiểm tra 58 lượt, xử lý 21 vụ ở lĩnh vực thuốc thú y, kiểm tra 97 lượt, xử lý 34 vụ lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kiểm tra 43 lượt, xử lý 6 vụ vi phạm lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và kiểm tra 86 lượt, xử lý 36 vụ ở lĩnh vực phân bón. Đa số các hành vi vi phạm là kinh doanh không có biển hiệu, niêm yết giá, không có kệ kê phân bón và kinh doanh thuốc BVTV chung với hàng hóa khác. Người bán hàng không bảo đảm yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, không cung cấp hóa đơn, chứng từ cho khách hàng. Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh thuốc BVTV quá hạn sử dụng… Điển hình gần đây nhất là đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, phát hiện Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Sông Hồng sản xuất 3 loại phân bón nhưng không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng nên đã xử phạt 10 triệu đồng.


Theo ông Nghiên, mặc dù thời gian qua đã thành lập các đoàn kiểm tra theo chuyên đề về VTNN song thời gian hoạt động ngắn, còn có sự chồng chéo giữa các đoàn nên hiệu quả chưa cao. Đặc biệt để phát hiện chất lượng các sản phẩm hàng hóa VTNN có sử dụng chất cấm, dư lượng thuốc BVTV, thuốc kháng sinh, hàng giả, hàng kém chất lượng cần phải lấy mẫu để giám định nhưng kinh phí phục vụ cho công tác điều tra, trinh sát, xác minh, kiểm tra, xử lý và kinh phí lấy mẫu giám định, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa không có đã ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Một số đội QLTT kiểm tra về chuyên đề này còn hạn chế về số lượt kiểm tra, số vụ xử lý còn ít so với số cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh còn vi phạm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa không có trong danh mục, kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ theo quy định. Đối với doanh nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm bị phát hiện lại không hợp tác, không chấp hành các yêu cầu của các lực lượng chức năng. Điều quan trọng hơn là bản thân người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi của mình khi mua sản phẩm hàng hóa, còn dễ dãi trong lựa chọn. Khi mua phải hàng giả, kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng không tố giác, khiếu kiện tới các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.

Để thực hiện tốt công tác quản lý thị trường về lĩnh vực VTNN, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh và các sở, ngành, chính quyền các địa phương cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch và duy trì thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, chính quyền các xã, phường, thị trấn cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng VTNN, kiên quyết đình chỉ những cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, UBND tỉnh cần xem xét, cấp bổ sung kinh phí hàng năm phục vụ cho việc lấy mẫu giám định, kiểm nghiệm các sản phẩm hàng hóa cũng như công tác điều tra, trinh sát, bảo đảm đạt hiệu quả.


Thu Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày