Chủ nhật, 19/05/2024, 06:43[GMT+7]

Bão số 12 tiếp tục mạnh lên, giật cấp 15

Thứ 6, 03/11/2017 | 13:59:55
1,331 lượt xem
Với tốc độ di chuyển 20km/h, sáng sớm mai (4/11), trước 7h, bão sẽ đi vào đất liền phía Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận. Khi vào cường độ vẫn rất mạnh, cấp 11, giật cấp 14.

Dự báo hướng di chuyển của bão số 12. (Ảnh: NCHMF)

Bên cạnh những mối nguy hiểm từ mưa lớn cho Trung Bộ, bão số 12 cũng sẽ gây gió mạnh cho khắp các vùng biển và đất liền. Phía Tây của Giữa Biển Đông gồm phía Tây Bắc huyện đảo Trường Sa có mưa bão, gió mạnh cấp 8-12, giật cấp 15; vùng biển gần bờ Quảng Ngãi đến Bình Thuận gió mạnh cấp 6-7, sau tăng cấp 8-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Ngoài ra, Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Quảng Trị đến Quảng Nam gió cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông gió cấp 7-8, giật cấp 10.

Trên đất liền từ đêm nay, ven biển Bình Định - Ninh Thuận nơi tâm bão ảnh hưởng trực tiếp gió sẽ mạnh dần lên cấp 9-11, giật cấp 14. Sâu trong đất liền gió cấp 7-8, giật cấp 11. Cấp gió này sẽ có sức tàn phá cực kỳ lớn, hoàn toàn có thể quật đổ cột điện, làm sập nhà cửa. Với đất liền ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận gió sẽ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sáng mai xuất hiện gió giật cấp 6-8 tại cả Đông Nam Bộ. Tình hình đang rất cấp bách, tàu thuyền dù đã vào nơi neo đậu cần ghi nhớ một số quy tắc đảm bảo an toàn:

- Khi tàu vào khu neo đậu, thuyền trưởng phải chấp hành hướng dẫn của người quản lý Khu neo đậu.

- Không neo tàu song song sát với cầu cảng vì sóng có thể xô tàu vào cầu cảng, gây hư hỏng, vỡ tàu.

- Hướng mũi tàu về hướng gió, hướng sóng; tàu neo cách xa nhau khi khu neo đậu có ít tàu.

- Tàu thuyền công suất lớn neo đậu cạnh nhau trong khu neo đậu tránh phú bão phải chằng buộc cẩn thận và có đệm chống va giữa các tàu.

- Tàu thuyền nhỏ công suất dưới 20 cv, trọng tải dưới 0,5 tấn có thể kéo lên bờ, khu vực an toàn, kê kích, chằng buộc chắc chắn.

- Sau khi neo xong, kiểm tra lần cuối hệ thống dây neo, dây chằng buộc.

- Khi bão tiến sát gần bờ, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực neo đậu, khi có lệnh của người có thẩm quyền bắt buộc toàn bộ ngư dân phải rời khỏi tàu, tìm nơi trú tránh an toàn.

Bên cạnh đó, bà con các tỉnh thành cũng cần khẩn trương chằng chống nhà cửa:

- Đối với nhà mái tôn hay kể cả nhà mái ngói, 2 biện pháp đặt các bao cát lên mái hoặc chằng nhà bằng giằng chữ A kết hợp dây neo xuống đất.

- Dùng các bao cát đóng lỏng trọng lượng từ 15-20kg, nối với nhau bằng dây và đặt vắt qua mái nhà, sao cho các bao cát nằm sát trên đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm lợp. Khoảng cách giữa các bao cát là 1,5m ở vùng giữa mái và 1m xung quanh mái.

- Đặt các thanh chặn ngang bằng gỗ, thép lên mái cách nhau khoảng 1m; đặt tiếp các giằng chữ A cách nhau khoảng 2,5m lên thanh chặn rồi cột lại. Sau đó dùng dây thép hoặc dây thừng, chão neo giằng chữ A vào các cọc cây đóng sâu xuống đất khoảng 1-1,5m. Nếu chằng chống đúng cách theo hình này, bà con sẽ vừa tránh được tai nạn do mảnh tôn bay vào, mà nhà lại không mất mái và bị đổ.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày