Thứ 3, 21/05/2024, 00:50[GMT+7]

Khi nông dân cùng vào cuộc

Thứ 4, 16/08/2017 | 08:51:48
1,178 lượt xem
Từ ngày 12 - 15/8, nông dân toàn tỉnh đã tập trung ra đồng phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa. Phóng viên Báo Thái Bình ghi nhận về chiến dịch này diễn ra ở các địa phương.

Nông dân huyện Hưng Hà phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa.

* Do thời tiết diễn biến phức tạp, tạo điều kiện cho sâu bệnh hại lúa phát triển với mật độ được dự báo khá cao. Vì vậy, những ngày qua, nông dân huyện Hưng Hà đã tích cực chăm sóc, phun thuốc phòng, trừ, tăng cường bảo vệ lúa mùa.  

Bà Trần Thị Tuyến, quyền Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Dự kiến đến ngày 31/8/2017 toàn huyện sẽ có khoảng 800ha lúa mùa trỗ bông; sau ngày 15/9/2017, toàn bộ diện tích lúa mùa của huyện cơ bản trỗ xong. Do thời tiết bất thuận nên hiện nay trên đồng ruộng đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 với mật độ cao hơn vụ mùa năm 2016. Các xã có mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao là Thống Nhất, Tây Đô, Tân Lễ…

Cũng theo dự báo của ngành chuyên môn, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 nở rộ nhất trên đồng ruộng từ ngày 2 - 9/8; sâu non nở rộ từ ngày 10 - 16/8. Ngoài ra, xung quanh ngày 25/8 sẽ có đợt sâu non cuốn lá nhỏ nở rộ gây hại cho một số vùng lúa gieo sạ, lúa cấy muộn trỗ bông sau ngày 10/9. Cùng với sâu cuốn lá nhỏ, hiện nay sâu đục thân hai chấm lứa 3 phân bố diện rộng hơn vụ mùa năm 2016. 

Một số địa phương có mật độ sâu đục thân hai chấm cao hơn vụ mùa năm 2016 là Văn Lang, Tân Tiến, Duyên Hải, Thống Nhất… Sâu non đục thân hai chấm được dự báo nở rộ từ ngày 6 - 19/8. Cùng với các loại sâu bệnh trên, tình trạng rầy đã xuất hiện trên đồng ruộng từ cuối tháng 7 với mật độ trung bình 500 - 800 con/m2, nơi cao 1.500 - 2.000 con/m2, cá biệt có nơi 4.000 - 5.000 con/m2. Tổng diện tích lúa mùa bị nhiễm rầy khoảng 1.000ha, chủ yếu là rầy lưng trắng. Các bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn cổ bông cũng đã xuất hiện và được dự báo phát sinh gây hại cho giống nhiễm vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9.

Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện Hưng Hà đã cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên đi kiểm tra công tác phòng, trừ sâu bệnh tại các địa phương. Qua kiểm tra, hiện nay diện tích lúa mùa tại xã Hồng An và một số địa phương khác trong huyện đã bắt đầu xuất hiện bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa. 

Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền; yêu cầu chính quyền, HTX và nông dân các địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. HTX đôn đốc, hướng dẫn nông dân tập trung phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân hai chấm cùng một số loại sâu bệnh khác từ ngày 12 - 15/8. Riêng sâu đục thân hai chấm, diện tích phòng, trừ khoảng 3.000ha, chủ yếu ở diện tích lúa trà sớm và đầu đại trà, diện tích nơi có nguồn sâu bệnh cao. Ngành Nông nghiệp huyện cũng phối hợp với các HTX hướng dẫn nông dân phải giữ nước nông trên đồng ruộng từ 2 - 3cm để tăng hiệu quả việc phòng, trừ sâu bệnh và giúp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, trong hai ngày 12 - 13/8, nông dân trong huyện đã phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại cho 10.500ha lúa mùa.

Lãnh đạo xã Nguyên Xá (Đông Hưng) thăm đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa mùa.

* Hiện nay, trên đồng ruộng của huyện Đông Hưng, lúa mùa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, cuối đẻ nhánh, dự kiến lúa trỗ tập trung từ ngày 5 - 15/9. Tuy nhiên, hiện tại một số đối tượng sâu bệnh đang phát sinh gây hại làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Trên diện tích lúa mùa, sâu cuốn lá nhỏ nở rộ từ ngày 2 - 8/8, sâu non nở rộ từ ngày 10 - 16/8 gây hại cho bộ lá đòng và lá công năng; mật độ sâu non trung bình từ 60 - 100 con/m2, cá biệt có nơi 400 - 500 con/m2; sâu đục thân hai chấm có 2 cao điểm gây hại lúa từ ngày 7 - 15/8 và từ 20/8 đến đầu tháng 9. Toàn huyện có khoảng 3.000ha lúa bị nhiễm rầy các loại, chủ yếu là rầy lưng trắng (chiếm gần 26% tổng diện tích gieo cấy) với mật độ trung bình từ 200 - 300 con/m2, cá biệt có nơi 2.000 - 4.000 con/m2; cá biệt, ở một số diện tích của xã Đông Xá đã xuất hiện bệnh lùn sọc đen. 

Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện đang là thời kỳ lúa mẫn cảm với các loại sâu bệnh hại, trong khi thời tiết đang diễn biến phức tạp là điều kiện cho các loại sâu bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến năng suất lúa cuối vụ nếu không có các biện pháp chủ động phòng, trừ. Vì vậy, Đông Hưng phát động chiến dịch phun trừ sâu cuốn lá nhỏ cho 100% diện tích lúa mùa; kết hợp phòng, trừ sâu đục thân hai chấm với sâu cuốn lá nhỏ cho những diện tích lúa trỗ trước ngày 5/9 và phun phòng, trừ cho các diện tích bị rầy và các loại sâu bệnh khác, thời gian từ ngày 11 - 14/8.

Để chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh đạt hiệu quả, huyện chỉ đạo các địa phương phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng, trừ đúng đối tượng, đúng thời gian. Các HTX DVNN phải chủ động nguồn thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng phục vụ bà con nông dân, điều tiết nguồn nước hợp lý trong quá trình phun thuốc để đạt hiệu quả cao nhất. Đối với một số diện tích bị lùn sọc đen của xã Đông Xá, huyện đã chỉ đạo nông dân tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy, đồng thời phun thuốc phòng, trừ rầy để ngăn chặn kịp thời tránh lây truyền vi rút lùn sọc đen ra diện rộng.

Bà Trần Thị Thương, thôn Phạm, xã Phú Châu cho biết: Vụ này, gia đình tôi cấy 1 mẫu, 80% là giống BC15, hầu hết diện tích này bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu. Tôi đã mua thuốc bảo vệ thực vật của HTX DVNN phun trừ toàn bộ diện tích và rất yên tâm về chất lượng. Trên cánh đồng xã Nguyên Xá, nhiều nông dân cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi phun trừ sâu bệnh cho diện tích lúa của gia đình trong khung thời gian tốt nhất theo nguyên tắc “4 đúng”. 

Ông Phan Thanh Dư, thôn Trần Phú, xã Nguyên Xá cho biết: Để bảo vệ lúa mùa, ngay ngày đầu tiên của chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh, tôi đã chủ động mua đúng thuốc, pha đúng liều lượng và phun đúng cách theo đúng khuyến cáo của ngành chức năng.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc cấy máy, cấy hàng rộng, hàng hẹp không chỉ giúp giảm chi phí, giảm giống, giảm công lao động mà còn giảm được cả sâu bệnh, năng suất cao hơn cấy truyền thống. Do vậy, những năm qua, các địa phương trên địa bàn huyện Đông Hưng đã khuyến khích nông dân tích cực mở rộng diện tích cấy hàng rộng, hàng hẹp và cấy máy. 

Ông Nguyễn Trọng Tài, Giám đốc HTX DVNN xã Nguyên Xá khẳng định: Vụ mùa này toàn xã gieo cấy 278ha, trong đó trên 70ha cấy bằng máy. So với cấy truyền thống thì cấy bằng máy hàng thưa, cây lúa phát triển, sinh trưởng, quang hợp tốt hơn, hạn chế được sâu bệnh. Từ ngày 11/8, HTX đã phát động chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh cho 100% diện tích lúa mùa. Trước chiến dịch, HTX đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc phục vụ bà con nông dân, đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên ra đồng thăm lúa, giữ đủ nước cho lúa, sau khi phun thuốc nếu sau 2 giờ gặp mưa phải phun lại, liều lượng đúng như lần phun đầu.

Để góp phần bảo vệ năng suất, sản lượng lúa, UBND huyện Đông Hưng đã có công văn yêu cầu Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại, xác định những diện tích cần phòng, trừ khi mật độ, tỷ lệ đến ngưỡng và thực hiện phòng, trừ theo nguyên tắc “4 đúng”.

HTX SXKD DVNN xã Trà Giang (Kiến Xương) cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân.

* Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về  phòng, trừ sâu bệnh gây hại trên lúa mùa, từ ngày 12/8, huyện Kiến Xương phát động nông dân các địa phương tập trung ra đồng khẩn trương phun thuốc phòng, trừ các đối tượng sâu bệnh cho toàn bộ diện tích lúa mùa.

Do lo bị sâu cuốn lá, rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen gây hại cho 7 sào lúa mùa đang vào thời kỳ đứng cái làm đòng, bà Phạm Thị Thơm, thôn Hòa Bình, xã Vũ Ninh mua thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của HTX SXKD DVNN xã và thuê người phun trừ cho toàn bộ diện tích. 

Bà Thơm cho biết: Sau khi nghe thông báo trên Đài Truyền thanh xã và qua kiểm tra thực tế tại ruộng, lúa của gia đình bị sâu cuốn lá nhỏ, rầy cám lưng trắng cũng bám rất nhiều dưới gốc lúa, một số nhánh lúa bị lùn lụi nên gia đình dùng thuốc đặc hiệu phun trừ ngay. Dù tốn kém tiền thuốc và công thuê nhưng nếu không phun trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa cuối vụ và có khi còn mất trắng.

Không riêng gia đình bà Thơm, những ngày này, nông dân các địa phương ở Kiến Xương huy động nhân lực tập trung phun trừ sâu bệnh cho lúa mùa. Vũ Thắng là xã có mật độ sâu bệnh gây hại lúa mùa lớn nhất huyện. 

Ông Hoàng Văn Thâu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Toàn xã có 275ha lúa mùa, qua kiểm tra của cán bộ bảo vệ thực vật xã và huyện, mật độ sâu cuốn lá nhỏ trung bình từ 100 - 200 con/m2, cá biệt có diện tích mật độ sâu lên tới 700 con/m2; rầy các loại có mật độ hơn 800 con/m2, ngoài ra, một số đối tượng sâu bệnh khác cũng xuất hiện gây hại cho lúa mùa như sâu đục thân hai chấm, lùn sọc đen, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và khô vằn. HTX đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; đồng thời, chỉ đạo lực lượng nông giang điều tiết nước hợp lý giúp nông dân phòng, trừ sâu bệnh đợt này hiệu quả.

Trước thông tin những ngày tới Bắc Bộ khả năng có mưa to kéo dài, các địa phương ở Kiến Xương đôn đốc nông dân khẩn trương phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh khi thời tiết thuận lợi nhằm tránh bị nước mưa rửa trôi thuốc. 

Ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện dừng các cuộc họp chưa thực sự cấp thiết, phân công cán bộ xuống cơ sở quyết liệt chỉ đạo nông dân phòng, trừ sâu bệnh để bảo vệ lúa mùa. UBND huyện khuyến cáo nông dân tập trung phòng, trừ 3 đối tượng sâu bệnh chính trong đợt này gồm: sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại và sâu đục thân hai chấm để giảm bớt chi phí của bà con. Để bà con nông dân không sử dụng phải thuốc giả, kém chất lượng, thuốc không đúng chủng loại, đội liên ngành huyện Kiến Xương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, các HTX tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn và làm tốt công tác dịch vụ cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân.

Hiện nay, nhiều HTX SXKD DVNN của huyện Kiến Xương tổ chức điểm bán thuốc bảo vệ thực vật cho xã viên ngay tại các thôn. 

Ông Trần Sỹ Lực, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Nguyên cho biết: HTX đã tổ chức 4 điểm dịch vụ cung ứng thuốc bảo vệ thực vật tại các thôn; đồng thời, phân công cán bộ xuống các điểm bán thuốc để tuyên truyền và hướng dẫn, tư vấn cho nông dân về kỹ thuật phòng, trừ từng loại sâu bệnh. Chỉ trong 3 ngày thực hiện chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa, cơ bản 384ha lúa mùa của Bình Nguyên đã được xử lý sâu bệnh.

Song song với phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, thời gian này, các xã, thị trấn ở Kiến Xương cũng chỉ đạo nông dân diệt chuột, ốc bươu vàng; nhổ bỏ, tiêu hủy các khóm lúa có triệu chứng bị bệnh lùn sọc đen để tránh bệnh lây lan ra diện rộng; xử lý một số diện tích lúa bị nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ; khuyến cáo nông dân tuyệt đối không bón đạm đơn, sử dụng các loại phân bón qua lá, chất kích thích sinh trưởng cho lúa trong giai đoạn này. 

Kết thúc chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh, các địa phương phối hợp với cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả công tác phòng, trừ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh để chỉ đạo nông dân xử lý kịp thời.


Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà)

 345ha lúa mùa của xã hiện đang ở trong giai đoạn đứng cái, làm đòng. Do thời tiết bất lợi, diễn biến sâu bệnh phức tạp, dự báo thời điểm sâu non cuốn lá nhỏ nở rộ sẽ có mật độ 40 - 60 con/m2. Cùng với đó là sâu đục thân cũng sẽ gây hại cho lúa trỗ sớm. Ngoài ra còn xuất hiện bệnh đốm sọc vi khuẩn, mật độ rầy phát triển từ 200 - 500 con/m2. HTX đã tập trung mở chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá và sâu đục thân trên 100% diện tích. Những diện tích có mật độ rầy cao chúng tôi sẽ kiểm tra và khuyến cáo bà con nông dân phun phòng, trừ kết hợp trong đợt này.


Ông Nghiêm Quang Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hiệp (Hưng Hà)

Nhìn chung lúa mùa của Liên Hiệp phát triển tốt và đang ở cuối thời kỳ đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng. Thực hiện chỉ đạo của huyện, xã đã triển khai kế hoạch về các thôn làng và tập trung ra quân phòng, trừ sâu bệnh 100% diện tích. Hiện lúa bị nhiễm rầy với mật độ khá cao. Ngoài ra còn có sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm. Bên cạnh phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, địa phương còn khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh phát sinh.


 Ông Nguyễn Đức Kim, xã Thống Nhất (Hưng Hà)

Gia đình gieo cấy 6 sào lúa mùa. Do mưa nhiều xen kẽ nắng gắt nên tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát triển. Do đó, từ đầu vụ đến nay, gia đình đã phun thuốc hai lần để phòng, trừ bệnh đốm sọc vi khuẩn cho lúa. Theo hướng dẫn của HTX, gia đình đã mua thuốc tại HTX phun phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân hai chấm ngay từ ngày 12/8, đồng thời thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm bảo vệ lúa phát triển tốt.


Nhóm phóng viên 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày