Thứ 6, 22/11/2024, 23:09[GMT+7]

Đông Minh nuôi ngao theo hướng bền vững

Thứ 5, 22/06/2017 | 08:44:12
1,679 lượt xem
Những năm qua, Đông Minh (Tiền Hải) đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực phát triển nuôi ngao theo hướng bền vững tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế cho nhân dân địa phương.

Vùng nuôi ngao ở Đông Minh.

Ông Vũ Trung Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đông Minh được thiên nhiên ưu đãi cho vùng bãi triều rộng, điều kiện tự nhiên khá tốt để nuôi ngao. Nuôi ngao là nghề truyền thống từ lâu ở Đông Minh, vào những năm 2009 - 2011 có thể xem là một nghề “siêu lợi nhuận”, giá ngao thời điểm đó lên đến 22.000 - 24.000 đồng/kg. Cuộc sống của người dân nơi đây đổi thay rõ rệt, nhiều hộ đã giàu lên có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện sinh hoạt đắt tiền cũng từ nguồn lợi nuôi ngao. 

Hiện nay, nuôi ngao ở Đông Minh không còn mang lại “siêu lợi nhuận” như các năm trước nhưng vẫn là đối tượng mang lại giá trị kinh tế ổn định trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Để duy trì sản xuất, nhân dân địa phương đã đầu tư kinh phí phát triển vùng nuôi ngao tập trung theo quy hoạch của xã. Diện tích nuôi ngao của xã đạt khoảng 390ha với hơn 400 hộ nuôi, trong đó ngao thương phẩm chiếm khoảng 70%, ngao giống 30%. Giá trị kinh tế của ngao hàng năm chiếm khoảng 58% giá trị sản xuất trong nông nghiệp của xã. 

Năm 2016, nuôi ngao mang lại lợi nhuận cho nông dân Đông Minh khoảng 90 tỷ đồng. Để nuôi ngao phát triển theo hướng bền vững, chính quyền xã đã quy hoạch vùng nuôi ngao thương phẩm và ngao giống bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đề ra. Việc các bãi triều được quy hoạch giảm thiểu các hộ dân tự phát, tranh chấp diện tích, vùng nuôi của các thôn được phân bổ hợp lý. 

Hàng năm xã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức 3 - 4 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về nuôi ngao giống, ngao thương phẩm, qua đó giúp bà con nắm bắt kỹ thuật xử lý triệt để các nguồn bệnh, mật độ nuôi thả… Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, tăng cường vai trò của các đoàn thể trong việc tín chấp với các ngân hàng tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho các hội viên của mình. Tuyên truyền để nhân dân phân bổ thời gian thu hoạch ngao, bảo đảm cung ứng đầu ra ổn định, tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Thường xuyên khuyến cáo các hộ nuôi tuân thủ các biện pháp kỹ thuật và quy trình nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an ninh vùng bãi triều. 

Mặc dù đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay vẫn là thị trường tiêu thụ ngao bởi trước đây thị trường tiêu thụ xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc chiếm khoảng 65% nhưng hiện nay việc xuất qua đường tiểu ngạch đã hạn chế. Để có thị trường tiêu thụ ổn định không chỉ có chính quyền địa phương vào cuộc mà cần sự phối hợp các ngành liên quan trong việc xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân. Khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch, mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU. 

Bên cạnh những khó khăn về thị trường tiêu thụ thì môi trường cũng là yếu tố làm các hộ dân gặp khó khăn. Năm 2014, các hộ dân ở Đông Minh lao đao vì những vùng nuôi ngao thương phẩm sắp đến thời kỳ thu hoạch bỗng chết hàng loạt. Mỗi héc-ta nuôi ngao bà con nông dân phải đầu tư chi phí 100 triệu đồng đã bị mất trắng. Nguyên nhân do mưa lớn liên tục nhiều ngày gây thay đổi độ mặn môi trường nước làm cho ngao chết hàng loạt. Thiệt hại về kinh tế toàn xã khoảng 100 tỷ đồng. 

Là một trong những hộ có diện tích ngao bị chết năm 2014, ông Trần Văn Đam, thôn Thanh Lâm cho biết: Mặc dù nuôi ngao phụ thuộc nhiều vào thời tiết, môi trường, nếu xảy ra thiệt hại là rất lớn, tuy nhiên hiện nay ngao vẫn là đối tượng nuôi chủ lực của các hộ dân xã Đông Minh. Để nuôi ngao phát triển bền vững mong các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn quan tâm hơn nữa về tập huấn kỹ thuật nuôi trồng cho các hộ dân; hỗ trợ tìm đầu ra ổn định để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất của nông dân…

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày