Thứ 4, 15/01/2025, 15:38[GMT+7]

Thái Thụy: để phát triển nuôi tôm thâm canh công nghệ cao

Thứ 2, 28/08/2017 | 10:18:32
2,967 lượt xem
Hiện nay, các hộ nuôi trồng thủy sản nước lợ ở Thái Thụy đang tập trung thu hoạch tôm sú vụ xuân hè. Áp dụng hình thức nuôi thâm canh và thâm canh công nghệ cao đang là xu thế phát triển nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nuôi tôm.

Có mặt trên vùng đầm nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Huỳnh, thôn Nam Hải, xã Thái Đô, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi cho lão nông đã ở tuổi “thất thập”. 4 tháng nuôi thả mà ông chỉ thu về được hơn 10kg tôm sú, bán được 3 triệu đồng. 

14 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, trong tâm trí ông vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tiếp nhận dự án chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Ngày ấy, cả xã Thái Đô ai cũng hào hứng, chỉ 1 vụ tôm thắng lợi là có thể nuôi sống gia đình cả năm. Thế nhưng, những năm gần đây, không nhiều thì ít, Thái Đô không “thoát khỏi” dịch bệnh đốm trắng trên tôm. Gia đình ông Huỳnh cũng không phải là ngoại lệ. Nếu thuận lợi thì thời điểm này ông đã có thể thu hoạch 2 tạ tôm sú, thu về từ 50 - 60 triệu đồng. Nhưng do tôm nuôi nhiễm bệnh đốm trắng đầu vụ nên ông chỉ thu được vỏn vẹn 1 phần 20 so dự kiến ban đầu.

Cũng bởi rủi ro trên, không còn cách nào khác, các hộ nuôi tôm ở Thái Đô đành chuyển 100ha sang nuôi cá. Diện tích nuôi tôm nay chỉ còn 175ha. Do phần lớn đều áp dụng phương thức nuôi quảng canh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiệt hại nặng. Vụ xuân hè năm nay, người nuôi tôm không khỏi lao đao do nhiều ao nuôi nhiễm bệnh đốm trắng. 

Ông Tạ Đức Hiển, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thái Đô trao đổi: Do môi trường ao nuôi tích tụ bệnh đốm trắng từ những năm trước, bà con xử lý không triệt để, môi trường, thời tiết không thuận lợi nên sau 35 - 40 ngày thả tôm giống thì tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng. Toàn xã thiệt hại khoảng 70% lượng tôm đã thả.

Nông dân Thái Thụy thu hoạch tôm vụ xuân hè.

Trái với cảnh ảm đạm của nuôi tôm sú quảng canh thì người nuôi tôm thẻ ở Thái Thụy lại phấn khởi sau 2 vụ nuôi đại thắng. Trên diện tích 55ha, toàn huyện thu về 150 tấn tôm thẻ, giá trị ước đạt 20 tỷ đồng. Với phương thức nuôi thâm canh và thâm canh công nghệ cao, thời gian nuôi từ 2 - 2,5 tháng/vụ, mỗi năm có thể phát triển tới 3 vụ. Riêng với mô hình nuôi tôm nhà kính lên tới 4 vụ/năm, lợi nhuận cao hơn gấp 2 lần so với nuôi công nghiệp thông thường. Điều đáng nói là với phương thức này, khi làm chủ được khoa học công nghệ, người nuôi tôm không phải trông chờ sự may rủi bởi tác động của yếu tố thời tiết. Là địa phương đi đầu trong quai đê lấn biển, xã Thái Thượng có diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ lớn nhất huyện Thái Thụy. Và nay, người nuôi tôm nơi đây cũng tiên phong tiếp cận mô hình nuôi tôm thâm canh và thâm canh công nghệ cao. 

Ông Đỗ Khắc Bằng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thái Thượng có 300ha nuôi trồng thủy sản, những năm trước chủ yếu nuôi quảng canh tôm sú, cua và các loại hải sản khác. Gần đây, người dân Thái Thượng tích cực tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. 2 năm nay địa phương được mùa với nuôi tôm thẻ thâm canh và thâm canh công nghệ cao. Năm 2016 toàn xã thu khoảng 100 tấn tôm thẻ chân trắng. Năm 2017, diện tích nuôi thâm canh tăng 10ha, sau 2 vụ đã thu về trên 80 tấn. Hiện nay, người dân đang bước vào vụ nuôi thả thứ ba, hứa hẹn đạt kết quả cao.

Trong xu thế phát triển của ngành tôm, hình thức thâm canh công nghệ cao đang là hướng đi tạo ra sự đột phá mới, mang về nguồn thu đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, để chuyển từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm thâm canh đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, hạ tầng vùng nuôi đáp ứng được yêu cầu. Người nuôi tôm ở Thái Thụy đang trông chờ sự quan tâm của Nhà nước, tạo cơ hội giúp họ khai thác tiềm năng từ biển.

Hoàng Hương

(Đài TTTH Thái Thụy)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày