Thứ 7, 23/11/2024, 08:40[GMT+7]

Tập trung xử lý vi phạm Luật Đê điều

Thứ 4, 13/12/2017 | 08:21:45
1,498 lượt xem
Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra rất phổ biến. Hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, làm hàng quán tạm để kinh doanh, xẻ mái đê làm dốc, đổ phế thải san lấp, lấn chiếm bãi sông, lòng sông, xây dựng công trình trái phép ngoài bãi sông…

Mặt đê tả Hồng Hà II, đoạn qua địa phận các xã Vũ Đoài, Việt Thuận, Vũ Vân (Vũ Thư) xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn cho người và phương tiện giao thông.

Thái Bình là tỉnh đồng bằng sông Hồng, được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584km, trong đó có 356km đê trung ương. Do đặc thù các tuyến đê đi qua khu dân cư sinh sống, sản xuất nông nghiệp ở khu vực ngoài bãi sông nên thường xuyên phát sinh những vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai ở các địa phương. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2011 đến ngày 30/11/2017, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1.250 vụ vi phạm Luật Đê điều, trong đó đã xử lý 457 vụ, còn 793 vụ tồn đọng, chưa được xử lý.

Ngoài ra, do các tuyến đê trên nằm ở hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, thuận lợi cho giao thông đường thủy phát triển nên từ lâu trên địa bàn tỉnh đã hình thành các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tại bãi sông dọc các tuyến đê. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 312 bến bãi các loại nằm ở các tuyến đê trung ương. Các bến bãi này có nguồn gốc xuất xứ khác nhau, tồn tại qua nhiều thời kỳ, đa số là các bến bãi vi phạm Luật Đê điều hoạt động không phép hoặc có phép do các cơ quan không có thẩm quyền cấp phép, một số ít bến bãi hoạt động có phép. 

Qua kiểm tra của các lực lượng chức năng, hiện 58/312 bến bãi hoạt động có phép (trong đó 13 bến bãi còn hiệu lực, 45 bến bãi đã hết hiệu lực); 254 bến bãi hoạt động không phép; 157 bến bãi hoạt động nằm trong quy hoạch; 155 bến bãi hoạt động không nằm trong quy hoạch.

Mặt đê Trà Lý đoạn qua địa phận xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) xuống cấp nghiêm trọng do xe chở vật liệu xây dựng quá tải gây ra.

Một trong những nguyên nhân của việc tồn tại những bến bãi vật liệu xây dựng trên là do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa ở Thái Bình diễn ra nhanh, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng phục vụ công tác san lấp mặt bằng, xây dựng dân dụng, các khu công nghiệp, khu đô thị tăng cao. Tuy nhiên, hoạt động của những bến bãi trên còn nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng chất tải làm bến bãi trái phép, các bến bãi nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, tình trạng xe quá tải hoạt động làm nhiều tuyến đê xuống cấp nghiêm trọng…

Ông Nguyễn Bảo Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, việc xử lý các công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều ngoài bãi sông theo Điều 27 Luật Đê điều rất khó khăn. Nguyên nhân là do các khu dân cư, khu sản xuất đã hình thành trong hành lang bảo vệ đê từ trước khi Luật Đê điều có hiệu lực. Khi mở rộng, nâng cấp công trình đê điều, các công trình nhà cửa của người dân trước đây chưa nằm trong diện vi phạm thì nay trở thành vi phạm, việc này gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Theo Luật Đê điều, các công trình vi phạm này phải tiến hành di dời, tuy nhiên, do số lượng công trình lớn, kinh phí cho công tác di dời, tái định cư của các hộ sinh sống trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc xử lý những vi phạm trên cũng gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân và cán bộ cơ sở chưa cao về trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác quản lý và bảo vệ đê điều, thiếu quan tâm trong việc phối hợp chỉ đạo thực hiện Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai. 

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, thời gian tới, Chi cục Thủy lợi sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc hạt quản lý đê điều các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai. Kiên quyết xử lý, giải tỏa các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, làm nhà cửa, công trình xây dựng trong phạm vi 5m kể từ chân đê; ngăn chặn và xử lý việc làm nhà, đào ao, lấy đất trong phạm vi bảo vệ đê, đổ đất và chất thải lấn ra bãi sông, xây dựng các công trình ngoài bãi sông ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ…

Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày