Chủ nhật, 16/06/2024, 16:57[GMT+7]

Tình yêu nước Nga trong lòng người Thái Bình

Thứ 3, 07/11/2017 | 08:14:34
884 lượt xem
Việt Nam và Cộng hòa Liên bang (CHLB) Nga tuy hai nước cách xa nhau về địa lý nhưng đã từ lâu có một sợi dây gắn bó khăng khít, keo sơn. Nước Nga - xứ sở Bạch Dương, nơi được coi như quê hương thứ hai của hàng vạn người dân Việt Nam từng học tập và sinh sống, nơi mà mỗi khi nhắc đến một cái tên, một địa danh hay giản đơn chỉ là một câu hát lại khiến bao trái tim người Việt bồi hồi, thổn thức.

Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva (Cộng hòa Liên bang Nga).

Từ quê lúa Thái Bình, những người thuộc thế hệ khác nhau, đến nước Nga vào những thời điểm khác nhau nhưng tiếng nói, nền văn hóa đặc sắc cùng với người dân Nga nồng hậu, giàu lòng nhân ái đã hun đúc nên tình yêu dành cho xứ sở Bạch Dương. 

Xuất phát từ tình cảm sâu nặng của những người đã từng học tập, công tác tại CHLB Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây, ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, tại Thái Bình đã hình thành những nhóm liên lạc theo từng lĩnh vực hoạt động và từng địa phương bên Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, những nhóm liên lạc này hoạt động mạnh hơn như sợi dây thêm bó bện, gắn kết những trái tim yêu xứ sở Bạch Dương và là nền tảng quan trọng để thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Thái Bình năm 2015. Đến nay, Hội đã quy tụ được 320 hội viên, gồm 15 chi hội hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiều hoạt động sôi nổi góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt - Nga ngày càng bền chặt. 

Ông Vũ Xuân Chiến, Chủ tịch Hội cho biết: Mỗi thành viên trong Hội dù tuổi tác và cương vị công tác khác nhau nhưng đều có chung tình cảm sâu nặng dành cho xứ sở Bạch Dương và đều đang nỗ lực góp phần xây dựng quê hương Thái Bình. Từ những thành công đáng ghi nhận, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát triển hội viên, Hội sẽ thành lập trung tâm tư vấn, hỗ trợ công tác hữu nghị với mục đích giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, xúc tiến hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Bình với doanh nghiệp Liên bang Nga, mở các lớp dạy tiếng Nga và tìm kiếm những địa chỉ tin cậy cho sinh viên và lao động Thái Bình sang học tập, công tác tại Nga..., góp phần thực hiện công tác đối ngoại giữa hai nước.  

Có những người đã trải qua thăng trầm của cuộc sống trong giai đoạn khó khăn của nước Nga sau khi Liên Xô tan rã, có những người còn rất trẻ được chứng kiến sự hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ của một cường quốc trong thời điểm hiện tại song những kiến thức, văn hóa cùng tình cảm nồng hậu từ nước Nga đã góp phần vào thành công của họ và tình yêu dành cho xứ sở Bạch Dương mãi đong đầy theo năm tháng. 

Năm 1988, sinh viên Lê Thị Thu Hiền, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) nhận học bổng du học tại Đại học Nông nghiệp quốc gia Nga K.A.Timiriazev. Những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ được sống và học tập trong môi trường văn hóa và thiên nhiên Nga đậm chất nhân văn cùng sự đùm bọc, yêu thương của những người dân Nga đôn hậu đã níu giữ chị Hiền ở lại CHLB Nga 16 năm. Xứ sở Bạch Dương cũng là nơi chị tìm được tình yêu của cuộc đời mình, tổ ấm nhỏ của vợ chồng chị thêm niềm vui với lần lượt 2 con gái chào đời trên đất nước Nga tươi đẹp. 

Hiện tại, trên cương vị Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Bình, quản lý trang trại chăn nuôi tổng hợp theo quy mô khép kín và công viên nước Thái Bình, chị Lê Thị Thu Hiền chia sẻ: Những kiến thức và nền văn hóa Nga đã giúp tôi rất nhiều trong công việc chuyên môn và trong cuộc sống. Cũng xuất phát từ tình yêu nước Nga, thấu hiểu và sẻ chia những khó khăn, vất vả của quãng thời gian mưu sinh bên xứ người, Công ty của tôi đã đón nhận nhiều cán bộ, nhân viên đã có một thời học tập, lao động ở Nga về công tác. 

Theo chị Hiền, tình yêu với xứ sở Bạch Dương không chỉ trong mỗi cá nhân mà còn hình thành nên nét văn hóa của doanh nghiệp. Dù cách xa về không gian, thời gian cùng những đổi thay của hiện tại song tình cảm dành cho xứ sở Bạch Dương của mỗi thành viên trong gia đình chị vẫn vẹn nguyên. Một ngày nào đó được cùng gia đình trở lại thăm nước Nga, mảnh đất như quê hương thứ hai, đó là ước mơ lớn nhất của chị Hiền.

Chỉ vẻn vẹn 16 tháng du học tại Viện Tiếng Nga quốc gia A.X.Pushkin, thành phố Moskva nhưng với chị Vũ Thị Dung, cán bộ Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Thái Bình, những ấn tượng và tình cảm về nước Nga vô cùng sâu đậm. Sự quan tâm, động viên, chia sẻ của thầy cô và bạn bè người Nga trong những ngày du học là động lực quan trọng để chị hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo. Trở về nước, trong những bài giảng của mình, chị Dung luôn lồng ghép và truyền thụ những tình cảm về đất nước và con người Nga tới sinh viên với mong muốn có thêm hành trang cho những em có dự định du học tại xứ sở Bạch Dương. Chị Dung cũng là thành viên của Trường Đại học Thái Bình thực hiện đề tài hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và CHLB Nga trong lĩnh vực dầu khí và điện, điện tử.  

Với tình cảm sâu nặng dành cho xứ sở Bạch Dương, có những cá nhân đang thầm lặng kết nối và phát triển quan hệ Việt Nam - CHLB Nga trên lĩnh vực kinh tế. Doanh nhân Phạm Thọ Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Âu Á là một người như thế. Năm 1972, ông được cử sang Liên Xô du học tại Trường Đại học thăm dò địa chất Moskva. Trở về nước, ông công tác tại Đoàn ca nhạc kịch câm Nhà hát Tuổi trẻ. 

Xuất phát từ tình yêu nước Nga, năm 2000, Doanh nghiệp tư nhân Bắc Việt của doanh nhân Phạm Thọ Hòa được thành lập, sau đổi thành Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Âu Á làm cầu nối đưa nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam tới xứ sở Bạch Dương. Với năng lực và uy tín của mình, ông Hòa được Hội chuyên viên xuất nhập khẩu và chuyển giao công nghệ thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp CHLB Nga cử làm giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia. Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Điện cơ AIDI, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh… cùng những sản phẩm của quê lúa Thái Bình như thịt lợn đông lạnh, sản phẩm mây tre đan xuất khẩu… được doanh nhân Phạm Thọ Hòa xúc tiến hợp tác thương mại với thị trường Nga. Trên lĩnh vực giáo dục, ông Hòa đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn học bổng của Chính phủ CHLB Nga và giúp đỡ đưa nhiều sinh viên Thái Bình sang du học tại xứ sở Bạch Dương. 

Theo ông Hòa: Những tiềm năng trên quê lúa Thái Bình là rất lớn, thời gian tới tôi sẽ nỗ lực kết nối và đưa thêm nhiều doanh nghiệp, hàng hóa tiếp cận thị trường Nga, đồng thời mời gọi các doanh nhân Nga tới Thái Bình để nghiên cứu đầu tư, chuyển giao công nghệ.

Với những người con quê lúa đã từng sống, học tập, lao động tại Nga được nung luyện bằng tinh thần thép Ostrovsky, chiếu rọi bởi thơ ca Pushkin cùng những áng văn bất hủ của Lev Tolstoy, tình yêu dành cho xứ sở Bạch Dương mãi mãi theo họ trong từng nhịp đập trái tim, trải dài qua năm tháng.

Trịnh Cường