Thứ 6, 22/11/2024, 16:11[GMT+7]

Được mùa - nhờ giống (Kỳ 2)

Thứ 2, 03/07/2017 | 08:44:01
1,711 lượt xem
Quá trình xây dựng và trưởng thành, ThaiBinh Seed đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên trụ cột chính là khoa học công nghệ (KHCN). Đây chính là nền tảng giúp Công ty trở thành địa chỉ hàng đầu về cung cấp giống cây trồng chất lượng cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh thăm mô hình giống lúa mới của ThaiBinh Seed.

Kỳ 2: Khoa học công nghệ - trụ cột phát triển

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed chia sẻ: Chủ trương của ThaiBinh Seed là đem lại lợi ích lớn nhất cho người nông dân. Vì vậy, thời gian qua, Công ty đã tập trung đầu tư nghiên cứu, chọn tạo ra các giống lúa có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn ở vụ xuân và bạc lá ở vụ mùa để bổ sung vào cơ cấu giống trong sản xuất nông nghiệp.

Được biết, năm 2001, ThaiBinh Seed đã xây dựng chiến lược phát triển mà một trong ba trụ cột chính là ứng dụng KHCN. Đây là nền tảng, tiền đề để tiếp thu công nghệ, hợp tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực. Ðây cũng được coi là hướng mũi nhọn của ThaiBinh Seed với kinh phí đầu tư mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Năm 2002, Công ty thành lập Phòng nghiên cứu phát triển, năm 2007 thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới là nơi vừa nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm giống mới, xây dựng quy trình canh tác vừa là nơi trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.

Ðến nay, ThaiBinh Seed đã áp dụng hai hệ thống quản lý tiêu chuẩn ISO và hệ thống quản lý tổng hợp chất lượng toàn diện (TQM) của Nhật Bản. Hiện Công ty đã chủ trì và tham gia thực hiện hàng chục đề tài, dự án KHCN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và doanh nghiệp.

Phòng thử nghiệm quốc gia mã số Vilas 110.

Xác định chất lượng sản phẩm là linh hồn của doanh nghiệp, ThaiBinh Seed luôn chú trọng sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất, được đánh giá cao trên thị trường và là doanh nghiệp đầu tiên trong hệ thống doanh nghiệp giống cây trồng Việt Nam có phòng thử nghiệm quốc gia mã số VILAS110.

Ðể nhanh chóng tiếp thu tiến bộ KHCN mới, Công ty đã đồng thời tiến hành đổi mới nguồn nhân lực và thiết lập mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, nhất là việc liên kết hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học của Trung Quốc.

Hiện nay, ThaiBinh Seed đã hoàn thành tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực với 45% người lao động có trình độ đại học và trên đại học, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác để có cơ hội tiếp cận nguồn gen và giống mới của các nước trong khu vực và các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của cả nước, kết hợp với đào tạo cán bộ.

ThaiBinh Seed còn là thành viên Hiệp hội Giống châu Á - Thái Bình Dương (APSA) và có quan hệ với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất giống, năm 2014 ThaiBinh Seed đã đầu tư nhà máy chế biến gạo công suất 40.000 tấn/năm. Tiếp đó, năm 2015 Công ty đã khánh thành nhà máy chế biến hạt giống thứ hai với công suất 20.000 tấn/năm, đưa công suất chế biến lên 30.000 tấn giống/năm.

 Nhà máy sản xuất gạo của ThaiBinh Seed.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ThaiBinh Seed là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam xây dựng thương hiệu và mua bản quyền giống lúa thuần, đồng thời chủ động xây dựng thương hiệu và đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam.

Từ năm 2012, ThaiBinh Seed được công nhận là doanh nghiệp KHCN. Ứng dụng KHCN và đổi mới công tác quản lý trong thời gian qua đã giúp ThaiBinh Seed có tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, vươn lên trở thành một trong những công ty giống cây trồng hàng đầu Việt Nam, có tầm ảnh hưởng trên thị trường cả nước và uy tín đối với thị trường khu vực.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, ThaiBinh Seed vẫn tiếp tục coi KHCN là nền tảng của sự phát triển, là điểm tựa trụ cột và đột phá của Công ty trong thời kỳ hội nhập.



Bà Nguyễn Thị Nga, cán bộ Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới của ThaiBinh Seed

Vùng nghiên cứu, khảo nghiệm của ThaiBinh Seed được tổ chức quy mô, khoa học. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu ở đây luôn được quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc. Chúng tôi xác định phải làm sao chọn lựa, lai tạo được giống lúa tốt nhất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và từng vụ đưa đến với người nông dân. Do đó, chúng tôi không chỉ tiến hành khảo nghiệm về kỹ thuật thâm canh mà còn đồng thời xây dựng các mô hình khảo nghiệm về thời vụ, góp phần giúp đánh giá và lựa chọn được thời vụ phù hợp nhất cho từng giống lúa và từng vùng.


Ông Phạm Văn Sỹ, thôn Tô Hồ, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ

Tham gia liên kết sản xuất lúa giống với ThaiBinh Seed từ nhiều năm nay, nông dân chúng tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn do Công ty tổ chức. Tại các buổi tọa đàm giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân, chúng tôi được nghe các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn chi tiết quy trình chăm sóc với từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Các kiến thức về quy trình giám sát sự sinh trưởng của cây lúa được chúng tôi áp dụng vào thực tiễn thành công, từ đó sản lượng lúa qua từng vụ tăng trưởng rõ rệt.



Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải

Trung bình mỗi năm huyện Tiền Hải gieo cấy khoảng 70% diện tích bằng các giống lúa do ThaiBinh Seed sản xuất, trong đó chủ lực là các giống BC15, TBR 225, Bắc thơm số 7. Chúng tôi đánh giá rất cao các giống lúa do ThaiBinh Seed nghiên cứu, chọn tạo. Không chỉ đáp ứng về năng suất, chất lượng, các giống lúa của ThaiBinh Seed còn có khả năng chịu mặn, chịu chua, chịu úng, chịu hạn. Đặc biệt, ThaiBinh Seed luôn đổi mới và nâng cao chất lượng giống, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.


(còn nữa)

Mai Thư - Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày