Thứ 2, 01/07/2024, 08:15[GMT+7]

Hội nghị bàn các giải pháp ứng phó với bệnh lùn sọc đen và khắc phục hậu quả úng lụt

Thứ 5, 12/10/2017 | 15:24:02
950 lượt xem
Sáng ngày 12/10, tại huyện Kiến Xương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị bàn các giải pháp ứng phó với bệnh lùn sọc đen năm 2018 và các năm tiếp theo, khắc phục hậu quả úng lụt đối với sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2017.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Lùn sọc đen (LSĐ) là một đối tượng bệnh hại rất nguy hiểm trên cây lúa, ngô do vi rút gây ra và cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để phòng, trừ. Ở vụ mùa năm 2017, mặc dù đã có cảnh báo sớm về dịch bệnh LSĐ; cơ quan chuyên môn đã tham mưu kịp thời với UBND tỉnh để triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo từ tỉnh xuống cơ sở, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, bệnh LSĐ phát sinh mạnh từ trung tuần tháng 8 đến nay với mức độ gây hại lớn. Tính đến ngày 6/9, toàn tỉnh có 17.095ha lúa mùa nhiễm LSĐ, trong đó diện tích lúa mất trắng là 801,35ha. Hiện các địa phương đang tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại do LSĐ gây ra khi lúa đã trỗ bông và chín. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nguyên nhân, cơ chế lan truyền cũng như các giải pháp phòng bệnh LSĐ cho vụ đông năm 2017, năm 2018. Theo đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa; tiêu diệt triệt để nguồn bệnh và tạo điều kiện bất lợi cho sự phát sinh, phát triển của rầy môi giới và bệnh LSĐ.

Các đại biểu thăm thực địa ruộng lúa nhiễm lùn sọc đen tại thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương)

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha lúa mùa đã thu hoạch, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng được khoảng 12.000ha cây màu vụ đông ưa ấm, trong đó chủ yếu là ngô, dưa bí và rau màu các loại. Hiện tại, mưa kéo dài từ ngày 9/10 đã làm cho nhiều diện tích bị ảnh hưởng. 

Tại hội nghị, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa và hoa màu có thể thu hoạch được với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, đặc biệt ở vùng đang bị ngập úng. Đối với diện tích chưa thể thu hoạch, bà con cần tập trung khơi thông dòng chảy, tiêu nước triệt để trên mặt ruộng, khẩn trương buộc dựng lúa để tránh bị nảy mầm. Đối với cây màu vụ đông bằng mọi biện pháp cần tập trung tiêu thoát nước; sau mưa lớn tuyệt đối không được bón đạm đơn cho cây, có kế hoạch chuẩn bị giống dự phòng để gieo trồng bổ sung, thay thế diện tích thiệt hại, tận dụng đất đai, quay vòng tăng vụ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung công tác tiêu úng; huy động mọi lực lượng khẩn trương thu hoạch lúa và hoa màu để giảm thiểu thiệt hại. Ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách giúp nông dân khắc phục thiệt hại bằng việc mở rộng diện tích gieo trồng cây ưa lạnh: khoai tây, rau các loại. 

Đối với bệnh LSĐ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương kịp thời thống kê diện tích nhiễm bệnh để có giải pháp ứng phó ở các vụ sau; làm tốt công tác tiêu hủy nguồn bệnh, vệ sinh đồng ruộng, mương máng để hạn chế nơi trú ẩn của rầy môi giới. Trong sản xuất vụ xuân 2018, các địa phương không khuyến khích gieo thẳng; bám sát đề án sản xuất, thực hiện nghiêm lịch mùa vụ, cơ cấu giống; áp dụng rộng rãi các biện pháp thâm canh, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp để hạn chế sâu bệnh. Ngành Nông nghiệp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

Lưu Ngần