Chủ nhật, 24/11/2024, 17:54[GMT+7]

Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVI : Đại biểu thảo luận tại các tổ

Thứ 5, 07/12/2017 | 16:32:37
1,157 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, chiều ngày 7/12, HĐND tỉnh chia tổ thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình của HĐND, UBND tỉnh, các ngành chức năng; thảo luận, thống nhất nội dung phát biểu và chất vấn tại phiên họp ngày 8/12.

Đại biểu tổ Thành phố thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Tham gia thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị của tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI.

Đại biểu tổ Đông Hưng thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm 

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc điều hành của UBND tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đạt được kết quả toàn diện trong năm 2017; đồng thời đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018. 

Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với nhóm giải pháp đã đề ra, song xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt với những giải pháp đồng bộ. Các ngành, các địa phương cần huy động tối đa mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh tích tụ ruộng, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, có giải pháp cho các địa phương giải quyết tình trạng ruộng bỏ hoang. Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, giám sát việc đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Giải quyết tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu năm 2018 có từ 80% trở lên hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch.

Đại biểu tổ Kiến Xương thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm 

Trong phiên thảo luận tổ, đại biểu đề nghị tỉnh tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thân thiện với môi trường. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho các dự án sớm đi vào hoạt động. Hỗ trợ nâng cấp, xây mới một số tuyến đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Cần có giải pháp thiết thực để tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, nhất là những dự án hạ tầng giao thông; giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; có biện pháp hữu hiệu xử lý ô nhiễm môi trường. Đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong việc chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, đại biểu đề nghị tỉnh và ngành chức năng chấn chỉnh, xử lý việc dạy thêm không đúng quy định, công khai khoản đóng góp trong trường học; đánh giá thực chất kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, nâng cao chất lượng chữa bệnh cho nhân dân; có biện pháp kiên quyết xử lý tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, nợ bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Giải quyết tồn đọng trong thực hiện chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các lẽ hội và việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng liên quan có quy chế phối hợp để xây dựng hạ tầng viễn thông đồng bộ.

Đại biểu tổ Vũ Thư thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm 

Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đại biểu đề nghị tỉnh và các ngành chức năng làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, bức xúc kéo dài; tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp về: phát triển nhà ở; chế độ hỗ trợ cho công chức làm việc tại trung tâm hành chính công; hỗ trợ hoạt động của ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn.

Một số ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 7/12: 

Ông Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thời gian gần đây, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, UBND tỉnh còn thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với trên 80 đoàn khách nước ngoài đến làm việc, tìm hiểu đầu tư vào tỉnh; triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư, duy trì chương trình “Cà phê doanh nhân” 2 lần/tuần. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những “rào cản”, đề ra các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Song, theo phản ánh của doanh nghiệp thì một số thủ tục, hồ sơ còn rườm rà. Đề nghị tỉnh chỉ đạo sâu sát, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, đồng thời tăng cường các giải pháp chỉ đạo, điều hành về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Giang, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Khu kinh tế Thái Bình là cơ hội cho tỉnh khai thác tối đa lợi thế để phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch chung Khu Kinh tế Thái Bình, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, đặc biệt là các khu công nghiệp trên địa bàn 2 huyện biển Tiền Hải, Thái Thụy. Đề nghị tỉnh khi xây dựng quy hoạch chung Khu Kinh tế ven biển đồng thời phải xây dựng quy hoạch các phân khu chức năng; quy hoạch sớm các khu nuôi trồng thủy sản; cơ chế giải phóng mặt bằng phải thống nhất và đồng đều tại các địa phương, các dự án.

Ông Đinh Trọng Xá, Giám đốc Sở Tư pháp

Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2020 đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự báo, mục tiêu của chương trình không còn phù hợp với tình hình phát triển thực tế của địa phương, vì vậy cần sớm điều chỉnh. Khi thực hiện điều chỉnh phải dựa trên dự báo nhu cầu về nhà ở cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Trong đó đặc biệt quan tâm tới nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng xã hội là người có thu nhập thấp ở đô thị, người nghèo ở nông thôn, hộ chính sách, cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, học sinh, sinh viên… trên phạm vi toàn tỉnh. Có cơ chế thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà ở xã hội đã được xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Trường Chính trị tỉnh

Đại biểu và cử tri rất vui mừng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã đạt được trong năm 2017, đặc biệt lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, qua các đợt tiếp xúc với đại biểu, cử tri cũng kiến nghị tỉnh cần rà soát lại việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia bảo đảm chất lượng. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động làm sao phải đúng nhu cầu của người được đào tạo. Chỉ đạo ngành chuyên môn hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sát tình hình thực tế, tránh chồng chéo, bảo đảm chất lượng.Về tờ trình đặt tên một số tuyến đường, phố ở một số địa phương, tôi đề nghị các địa phương cần tham khảo ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu kỹ căn cứ và có tính toán hợp lý bảo đảm việc đặt tên cho phù hợp với lịch sử, truyền thống văn hóa, tâm nguyện của người dân  địa phương.

Đại biểu Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc điều hành Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa

 Thời gian qua, Thái Bình đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đại biểu và cử tri mong muốn tỉnh cần xây dựng cơ chế khuyến khích ưu đãi đầu tư đồng bộ, tạo thuận lợi về mặt bằng để thu hút nhà đầu tư vào xây dựng trường học, bệnh viện chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Và nếu làm được điều đó, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vào đầu tư. Hiện nay, việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn gặp nhiều khó khăn, đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các bệnh viện có giải pháp khắc phục tình trạng vỡ quỹ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thông tuyến khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đại biểu Vũ Huy Ðông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan

Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, để thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển cần phải đa dạng hóa hình thức, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về thực hiện đầu tư theo các hình thức BT, BOT, … để có nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội là đúng đắn, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, dư luận xã hội có định kiến chưa tốt và chưa hiểu hết về mặt tích cực của hình thức đầu tư này. Vì vậy, tôi đề nghị thời gian tới, tỉnh  cần đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và mọi người dân thấy rõ lợi ích của việc đầu tư theo hình thức BT, BOT; kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình thực hiện và minh bạch trong việc chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án. Và nếu làm được 2 điều này, chắc chắn Thái Bình sẽ thu hút nguồn lực lớn đầu tư cho phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đại biểu Trần Thị Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen

Tôi nhất trí với báo cáo đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017 và rất phấn khởi về kết quả sản xuất công nghiệp năm 2017 tăng trưởng 19,21% so với năm 2016. Số doanh nghiệp trên địa bàn hiện có là 5.616 doanh nghiệp, tuy nhiên đây hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn về vốn, khoa học công nghệ, thị trường. Để bảo đảm công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển bền vững, là trụ cột của nền kinh tế, tôi đề nghị tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp có những sáng kiến làm lợi cho cộng đồng; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn tín dụng dễ dàng phát triển sản xuất. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bằng cách thu hút doanh nghiệp về nông thôn đầu tư sản xuất, thu hút lao động tại chỗ vào làm việc. Bên cạnh đó, tỉnh cần có quy hoạch cụ thể về phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy hoạch vùng, có cơ chế hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật tập trung, tránh đầu tư dàn trải, tạo mối liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, thúc đẩy sản xuất phát triển.

TBĐT


  • Từ khóa