Thứ 7, 23/11/2024, 03:00[GMT+7]

Hưng Hà phòng, chống rét cho thủy sản

Thứ 2, 04/12/2017 | 08:10:37
1,021 lượt xem
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Hưng Hà nói riêng đã xuất hiện những đợt rét đầu tiên kéo dài. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn và có nhiều đợt rét kéo dài. Do đó, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các địa phương trong huyện chủ động chăm sóc, phòng, chống rét cho thủy sản nhằm tránh thiệt hại đến năng suất, sản lượng.

Tích cực chăm sóc thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do giá rét.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hưng Hà có 92 lồng cá, tăng 9 lồng so với năm 2016, phân bổ ở 5 địa phương: thị trấn Hưng Nhân và các xã Độc Lập, Tân Lễ, Hồng Minh, Điệp Nông. Để chủ động phòng, chống rét cho thủy sản, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi chống rét nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét gây ra. 

Ông Đào Văn Thống, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Độc Lập cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có 55 lồng cá nuôi trên sông, chủ yếu là cá diêu hồng, chép giòn, cá lăng, trắm. Bên cạnh đó, địa phương còn có vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung với diện tích 50ha của 36 hộ nuôi. Dự kiến từ nay đến tết Nguyên đán, các hộ nuôi thủy sản sẽ xuất bán khoảng trên 200 tấn cá các loại. 

Theo ông Nguyễn Phương Nam, một trong những hộ nuôi thủy sản tại vùng tập trung của xã Độc Lập: Các đối tượng nuôi thủy sản là những động vật có thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Vì vậy, mỗi năm khi nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với các động vật nuôi thủy sản, đặc biệt là các loài chịu rét kém như cá rô phi đơn tính, cá rô đồng... Do đó, việc phòng, chống rét cho cá được các hộ nuôi chuẩn bị chu đáo từ đầu mùa đông nhằm tránh tình trạng cá bị chết vì rét.  

Ông Trần Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Điệp Nông chia sẻ: Toàn xã hiện có 50ha nuôi thủy sản và 1 bè nuôi cá lồng diện tích khoảng 200m2 ở thôn Việt Yên 4.  Ngay sau khi tiếp nhận công văn chỉ đạo của huyện, xã Điệp Nông đã triển khai tới các hộ nuôi thủy sản trong xã. Hướng dẫn hộ nuôi khi nhiệt độ xuống thấp cần quây ao kín tránh gió rét gây hại cho cá. Tranh thủ cho ăn khi thời tiết thích hợp để chống rét cho cá. Địa phương cũng khuyến cáo hộ nuôi cần đầu tư cho cá ăn thức ăn bảo đảm đủ chất và lượng để cá sinh trưởng, tăng sức đề kháng bệnh, tích lũy chất dinh dưỡng chống chịu tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp. Đến nay, mọi biện pháp để chống rét cho diện tích nuôi trồng thủy sản của địa phương đã sẵn sàng.

Những năm qua, đã có những bài học đắt giá đối với người nuôi cá khi gặp thời tiết giá rét. Vì vậy, công tác phòng, chống rét cho thủy sản luôn được huyện Hưng Hà quan tâm chỉ đạo. 

Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để người dân chủ động chống rét cho thủy sản, huyện đã ban hành văn bản đề nghị các phòng, ban chuyên môn và các địa phương chỉ đạo, đôn đốc, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi thủy sản các biện pháp phòng, chống rét thủy sản. Theo đó, tùy theo số lượng thủy sản nuôi lưu đông để chuẩn bị diện tích phù hợp. Chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị, dụng cụ cần thiết như: máy sục khí để cung cấp ôxy, dụng cụ nâng nhiệt (bằng than hoặc điện, rơm, rạ)… để duy trì nhiệt độ ao, bể nuôi. Ao nuôi phải bảo đảm độ sâu mực nước ổn định.  Hạn chế gió lạnh xuống ao bằng cách phủ bèo tây mặt ao, căng bạt trên mặt ao, tạo giá thể bằng rơm, rạ để cá trú ẩn tránh rét. Đây là những yếu tố quan trọng giúp cá khỏe mạnh, đáp ứng số lượng, chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Những lưu ý khi nuôi lưu thủy sản qua đông
1. Chuẩn bị ao, bể nuôi lưu thủy sản qua đông
Tùy theo số lượng thủy sản nuôi lưu để chuẩn bị diện tích phù hợp, thông thường diện tích bể khoảng dưới 100m2; ao nuôi lưu giống từ 300 - 500m2, lưu thủy sản bố mẹ, thương phẩm từ 1.000 - 2.000m2, có hình chữ nhật, hướng Bắc - Nam để hạn chế gió lùa. Độ sâu ao, bể từ 1,5 - 2,5m. Chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị, dụng cụ cần thiết để duy trì nhiệt độ ao, bể nuôi.
2. Thả giống: Lựa chọn con giống khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh, thả vào những ngày nắng ấm. Nuôi cá nước ngọt nên thả ghép cá chép để khuấy động đáy ao, tránh hiện tượng cá nằm đáy kéo dài, nhiễm bệnh, yếu và gây chết.
3. Chăm sóc quản lý
-  Cần đầu tư cho cá ăn thức ăn bảo đảm đủ chất và lượng để cá sinh trưởng, tăng sức đề kháng bệnh, tích lũy chất dinh dưỡng chống chịu tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp.
- Duy trì tối thiểu mực nước trên 1,5m, nhiệt độ trên 200C.
- Đối với nuôi cá lồng trên sông, khi rét đậm, rét hại xảy ra nên di chuyển lồng bè đến các eo, ngách kín gió, hoặc neo hạ lồng xuống sâu hơn. Thường xuyên treo các túi vôi xung quanh lồng để khử trùng nước và hạn chế dịch bệnh.
- Hàng ngày kiểm tra hoạt động của cá, các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Định kỳ 15 ngày/lần hòa 2 - 3kg vôi bột tạt đều cho 100m3 nước để khử trùng và phòng bệnh cho đối tượng nuôi.
Lưu ý: Trong suốt thời gian nuôi lưu qua đông, không kéo lưới đánh bắt cá, không sử dụng phân hữu cơ trong ao nuôi. Nuôi lưu trong nhà bạt kín gió cần cung cấp đầy đủ ôxy cho nhu cầu sống của đối tượng nuôi.
4. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp phòng tránh khi nhiệt độ không khí xuống thấp.


Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày