Thứ 7, 23/11/2024, 02:12[GMT+7]

Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ

Thứ 4, 13/09/2017 | 08:07:11
800 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ

Tờ trình dự án Luật Đo đạc và bản đồ do Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hoạt động đo đạc và bản đồ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các kết quả, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản quốc gia có giá trị như hệ quy chiếu, hệ toạ độ và độ cao quốc gia, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia ở nhiều tỷ lệ phủ trùm cả nước hoặc vùng lãnh thổ trên đất liền và trên biển, hệ thống bản đồ địa chính chính quy phục vụ quản lý đất đai... Đây làm cơ sở để phát triển các sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành đáp ứng trực tiếp nhiệm vụ quản lý của các bộ, ngành, địa phương và nhu cầu của xã hội.

Các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ được ban hành trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế. Cụ thể hoạt động đo đạc còn chồng chéo, lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung; công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ, thống nhất; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp; công tác quản lý xuất bản phẩm bản đồ chưa chặt chẽ; công tác xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ còn hạn chế… Trong bối cảnh tình hình an ninh, quốc phòng khu vực cũng như trên thế giới hiện nay có nhiều phức tạp, đồng thời để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, việc sửa đổi và nâng tầm pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ hiện hành, bổ sung các quy định còn thiếu để xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ gồm 63 điều thể hiện trong 9 chương, quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về “Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu theo chuẩn quốc tế. Có cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu”. Việc xây dựng dự án Luật cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, khắc phục tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí; thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ… phục vụ có hiệu quả hơn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Cần thiết ban hành Luật

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đo đạc và bản đồ để phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ban soạn thảo cần hoàn thiện thêm, thể hiện rõ hơn, sâu sắc hơn việc cần thiết phải ban hành Luật trong tình hình hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo làm rõ việc xây dựng dự thảo Luật dựa trên tổng kết việc thực hiện Nghị định số 12/2002/NĐ-CP, ngày 22 tháng 01 năm 2002 hay Nghị định số 45/2015/NĐ-CP, ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ, bởi Nghị định 45 mới thi hành được một thời gian ngắn; Tờ trình dự án Luật cần phải nêu rõ được những bất cập hiện nay để thấy được việc ra đời của Luật Đo đạc và bản đồ là cần thiết, tháo gỡ những vướng mắc lâu nay trong lĩnh vực này. Cùng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo cần phân tích làm rõ hơn các lý do về sự cần thiết ban hành Luật này. Trong Tờ trình của Chính phủ đã phân tích nhưng chưa rõ lắm; khi phân tích về những lý do, thì nội dung thể hiện cũng phải đầy đủ về những bất cập, hạn chế những chống chéo đã nói ở phần cần thiết ban hành hành Luật.

Nêu hoạt động đo đạc và bản đồ liên quan trực tiếp tới quốc phòng an ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thấy rằng, tuy dự thảo Luật đã có một số quy định nằm rải rác tại các điều nhưng trước tầm quan trọng của hoạt động đo đạc và bản đồ liên quan tới quốc phòng an ninh quốc gia, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm các quy định để bảo đảm chặt chẽ đối với các vấn đề liên quan tới quan tới an ninh, quốc phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thấy rằng, dự luật cần có các chính sách để cụ thể thực hiện việc Nhà nước ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của sự phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo nhân lực trình độ cao.

Nhiều ý kiến thấy rằng hoạt động đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, nội dung của dự thảo Luật liên quan đến nhiều luật đã ban hành như Luật Thủy lợi, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật hàng hải, Luật Biển Việt Nam, Luật đất đai, Luật Xây dựng, Luật đo lường, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm và hàng hóa, Luật Xuất bản... và một số luật đang trình Quốc hội như Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật Thủy sản (sửa đổi), Luật Quy hoạch… Vì vậy, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn các nội dung của dự thảo Luật với các luật có liên quan để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật được xây dựng về cơ bản theo truyền thống trong khi đó lĩnh vực đo đạc và bản đồ liên quan mật thiết với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đang tiến nhanh như vũ bão. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định để áp dụng những đột phá trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng hoạt động đo đạc có tính kỹ thuật cao nhưng dự thảo luật mới pháp điển hóa các quy định hiện hành, những đột phá trong áp dụng khoa học kỹ thuật còn ít trong dự thảo, vì vậy Ban soạn thảo cần tính toán đưa vào trong Luật./.

Theo: tapchicongsan.org.vn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày