Thứ 7, 06/07/2024, 20:23[GMT+7]

Nông dân Bách Thuận lao đao vì “bão giá”

Thứ 6, 25/08/2017 | 09:05:52
825 lượt xem
Nuôi lợn và trồng hòe là hai nghề tạo nguồn thu nhập chủ lực cho nông dân Bách Thuận (Vũ Thư). Tuy nhiên, nhiều tháng qua, cả thịt lợn hơi và hoa hòe đều bị ảnh hưởng nặng nề của “bão giá”. Cơn “bão giá” đổ bộ cùng thời điểm và kéo dài khiến nông dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Là cây trồng chủ lực, khi hòe rớt giá, phần lớn các hộ làm vườn ở Bách Thuận bị thiệt hại.

“Bão kép” về làng

Những năm gần đây, Bách Thuận được coi là “vựa” lợn của huyện Vũ Thư. Trước kia, lợn chưa rớt giá, tổng đàn lợn của xã thường xuyên duy trì khoảng 30.000 - 35.000 con, với 1.000 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn; nguồn thu từ chăn nuôi lợn chiếm 70 - 80% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng mỗi năm từ nuôi lợn… 

Ông Trịnh Xuân Mạnh, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã chia sẻ: Đó là câu chuyện trước kia, còn từ khi “bão giá” thịt lợn hơi (khoảng tháng 8/2016 đến nay) quét qua địa bàn với mức giảm sâu kỷ lục là 15.000 đồng/kg thịt lợn hơi siêu nạc thì 95% số trang trại, gia trại chăn nuôi lợn của địa phương bị thua lỗ nặng nề. Các gia trại nuôi ở mức trung bình 50 - 100 con thua lỗ vài chục đến vài trăm triệu đồng, một số trang trại lớn như trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Luân, thôn Liên Hồng; Trần Văn Bảy, thôn Bình Minh; Nguyễn Văn Vui, thôn Trung Hòa… thua lỗ hàng tỷ đồng. Hiện tại, đàn lợn của xã sụt giảm mạnh, còn khoảng 17.000 con, chủ yếu là hộ có lợn con nuôi kế tiếp, không xuất bán được; khoảng 60% chuồng trại bị bỏ trống, một số hộ chăn nuôi cầm chừng.

Cùng với nuôi lợn thì trồng hòe là 1 trong 2 ngành sản xuất tạo nguồn thu nhập chính của nông dân Bách Thuận. Với diện tích 230ha, hòe là cây trồng chủ lực của làng vườn ở thời điểm hiện tại. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTXNN Bách Thuận cho biết: Những năm 2011 - 2015, giá hòe đạt mức 120.000 - 150.000 đồng/kg, thậm chí cao điểm lên tới hơn 200.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân Bách Thuận từng thu về 20 triệu đồng/sào/vụ hòe, cao điểm có thể đạt 30 triệu đồng/sào/vụ hòe. Khi hòe đang cho thu nhập khá thì từ thời điểm cuối năm 2015 trở lại đây giá hòe liên tục giảm, hiện tại chỉ đạt mức 50.000 - 57.000 đồng/kg. Không chỉ chịu tác động của bão giá, vụ hòe năm 2016, do ảnh hưởng của bão số 1 làm gãy đổ, dập nát cây, nông dân gần như thất thu hòe. Vụ hòe năm nay, đợt mưa kéo dài nhiều ngày giữa tháng 7 và giữa tháng 8 khiến cây hòe bị ảnh hưởng bộ rễ, năng suất giảm khoảng 50%. Giá rẻ cộng với sản lượng thấp, ước tính nông dân chỉ thu được 2 - 4 triệu đồng/sào hòe, tương đương 10 - 20% giá trị của cây hòe trước kia.

Ảnh hưởng nặng nề

Gần 10 năm nay, gia đình ông Trần Sách Vân, bà Nguyễn Thị Huê, thôn Thượng Xuân, xã Bách Thuận nuôi thường xuyên 50 - 60 con lợn và trồng hơn 1 mẫu hòe. 

“Những năm trước, giá lợn và hòe đều ổn định, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn và khoảng 120 triệu đồng từ trồng hòe. Thu nhập này chưa cao nhưng được coi là khá. Tuy nhiên, từ khi thịt lợn rớt giá, gia đình tôi thua lỗ hàng chục triệu đồng. Riêng hòe thì vừa rớt giá vừa giảm sản lượng do ảnh hưởng của mưa, bão. Vụ hòe năm ngoái gia đình tôi thu được gần 40 triệu đồng, năm nay ước tính chỉ thu được hơn 20 triệu đồng. Tất cả chi tiêu gia đình đều phụ thuộc vào đàn lợn và vườn hòe mà cả hai cùng trượt giá, thất thu, gia đình tôi rất khó khăn. Tôi rất lo lắng” - bà Huê chia sẻ.

Cơn “bão kép” không chỉ ảnh hưởng đến gia đình ông Vân, bà Huê mà còn tác động đến hầu hết các hộ dân trên địa bàn. 

Ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, thu nhập của nông dân địa phương trông chờ chủ yếu vào đàn lợn và vườn hòe. Không may mắn là cả cơn “bão giá” hòe và lợn lại xảy ra cùng thời điểm và kéo dài nhiều tháng qua, tạo thành “bão kép”, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đời sống nhân dân. Những năm 2012 - 2014, khi giá lợn và hòe bảo đảm, thu nhập của bà con ở mức khá, xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân tham gia rất hào hứng, tích cực với tổng lượng xi măng đăng ký 7.500 tấn, nhân dân trực tiếp đóng góp, ủng hộ trên 35,4 tỷ đồng, cứng hóa được 44,5km đường giao thông thôn xóm. Ngược lại, ở thời điểm hiện tại, việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới rất khó khăn, do các hộ đang gặp khó khăn trong sản xuất. Đặc biệt, cơn “bão kép” quét qua, nhất là “bão giá” thịt lợn khiến nhiều gia đình có trang trại nuôi lợn quy mô lớn của xã rơi vào tình trạng nợ nần, không ít hộ đã phải thế chấp toàn bộ nhà đất để vay tiền ngân hàng, vay mượn bạn bè, người thân. Nhiều hộ chăn nuôi lợn, kinh doanh sản phẩm thịt lợn đã tạm dừng hoạt động. Tâm lý các gia đình trồng hòe băn khoăn, dao động về việc có phá bỏ cây hòe hay tiếp tục giữ lại… Nhìn chung, gần 1 năm qua, thu nhập của nông dân Bách Thuận giảm sút đáng kể, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phần nào bị ảnh hưởng, kém sôi động hơn so với trước. 

Từng bước tìm hướng đi bền vững

Trước khó khăn của nông dân khi phải đối mặt với cơn “bão kép”, Bách Thuận tập trung triển khai nhiều giải pháp ổn định sản xuất nông nghiệp địa phương. 

Ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong khi chờ đợi những giải pháp vĩ mô của nhà nước nhằm ổn định giá cả các loại nông sản chung, trong đó có thịt lợn và hòe, trước mắt, xã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định tâm lý để sản xuất. Đối với ngành chăn nuôi, xã vận động bà con không tiếp tục phát triển đàn lợn ồ ạt nhưng đồng thời cũng không bỏ trống chuồng trại; các hộ có điều kiện, tiềm lực kinh tế, bảo đảm đầu ra ổn định, vẫn tiếp tục đầu tư chăn nuôi với quy mô hợp lý. Địa phương đã và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ của các cấp cho phát triển đàn lợn theo quy định để người chăn nuôi từng bước ổn định sản xuất.

Đối với cây hòe, xã khuyến cáo nhân dân tạm thời duy trì ổn định diện tích đã trồng, không nên đồng loạt chặt phá. Tuy nhiên, các hộ cần khảo sát điều kiện vườn đất, đầu tư của gia đình có thể từng bước thay thế dần cây hòe bằng một số loại cây ăn quả truyền thống, cây hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, năm roi, táo, ổi, hoa các loại. Ngoài ra, bà con có thể tận dụng trồng xen canh dưới gốc hòe một số loại cây cảnh hàng lá, gieo rau màu, trồng hoa để tăng thu nhập.

Cơn “bão kép” xảy ra tuy gây thiệt hại nặng nề về kinh tế nhưng đồng thời là bài học đắt giá để nông dân Bách Thuận hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững hơn trong tương lai.

             Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày