Thứ 5, 04/07/2024, 06:33[GMT+7]

Quyết định xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực Cầu Nghìn là đúng pháp luật, phù hợp với thực tế

Thứ 3, 22/08/2017 | 16:45:16
2,410 lượt xem
Ngày 26/12/2016, UBND tỉnh Thái Bình ra Quyết định số 3942/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực Cầu Nghìn (thị trấn An Bài, Quỳnh Phụ). Quyết định ban hành nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm hành lang thoát lũ sông Hóa và hành lang an toàn giao thông cầu QL10 khu vực Cầu Nghìn. Đến nay, hầu hết các chủ lò lò vôi nghiêm chỉnh chấp hành, tuy nhiên một số chủ lò vôi vẫn nại lý do không tự giác thu dỡ.

Hầu hết các chủ lò lò vôi khu vực Cầu Nghìn đã tự giác tháo dỡ lò.

Theo nội dung đơn khiếu nại của 6 hộ dân đang sản xuất vôi tại khu vực Cầu Nghìn gửi đến các cơ quan chức năng thì Quyết định số 3942/QĐ- UBND của UBND tỉnh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các công dân. Các hộ dân đã có hợp đồng ủy quyền cho Văn phòng Luật sư Trường Phúc (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) làm đại diện và đưa ra yêu cầu kéo dài lộ trình xóa bỏ lò vôi tại khu vực Cầu Nghìn đến ngày 31/12/2019 và xem xét mức độ bồi thường, hỗ trợ cho các hộ xóa bỏ lò vôi theo từng lộ trình.

 

Một số hộ dân khiếu nại quyết định 3942/QĐ- UBND trong buổi đối thoại tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh

Trong thời gian hơn 30 ngày (từ ngày 14/4/2017 đến ngày 16/5/2017), các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, bằng chứng xác định rõ nội dung sự việc làm cơ sở để trả lời ý kiến khiếu nại của công dân. Theo đó, các lò sản xuất vôi tại khu vực Cầu Nghìn trong những năm qua đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, việc sản xuất vôi đã gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Không những vậy, các chủ lò vôi còn xây dựng các bến bãi để tập kết vật liệu ảnh hưởng đến vùng thoát lũ sông Hóa và ảnh hưởng đến an toàn tuyến đê sông theo Luật Đê điều. Cả 6 công dân có đơn khiếu nại đang hoạt động sản xuất vôi nhưng chưa có thủ tục hành chính về đất đai; 5 cơ sở  chưa có thủ tục hành chính về môi trường.

 

 Một trong số lò vôi vi phạm chưa tự giác tháo dỡ.

Không những vậy, trong quá trình sản xuất, các cơ sở còn vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, giao thông, đê điều. 

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thì các vi phạm về môi trường gồm: không quan trắc, giám sát môi trường; không có hệ thống thu gom, xử lý khí thải lò vôi… Kết quả  quan trắc xung quanh khu vực lò vôi Cầu Nghìn có chỉ số bụi vượt từ 1,97- 3,17 lần, chỉ số CO vượt từ 4,0- 4,2 lần so với quy chuẩn cho phép … 

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tất cả 31 lò vôi thuộc khu vực Cầu Nghìn đều nằm trong hành lang thoát lũ được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2013. 

Còn số liệu của Sở Giao thông Vận tải cho thấy rõ tất cả các chủ hộ sản xuất vôi có khai thác bến thủy nội địa trong khu vực Cầu Nghìn đều không có phép hoặc đã hết hạn, một số bến bãi còn vi phạm nằm trong hành lang bảo vệ công trình cầu…

 

 Môi trường làm việc hết sức độc hại cho công nhân.

Qua kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm, các cơ quan quản lý kiến nghị giữ nguyên lộ trình thực hiện Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực Cầu Nghìn theo Quyết định số 3942/QĐ- UBND của UBND tỉnh. Mặt khác, tỉnh Thái Bình cũng không có tiềm năng để sản xuất vôi và không nằm trong chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển vôi của Việt Nam.

Quyết định số 3942/QĐ- UBND của UBND tỉnh Thái Bình được ban hành có đủ cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền, nội dung phù hợp với các quy định của pháp luật. Về lộ trình thực hiện Đề án nằm trong lộ trình thời gian và đúng với Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ Xây dựng và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. 

Mặc dù vậy, vừa qua tại buổi đối thoại, lãnh đạo UBND tỉnh vẫn chia sẻ, cảm thông với những băn khoăn, trăn trở của các hộ dân có khiếu nại; giao cho các sở, ngành, UBND huyện Quỳnh Phụ tiếp tục tham mưu, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất có thể cho các chủ lò vôi thuộc diện di dời. Tuy nhiên, về phía các chủ lò vôi tại khu vực Cầu Nghìn cần nghiêm túc tuân thủ những quy định của UBND tỉnh, tự giác tháo dỡ các lò vôi theo đúng lộ trình thời gian mà tỉnh đã đề ra.

- Mục c, khoản 2, điều 1: Đến năm 2016, loại bỏ ít nhất 50% số lò thủ công gián đoạn trên cả nước; đến năm 2020, xóa bỏ toàn bộ các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên phạm vi toàn quốc.

- Khoản 5, điều 2: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng lộ trình, ban hành và tổ chức thực hiện xóa bỏ các lò vôi thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn theo quy hoạch.


 (Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030)


Phan Anh - Trịnh Cường



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày